Brexit: Khu tài chính London có thể sẽ 'chọn lối đi riêng' với EU

Bộ trưởng Tài chính Anh Sajid Javid cho biết sẽ thúc đẩy để có quy chế "tương đương dài lâu" như là một cách để giữ cho Anh quyền được tự do tiếp cận thị trường đơn lẻ EU trong "nhiều thập kỷ tới."
Brexit: Khu tài chính London có thể sẽ 'chọn lối đi riêng' với EU ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 11/2, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) Jon Cunliffe cảnh báo nước này không thể đưa quy định tài chính của mình sang Liên minh châu Âu (EU) và có thể sẽ áp dụng các quy định tài chính khác với của EU thời kỳ hậu Brexit.

Ông Jon Cunliffe nhấn mạnh sự cần thiết phải "có niềm tin tưởng thực sự" đến từ cả hai phía khi Anh và EU khi tiến hành đàm phán Brexit liên quan đến tương lai của các hoạt động dịch vụ tài chính.

[EU sẽ hướng tới mối quan hệ thương mại gần gũi với Anh]

Phó Thống đốc Jon Cunliffe, người chịu trách nhiệm đảm bảo ổn định tài chính cho BoE, đề cao tầm quan trọng của khu tài chính London đối với EU khi cho rằng EU sẽ "được nhiều hơn mất" khi có quyền tiếp cận vào khu tài chính London và không thể xảy ra việc dịch chuyển toàn bộ hoạt động của khu tài chính London sang EU do Brexit.

Ông Jon cho rằng Anh không thể đưa các quy định tài chính của mình và việc giám sát hệ thống tài chính phức tạp bậc nhất trên thế giới mà nước Anh đang vận hành để chuyển cho một hệ thống pháp lý khác Anh thực hiện.

Ông cho rằng đối với lĩnh vực dịch vụ tài chính thì hai bên nên xây dựng dựa trên kết hợp giữa quy tắc vận hành quản lý tài chính chung toàn cầu và tôn trọng các quy định của nước sở tại.

Những thỏa thuận giám sát và nguyên tắc vận hành trong tương lai giữa Anh và EU cần phải được ổn định và xây dựng trên sự tin tưởng lẫn nhau.

Những điều này rất quan trọng, mang lại lợi ích cho cả hai bên trong các hoạt động thương mại đường biên, và nếu gián đoạn các hoạt động thương mại đường biên thì đây cũng là điều tự gây ra rủi ro cho chính ngành dịch vụ tài chính nói chung.

Phát biểu trên của Phó Thống đốc BoE ngày 11/2 được đưa ra trong bối cảnh xảy ra các cuộc tranh luận chỉ trích lẫn nhau giữa Anh và EU đối với vấn đề tương lai của các hoạt động dịch vụ tài chính kể từ khi Anh chính thức rời khỏi mái nhà chung châu Âu cách đây 2 tuần.

Bộ trưởng Tài chính Anh Sajid Javid cho biết sẽ thúc đẩy để có quy chế "tương đương dài lâu" như là một cách để giữ cho Anh quyền được tự do tiếp cận thị trường đơn lẻ EU trong "nhiều thập kỷ tới."

Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau phát biểu của Bộ trưởng Sajid Javid, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU ông Michel Barnier đã lên tiếng cho rằng một thỏa thuận vĩnh viễn sẽ không được EU chấp thuận.

"Tương đương" là thuật ngữ đã tồn tại và là cách để một số nước như Singapore và Mỹ có quyền vào thị trưởng EU, nhưng điều này chỉ được áp dụng cho một số lĩnh vực cụ thể trong các hoạt động dịch vụ tài chính và có thể bị rút lại bất cứ lúc nào.

Các công ty đóng tại khu tài chính London đã tiến hành nhiều bước để giảm thiểu tối đa tình trạng bất ổn định xảy ra khi mối quan hệ trong tương lai của Anh với EU được thiết lập, bằng cách lập ra các chi nhánh địa phương đặt trong khối EU và được đặt dưới các nhà giám sát tại địa phương.

Các nước trong EU cũng tiến hành lập các chi nhánh của mình tương tự như vậy tại Anh.

BoE lâu nay vẫn lập luận họ sẽ không là phía phải tuân theo "các quy định" mà EU đưa ra sau Brexit cho dù một số công ty tại khu tài chính London lại cho rằng việc Anh liên thông với các quy định của EU là giá đáng chấp nhận để đổi lấy việc đảm bảo quyền được tiếp cận vào thị trường EU.

Phó Thống đốc BoE cho rằng những thách thức mới nổi lên, khi mà quy định của EU không cần thiết để đối phó với sự phức tạp và quy mô rủi ro và hoạt động tài chính tại London, và những tiến trình và cấu trúc phức hợp cần thiết để quản lý khuôn khổ quy định trong EU cũng không còn cần thiết nữa ở Anh, do vậy hai bên có thể sẽ có những quy định khác nhau./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục