BoJ sẽ hạ lãi suất ngắn hạn nếu phải nới lỏng chính sách tiền tệ

Thống đốc BoJ nhấn mạnh: "Nếu chúng tôi cần nới lỏng tiền tệ hơn nữa, chúng tôi chắc chắn sẽ hạ lãi suất ngắn hạn và trung hạn. Nhưng chúng tôi không muốn hạ lãi suất dài hạn.”
BoJ sẽ hạ lãi suất ngắn hạn nếu phải nới lỏng chính sách tiền tệ ảnh 1Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tại Tokyo. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Haruhiko Kuroda cho biết BoJ đương nhiên sẽ hạ lãi suất ngắn hạn và trung hạn nếu cần phải nới lỏng chính sách tiền tệ.

Đồng thời, BoJ cho rằng giảm sâu lãi suất vào vùng âm sẽ là công cụ chủ yếu để chống lại các nguy cơ đang gia tăng từ bên ngoài.

Phát biểu với hãng tin Reuters sau khi tham dự hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) cuối tuần vừa qua, ông Kuroda nhấn mạnh: "Nếu chúng tôi cần nới lỏng tiền tệ hơn nữa, chúng tôi chắc chắn sẽ hạ lãi suất ngắn hạn và trung hạn. Nhưng chúng tôi không muốn hạ lãi suất dài hạn.”

Ông cho rằng giảm lãi suất ngắn hạn và trung hạn sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế, nhưng cắt giảm mạnh lãi suất siêu dài hạn có thể ảnh hưởng đến tâm lý của người tiêu dùng khi nó làm giảm lợi nhuận đầu tư của các quỹ lương hưu và các công ty bảo hiểm nhân thọ.

Theo ông Kuroda, BoJ đã có một khuôn khổ linh hoạt cho phép ngân hàng này tăng cường mua các quỹ giao dịch (ETF) nếu thị trường có nhiều biến động.

Đây là dấu hiệu cho thấy BoJ sẵn sàng thu hẹp đà giảm giá chứng khoán vốn có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý kinh doanh.

Các phát biểu trên của ông Kuroda cho thấy mối lo ngại của BoJ về tác động mà cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và sự sụt giảm nhu cầu toàn cầu đang gây ra cho nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu của Nhật Bản.

[Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cân nhắc nới lỏng chính sách tiền tệ]

Điều này có thể thúc đẩy BoJ tăng cường biện pháp kích thích tiền tệ ngay trong tháng này.

Bên cạnh đó, các phát biểu này cũng là dấu hiệu rõ nét nhất cho thấy nếu BoJ phải nới lỏng chính sách tiền tệ, thì phương án khả dĩ nhất là đưa lãi suất ngắn hạn xuống sâu hơn vào vùng âm.

Dù ông Kuroda cho rằng đây là một trong những phương án chủ chốt, giới phân tích cảnh báo động thái này có thể phản tác dụng vì nó đẩy các ngân hàng khu vực vào khó khăn tài chính và gây ảnh hưởng đến tâm lý tiêu dùng.

Khi được hỏi BoJ còn công cụ nào khác để lựa chọn ngoài phương án trên, Thống đốc Kuroda nói ngân hàng này có thể “kết hợp một vài phương án” hoặc “thay đổi một số khía cạnh” của chúng, song ông không nói thêm chi tiết.

Với chính sách được gọi là kiểm soát đường cong lợi suất (YCC), BoJ đã đặt lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1% và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm ở khoảng 0% nhằm đạt được mục tiêu lạm phát 2%. BoJ còn mua trái phiếu chính phủ và các tài sản rủi ro như ETF.

Có nhiều đồn đoán trên thị trường cho rằng BoJ có thể nới lỏng chính sách tiền tệ tại cuộc họp ngày 30-31/10 tới, sau khi phát đi tín hiệu hồi tháng trước về khả năng sẽ sớm hành động khi cảnh báo về những nguy cơ đang gia tăng từ bên ngoài. Tuy nhiên, theo ông Kuroda, khó có thể nói chắc chắn về khả năng này.

Ông cho biết dù các cuộc đàm phán Mỹ-Trung đã có tiến triển, nhưng bất đồng giữa hai nước có thể vẫn tiếp diễn và số phận của Brexit còn chưa chắc chắn. Người đứng đầu BoJ cho hay các nguy cơ như vậy và việc hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu của IMF có thể ảnh hưởng đến dự đoán của BoJ về triển vọng kinh tế Nhật Bản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục