Báo cáo do Viện Nghiên cứu Tài chính (IFS) của Vương quốc Anh công bố ngày 8/11 cho biết nguồn thu ngân sách từ thuế giảm do kinh tế trì trệ có thể sẽ đẩy thâm hụt tài chính công của nước này lên mức 14,9 tỷ bảng (khoảng 18,48 tỷ USD) vào tài khóa 2019-2020.
Đây được coi là một thách thức lớn đặt ra đối với Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond khi ông chuẩn bị Báo cáo mùa Thu về tình hình ngân sách trong bối cảnh nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.
Theo ước tính của IFS - viện nghiên cứu hàng đầu về kinh tế có trụ sở ở London - tài khóa 2019-2020 có thể sẽ chứng kiến kinh tế Anh tăng trưởng chậm hơn, dẫn đến nguồn thu từ thuế giảm 31 tỷ bảng Anh so với mức dự đoán được đưa ra trong Ngân sách năm nay, trong trường hợp chính sách tài chính hiện tại được duy trì.
Việc nước Anh chính thức “đoạn tuyệt” với EU chỉ có thể giúp nước này tiết kiệm được khoảng 6 tỷ bảng mỗi năm tiền đóng góp cho ngân sách của EU.
Do đó, rất có khả năng Anh sẽ bị thâm hụt ngân sách 14,9 tỷ bảng vào tài khóa 2019- 2020.
Báo cáo của IFS hoàn toàn trái ngược với những gì mà Văn phòng Trách nhiệm giải trình ngân sách (OBR) công bố hồi tháng Ba rằng tài chính công của Anh sẽ được cải thiện đáng kể, dẫn đến mức thặng dư ngân sách 10,4 tỷ bảng vào cuối tài khóa 2019-2020.
Mặc dù vẫn nhấn mạnh sẽ không tìm mọi cách để hoàn thành các mục tiêu do người tiền nhiệm George Osborne vạch ra trước đó nhưng Bộ trưởng Philip Hammond khẳng định rằng ông sẽ nỗ lực cân đối thu chi ngân sách.
Ông sẽ phải đề ra những giải pháp cụ thể giải quyết tình trạng thâm hụt ngân sách trong Báo cáo mùa Thu dự kiến công bố vào ngày 23/11 tới.