Các địa phương ven biển chủ động ứng phó với cơn bão số 10

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 10, các tỉnh ven biển đang tập trung triển khai các biện pháp ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại trong trường hợp bão đổ bộ vào địa bàn.
Các địa phương ven biển chủ động ứng phó với cơn bão số 10 ảnh 1Người dân kéo tàu thuyền lên bờ tránh bão số 10. (Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN)

Sáng 14/9, ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, Phó trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh đã ký lệnh sơ tán gần 11.000 hộ dân với trên 47.400 người tại các huyện ven biển nhằm tránh trú bão số 10.

Các huyện ven biển như Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Nghi Xuân, Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, thành phố Hà Tĩnh và Khu Kinh tế Vũng Áng huy động lực lượng, phương tiện để tổ chức di dời dân cư các xã vùng ven biển, ven cửa sông, cửa lạch đến nơi an toàn; thời gian sơ tán dân xong trước 17 giờ ngày 14/9.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh điều động phương tiện, lực lượng và phối hợp với chính quyền các huyện ven biển, ven cửa sông tổ chức di dời dân và đảm bảo an ninh trật tự ở khu vực phải di dời đi và đến.

Trưởng các đoàn kiểm tra chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai-tìm kiếm cứu nạn tại các huyện chỉ đạo các địa phương thực hiện di dời dân đúng thời gian quy định và không được để dân quay lại khi bão chưa tan...

Trong khi đó, trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 10, tỉnh Nam Định đang tập trung triển khai các biện pháp ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại trong trường hợp bão đổ bộ vào địa bàn.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị đã có công điện chỉ đạo các địa phương, đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.

Lực lượng chức năng phối hợp với các địa phương trên địa bàn tỉnh Nam Định theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền để kịp thời xử lý các tình huống có thể xảy ra; hướng dẫn ngư dân vào nơi tránh trú an toàn; chủ động phương án di dời dân, sơ tán người canh coi tại các chòi canh vào khu vực an toàn; di dời dân ở vùng nguy hiểm ở khu vực cửa sông, ven biển vào nơi an toàn.

Các địa phương kiểm tra chặt chẽ hệ thống đê điều, nhất là hệ thống đê bối, các bến cảng, kho tàng ven biển để có biện pháp đảm bảo an toàn; phát hiện, xử lý ngay những sự cố hư hỏng trên tuyến đê sông, đê biển.

Cùng với đó, các huyện, thành phố duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng bơm tiêu chống úng cho lúa, tiêu nước đô thị để ứng phó với tình trạng ngập úng có thể xảy ra...

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định, các địa phương, đơn vị đã chuẩn bị hơn 43.500 m3 đá hộc, trên 2.700 rọ thép, hơn 527.300 bao nilon để gia cố đê, kè khi có yêu cầu.

Theo kịch bản ứng phó với bão, trong trường hợp bão cấp 10 đổ bộ trực tiếp, toàn tỉnh Nam Định sẽ phải sơ tán 32.350 người. Trường hợp bão cấp 11-12 đổ bộ trực tiếp, Nam Định sẽ sơ tán 147.032 người.

Nam Định hiện có 2.057 tàu thuyền với 5.588 lao động; trong đó, 634 tàu đánh bắt xa bờ với 2.652 lao động. Hiện Nam Định đã có 866 phương tiện với trên 2.130 lao động vào neo đậu tại cảng cá, bến cá trong tỉnh.

Tỉnh cũng có 578 phương tiện với 1.740 ngư dân đang hoạt động đánh bắt, hoạt động vào neo đậu trong vùng biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ninh.

Tại Phú Yên, theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, hiện 556 tàu cá của ngư dân tỉnh Phú Yên với 3.100 lao động hoạt động trên biển đều đã liên lạc được với các đồn biên phòng hoặc gia đình để nhận thông tin về cơn bão số 10 và có biện pháp ứng phó phù hợp.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo các đồn biên phòng và Hải đội 2 phân công cán bộ, chiến sỹ túc trực 24/24 giờ, đảm bảo thông tin liên lạc, đồng thời thường xuyên phối hợp với chính quyền các xã, phường, thị trấn ven biển thông báo diễn biến cơn bão số 10 đến ngư dân; hướng dẫn các tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn.

Hiện một chiếc tàu vận tải quốc tịch Mông Cổ với 16 thủy thủ trên hải trình chở 3.115 tấn gạo từ Cần Thơ ra đã xin tránh trú bão tại vùng biển Phú Yên đã được Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên tạo điều kiện neo đậu an toàn ở vị trí cách cửa đầm Cù Mông khoảng 2 hải lý.

Chủ động ứng phó với bão số 10, ngày 14/9, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn và chủ động công tác phòng chống bão.

Do ảnh hưởng của bão số 10, trong sáng 14/9, tại Quảng Bình đã có mưa vừa đến mưa to. Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình đã có công điện khẩn chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai công tác phòng chống, sẵn sàng ứng phó với bão số 10.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình cho biết, tính đến 9 giờ ngày 14/9 đã có 4.009 tàu cá với 17.162 thuyền viên vào bờ trú, tránh bão an toàn.

Hiện Quảng Bình còn 569 tàu với 4.641 lao động đang hoạt động trên biển, khu vực Vịnh Bắc Bộ, vùng ven biển từ Hà Tĩnh đến Bà Rịa-Vũng Tàu.

Các đồn Biên phòng dọc bờ biển Quảng Bình đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu và thuyền trưởng thông báo cho những phương tiện đang hoạt động trên biển về nơi trú, tránh bão an toàn.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các địa phương sẵn sàng triển khai phương án ứng phó với bão mạnh và siêu bão; sẵn sàng di dời khoảng 20.000 hộ với hơn 76.000 người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, vùng ven biển, vùng đồi núi và khu vực dễ bị sạt lở đất.

Tại Thanh Hóa, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai phương án ứng phó với bão số 10 đến từng đơn vị, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.

Các địa phương ven biển chủ động ứng phó với cơn bão số 10 ảnh 2Tàu thuyền tại thành phố Sầm Sơn được kéo lên bờ tránh bão số 10. (Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN)

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền yêu cầu Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, sử dụng mọi phương tiện, bằng mọi biện pháp kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn; hướng dẫn ngư dân neo đậu tàu thuyền đúng quy định.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Đài thông tin duyên hải Thanh Hóa và Ủy ban Nhân dân huyện Hoằng Hóa khẩn trương tìm mọi biện pháp liên lạc với 3 phương tiện chưa liên lạc được của xã Hoằng Trường...

Các huyện thành phố ven biển rà soát, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân tại các khu vực sát mép nước, cửa sông, ven biển, các khu du lịch khi có lệnh. Các huyện miền núi chủ động tổ chức đi dời các hộ dân đang sống tại các khu vực nguy hiểm ven sông suối, vùng trũng thấp, các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất để đảm bảo an toàn cho người và tài sản...

Toàn tỉnh Thanh Hóa có 57.801 hộ với 247.867 người dân đang sinh sống ở khu vực mép nước, cửa sông, ven biển. Khi có lệnh, số dân cần phải sơ tán trong phạm vi cách bờ biển 200m là 8.599 hộ với 765 người. Số dân cần phải sơ tán trong phạm vi cách bờ viên từ 200-500m là 12.695 hộ với 35.537 người.

Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão hồ Cửa Đạt, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Sông Chu thực hiện tốt phương án vận hành liên hồ chứa Hủa Na-Cửa Đạt; xả lũ Cửa Đạt để đảm bảo mực nước dâng dưới 105m.

Theo báo cáo từ Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, tính đến 8 giờ ngày 14/9 toàn tỉnh có 7.409 phương tiện nghề cá với 27.190 lao động, có 6.177 phương tiện với 20.232 lao động đã neo đậu tại các bến trên địa bàn tỉnh.

Hiện còn 1.232 phương tiện với 6.958 lao động đang hoạt động trên biển, trong đó có 3 phương tiện với 33 lao động thuộc xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa đang hoạt động vùng biển Vịnh Bắc Bộ chưa liên lạc được.

Với phương chân “Xanh nhà hơn già đồng," các địa phương trong tỉnh đang khẩn trương thu hoạch ngay các trà lúa đã chín để hạn chế thiệt hại, không gieo trồng vụ Đông trong thời điểm này...

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch được hơn 30.000ha trên tổng số 128.000ha lúa mùa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục