Các lệnh trừng phạt Nga của phương Tây đã đạt đến 'giới hạn'?

Sau khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine, Nga đã trở thành nước dẫn đầu thế giới về số lượng các lệnh trừng phạt đối với các cá nhân và pháp nhân, vượt cả Iran, Syria và Triều Tiên.
Các lệnh trừng phạt Nga của phương Tây đã đạt đến 'giới hạn'? ảnh 1Ngày 20/7/2022, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí gói trừng phạt thứ 7 nhằm vào Nga, trong đó cấm nhập khẩu vàng của nước này và phong tỏa tài sản của ngân hàng lớn nhất Nga Sberbank. Lệnh trừng phạt dự kiến có hiệu lực từ ngày 21/7. (Ảnh: TASS/TTXVN)

Trang mạng của Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế RIAC (russiancouncil.ru) có bài viết cho biết vào đầu tháng 3/2022, Nga đã trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về số lượng các lệnh trừng phạt đối với các cá nhân và pháp nhân, vượt cả Iran, Syria và Triều Tiên.

Đến giữa tháng 5/2022, khoảng cách giữa Nga và Iran về số lượng người trong danh sách trừng phạt của các nước phương Tây và đồng minh của họ đã tăng gần gấp đôi.

Ủy viên châu Âu Virginijus Sinkevicius tin rằng các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đã đạt đến “giới hạn” và bây giờ điều quan trọng nhất là thực hiện các biện pháp trừng phạt đó.

Chất lượng thay vì số lượng

Sau khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, EU đã áp đặt 9 gói trừng phạt ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế Nga, cũng như nhiều doanh nhân, chính trị gia và quan chức Nga.

Đồng thời, EU đã nghĩ đến việc thành lập một đại diện đặc biệt cho các biện pháp trừng phạt.

Theo các nguồn tin truyền thông, vị trí này được tạo ra “để đảm bảo thực thi tốt hơn các biện pháp trừng phạt của Liên minh ở các quốc gia, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ, bởi vì liên minh đang tìm cách ngăn chặn việc lách các biện pháp trừng phạt chống Nga.”

[Liên minh châu Âu quyết định gia hạn trừng phạt Nga thêm 6 tháng]

Các phương tiện truyền thông nhận định: “Đặc biệt, Mỹ và EU đang nhấn mạnh rằng Ankara đã thông qua các biện pháp liên quan đến việc cung cấp hàng hoá bị cấm từ phía các thương nhân - những người muốn lách các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ đối với các sản phẩm công nghiệp và quốc phòng áp đặt lên Nga.”

Các quốc gia khác cũng đang được Brussels giám sát chặt chẽ bao gồm Serbia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Ngoài ra, lãnh đạo EU đã đánh giá hậu quả của những hạn chế đã áp đặt chống lại Nga đối với nền kinh tế châu Âu.

Các nguồn tin truyền thông cho biết tác động tiêu cực của lệnh trừng phạt chỉ giới hạn ở một số lĩnh vực của nền kinh tế.

Các nước EU đã chi 525,5 tỷ euro, tương đương khoảng 554 tỷ USD để bù đắp thiệt hại do các lệnh trừng phạt này.

Theo đánh giá do EC công bố, nhập khẩu gỗ và kim loại quý đã giảm hầu hết do các lệnh trừng phạt chống lại Nga.

Tuy nhiên, nền kinh tế châu Âu đã phải chịu nhiều thiệt hại hơn từ việc thay đổi xu hướng thị trường và các hạn chế trả đũa từ Nga.

Ví dụ, do các bước trả đũa, nhập khẩu khí hiếm, chẳng hạn như neon và xenon, cần thiết cho sản xuất chip, đã giảm xuống.

Mỹ cũng đồng ý rằng họ đã áp đặt đủ các hạn chế đối với Nga. Do đó, Mỹ chưa có kế hoạch công nhận Nga là quốc gia “bảo trợ khủng bố.”

Theo Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, việc liệt Nga vào danh sách tài trợ khủng bố “có thể gây ra những hậu quả không lường trước được.”

Ông Blinken nói: “Chúng tôi liên tục xem xét các phương pháp khác nhau mà chúng tôi có thể sử dụng để gia tăng áp lực.”

Ông này cũng cho biết thêm việc công nhận Nga là “nhà tài trợ khủng bố” sẽ tạo thêm khó khăn.

Theo Ngoại trưởng, Mỹ và các đồng minh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga và đang hỗ trợ Ukraine cung cấp vũ khí và linh kiện để khôi phục và sửa chữa cơ sở hạ tầng đã bị phá hủy.

Mỹ coi Syria, Iran, Triều Tiên và Cuba là “các nhà tài trợ chủ nghĩa khủng bố.”

Sự công nhận như vậy đòi hỏi một số biện pháp cứng rắn, bao gồm cấm xuất khẩu các sản phẩm dành cho lĩnh vực quốc phòng, kiểm soát xuất khẩu các sản phẩm lưỡng dụng, hạn chế tài chính và nhiều biện pháp khác.

Mỹ đã thực hiện các biện pháp tương tự ở quy mô này hay quy mô khác bên ngoài danh sách “các nhà tài trợ khủng bố” chống lại Nga.

Các công cụ hạn chế

Vào tháng 12/2022, Uỷ viên châu Âu Virginijus Sinkevicius lưu ý rằng các biện pháp trừng phạt chống lại Liên bang Nga “không thể có thêm bất kỳ sự đổi mới, sáng kiến nào.”

Theo ông, một trong những bước quan trọng nhất là từ chối cung cấp khí đốt của Nga ở châu Âu.

Ông Sinkevicius nói: “Tôi nghĩ rằng bước tiến lớn nhất đã được thực hiện về mặt năng lượng và chỉ giảm bớt được dưới 9% trong tổng số 40% khí đốt ở EU nhập từ Nga. Tôi nghĩ rằng đây đã là những bước đi lớn nhất làm gia tăng áp lực (lên Nga).”

Theo Giám đốc Chương trình của Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC) Ivan Timofeev, tất cả các biện pháp hạn chế có thể đã được áp dụng.

Ông Timofeev nói: “Đây là các biện pháp trừng phạt ngăn chặn, kiểm soát xuất khẩu và cấm nhập khẩu. Và thậm chí một biện pháp mới đã được đề xuất, đó là áp mức giá trần, ngưỡng giá đối với dầu khí, và các lệnh trừng phạt vận tải, lệnh trừng phạt thị thực và nhiều hạn chế ngoại giao khác.”

Tuy nhiên, chuyên gia Timofeev cho rằng điều này không có nghĩa là các công cụ đã hết và những người khởi xướng các hạn chế không còn dư địa để mở rộng.

Chuyên gia này nói: “Đơn giản là việc mở rộng sẽ không phải bằng các công cụ, mà là lấp đầy những công cụ này.”

Do đó, trong trường hợp các lệnh trừng phạt ngăn chặn, các cá nhân mới có thể được bổ sung vào danh sách. Ví dụ như danh sách kiểm soát xuất khẩu, hàng hóa bị cấm nhập khẩu vào Nga có thể được mở rộng hơn nữa.

Chuyên gia Denis Primakov - Trưởng phòng luật trừng phạt và thực hành tuân thủ tại Văn phòng luật KIAP - cũng đồng ý với ý kiến nói trên, lưu ý rằng trong tương lai, những cá nhân trong cùng danh sách trừng phạt có thể sẽ bị áp đặt các biện pháp trừng phạt từ cả các quốc gia khác. Điều này sẽ dẫn đến việc từ chối hợp tác với những người từ các quốc gia không áp đặt các hạn chế đối với họ vì sợ các biện pháp trừng phạt thứ cấp.

Ông Primakov khẳng định: “Đây có thể là một mối đe doạ nghiêm trọng xét từ khía cạnh kinh tế."

Chuyên gia Primakov nói: “Hiện nay, ngày càng có nhiều khu vực tài phán đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đi đến kết luận rằng không chỉ cần thực hiện các biện pháp trừng phạt, mà còn phải giám sát việc thực hiện chúng. Do đó, mục tiêu thứ hai trong năm tới đối với các khu vực tài phán này là giám sát nghiêm tục hơn và phối hợp tốt hơn trong giám sát việc tuân thủ các biện pháp trừng phạt và xử phạt những người vi phạm chúng.”

Trong khi đó, theo đại diện của RIAC, tất cả các loại hình trừng phạt đều có một thời điểm nhất định, sau đó việc thắt chặt chúng trở nên khó khăn hơn. Do đó, trong trường hợp Nga bị đưa vào danh sách kiểm soát xuất khẩu, nền kinh tế Nga đã bị thiệt hại đáng kể. Những danh sách này có thể được mở rộng bằng cách hạn chế những hàng hóa đi kèm công nghệ tiên tiến hơn.

Chuyên gia Timofeev tin tưởng: “Bạn có thể cấm nhập khẩu nước có ga và socola vào Nga, nhưng mức độ công nghệ sản xuất của sản phẩm này càng thấp thì càng dễ dàng thay thế bằng sản phẩm của Nga, hoặc từ các nhà cung cấp thay thế.”

Giới hạn về giá và cấm vận hydrocarbon

Mỹ, cũng như Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), EU và Australia đã áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga và kể từ ngày 5/12, họ không cho phép các công ty của mình cung cấp dịch vụ vận chuyển, bảo hiểm, tài chính, môi giới và kỹ thuật liên quan đến việc vận tải đường biển dầu có nguồn gốc từ Nga nếu giá bán của chúng vượt quá một mức giá trần xác định. Một biện pháp tương tự sẽ áp dụng cho các sản phẩm dầu từ ngày 5/2.

Hiện nay mức trần được đặt ở mức 60 USD/thùng. Nga không có ý định bán dầu cho các quốc gia đã tham gia trật tự mới này.

Đặc biệt, Tổng thống Nga Vladimir Putin vào cuối tháng 12/2022 đã ký một sắc lệnh về các biện pháp trả đũa việc áp đặt mức giá trần đối với dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ của Nga. Tài liệu cấm bán dầu và các sản phẩm dầu nếu các hợp đồng quy định mức giá trần.

Đồng thời, tổng thống có thể đưa ra các ngoại lệ đối với lệnh cấm này trên cơ sở một quyết định đặc biệt.

Lệnh trả đũa có hiệu lực đến ngày 1/7/2023. Lệnh cấm áp dụng ở tất cả các giai đoạn cung cấp đến người mua cuối cùng.

Giám sát thường xuyên việc tuân thủ nghị định được giao cho Bộ Năng lượng Liên bang Nga. Đồng thời, Bộ này sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để làm rõ việc áp dụng nghị định.

Về vấn đề này, chuyên gia Denis Primakov nói: “Nếu dầu của Nga được giao dịch với giá giảm, thì mục tiêu (của các nước phương Tây) đã đạt được: Mua dưới giá trị đã công bố. Có nghĩa là (mục tiêu) đạt được, nhưng chỉ bằng cách khác, nghĩa là chính Nga sẵn sàng giao dịch với mức chiết khấu lớn và bán dầu cho Ấn Độ và Trung Quốc.”

Chuyên gia Timofeev thì đánh giá: “Sẽ không có lợi (đối với Nga) do mức giá trần. Câu hỏi đặt ra là biện pháp này sẽ gây ra tác hại gì: Nhỏ hay lớn. Cho đến nay, rõ ràng, công cụ này đang được thử nghiệm. Tức là Mỹ và các nước G7 không muốn đưa ra bất kỳ biện pháp hà khắc trực tiếp nào làm mất phương hướng thị trường. Vì vậy, họ thực hiện các bước thử nghiệm. Hiện giờ họ đã áp đặt (mức trần) 60 USD/thùng. Tôi không loại trừ khả năng dầu có thể được bán giảm giá và rẻ hơn cho châu Á. Nhưng mức trần này có thể hạ xuống bất cứ lúc nào.”

Theo ông Timofeev, lệnh cấm vận đối với việc cung cấp các sản phẩm dầu mỏ, sẽ có hiệu lực vào tháng Hai, có thể gây thiệt hại nhiều hơn.

Ông này nói: “Nếu dầu có thể dễ dàng vận chuyển sang thị trường châu Á… thì với các sản phẩm dầu mỏ sẽ khó khăn hơn, bởi vì thị trường của chúng chủ yếu ở châu Âu. Thay vào đó việc thay thế bằng thị trường châu Á sẽ phức tạp hơn, tức là mức giảm sản lượng các sản phẩm dầu mỏ sẽ cao hơn.”

Cũng theo chuyên gia này, hiện tại ảnh hưởng của các lệnh cấm vận đối với việc cung cấp dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ sẽ mạnh hơn so với việc áp đặt mức giá trần.

Chuyên gia Ivan Timofeev cho biết thêm: “Đối với nguồn cung khí đốt, mọi thứ đã không còn tích cực, bởi vì có vấn đề với đường ống Dòng chảy phương Bắc… Có vấn đề về sự ổn định của nguồn cung cấp đi qua Ukraine, nghĩa là cho đến nay, dường như, khí đang được bơm, nhưng không rõ mọi thứ sẽ kéo dài bao lâu. Tôi nghĩ rằng mặc dù châu Âu sẽ không từ bỏ hoàn toàn khí đốt của Nga, nhưng ít nhất họ đang nỗ lực hết sức để làm điều này. Câu hỏi đặt ra là khi nào họ sẽ thành công.”

Các lệnh trừng phạt Nga của phương Tây đã đạt đến 'giới hạn'? ảnh 2Cơ sở khai thác khí đốt Bovanenkovo của Nga trên bán đảo Yamal. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chuyên gia Denis Primakov cũng thừa nhận khó khăn trong việc áp đặt các hạn chế đối với khí đốt: “Khó khăn hơn với khí đốt, bởi vì việc đa dạng hoá các dòng khí đốt khó hơn nhiều so với các dòng dầu. Nó được kết nối với các đường ống dẫn khí, với những khó khăn về cơ sở hạ tầng… Mặt khác, cũng cần tính đến yếu tố chuyển đổi sang năng lượng xanh, thay thế khí đốt truyền thống bằng các nguồn năng lượng khác.”

Quá trình từ bỏ khí đốt truyền thống sẽ diễn ra chậm nên có thể sẽ không nhận thấy bất kỳ thay đổi đáng kể nào vào năm 2023.

Lĩnh vực tài chính

Vào năm 2022, một số ngân hàng lớn của Nga đã bị ngắt kết nối khỏi hệ thống giao dịch tài chính liên ngân hàng SWIFT, bao gồm Sberbank, RSHB và MCB, VTB, Otkritie bank, Promsvyazbank, Sovcombank, Rossiya Bank và Novikombank.

SWIFT là một hệ thống truyền tải tin nhắn tài chính để thực hiện các giao dịch trên thị trường thanh toán, chứng khoán, công cụ tài chính phái sinh. Hệ thống này hợp nhất hơn 11.000 tổ chức tài chính của hơn 200 quốc gia.

SWIFT là một hiệp hội tư nhân có trụ sở tại Bỉ. Công ty này đã nhiều lần tuyên bố rằng họ không có thẩm quyền quyết định một số biện pháp trừng phạt.

Hiệp hội này lưu ý rằng mọi quyết định áp đặt hoặc gỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với các quốc gia hoặc tổ chức các nhân đều được đưa ra độc quyền bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Chuyên gia Denis Primakov lưu ý: “Theo tôi, họ sẽ không ngắt kết nối hoàn toàn (các ngân hàng Nga) khỏi SWIFT, vì chưa có tiền lệ như vậy. Với Iran, họ chỉ áp đặt (các biện pháp trừng phạt) đối với ngân hàng trung ương. Sau đó, họ thu hồi lại, bởi vì rất khó để tiến hành các hoạt động nông nghiệp mà không bị trừng phạt. Chúng ta vẫn còn Raiffeisenbank, Citibank chưa rời khỏi Nga và nhiều ngân hàng khác.”

Vì lý do tương tự, họ sẽ không áp đặt các hạn chế đối với Trung tâm Thanh toán Bù trừ quốc gia, vì khi đó việc mua hydrocarbon sẽ phức tạp hơn nhiều.

Theo Giám đốc Chương trình RIAC Ivan Timofeev, việc ngắt kết nối khỏi SWIFT không phải là vấn đề chính đối với các ngân hàng Nga.

Ngoài ra, việc ngắt kết nối khỏi SWIFT được bù đắp một phần nhờ sự hiện diện của Hệ thống truyền tải tin nhắn tài chính SPFS của Ngân hàng Trung ương Nga.

Chuyên gia Timofeev nhận định: “Vấn đề lớn là việc phong tỏa các ngân hàng của Nga. Bởi vì trên thực tế, các biện pháp này cũng có hiệu quả không kém việc cắt đứt SWIFT, loại Nga khỏi các khoản thanh toán bằng đồng USD và euro. Các khoản thanh toán với các nước thân thiện vẫn bằng USD, ít nhất là một phần. Do đó, tất nhiên, việc mở rộng số lượng các ngân hàng Nga bị trừng phạt sẽ dẫn đến việc thu hẹp cơ hội kinh doanh của Nga trong các giao dịch nước ngoài.”

Chuyên gia này cũng nói thêm rằng các tổ chức tài chính của Nga sẽ chuyển sang giao dịch bằng đồng nhân dân tệ nếu các đối tác Trung Quốc sẵn sàng cho việc này, có tính đến những rủi ro khi hợp tác với những cá nhân bị trừng phạt.

Ông Timofeev cho rằng có khả năng các biện pháp trừng phạt đối với các ngân hàng Nga sẽ được gia hạn vào năm 2023, nhưng chưa biết “phương Tây sẽ để lại bao nhiêu cơ hội cho các giao dịch bằng đồng USD với thế giới bên ngoài.”

Triển vọng tịch thu tài sản

EU đã phong tỏa khoản dự trữ 300 tỷ euro, tương đương khoảng 311 tỷ USD của Ngân hàng Trung ương Nga và đóng băng tài sản của các doanh nhân Nga đang bị trừng phạt với số tiền 19 tỷ euro, tương đương khoảng 19,9 tỷ USD. Vào tháng 11/2022, người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã đề xuất sử dụng những tài sản này để giúp đỡ Ukraine.

Bà này nói: “Trong ngắn hạn, chúng ta có thể cùng với các đối tác của mình tạo ra một cấu trúc để làm việc với các quỹ này và để đầu tư chúng. Sau đó, chúng ta có thể sử dụng số tiền thu được cho Ukraine.”

Theo bà von der Leyen, kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt, thiệt hại cho Ukraine lên tới khoảng 600 tỷ euro.

Bà cũng nói thêm rằng EU sẽ làm việc với các đối tác để ký kết một thoả thuận quốc tế sử dụng các quỹ của Nga.

Trong khi đó, Chính phủ Canada đã bắt đầu quá trình bắt giữ và tịch thu tài sản của doanh nhân Roman Abramovich - người đã bị Ottawa xử phạt vào tháng 3/2022.

Bộ Ngoại giao Canada đưa tin nước này sẽ tịch thu 26 triệu USD và sau đó sử dụng số tiền này để khôi phục Ukraine.

Tại Canada, ông Abramovich sở hữu công ty cung cấp dịch vụ đầu tư Granite Capital Holdings Ltd. Đây là lần đầu tiên Canada sử dụng một điều khoản trong luật cho phép nhà nước tịch thu tài sản của người bị trừng phạt.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Canada cũng lưu ý rằng các nhà tài phiệt Nga, bao gồm cả ông Roman Abramovich có liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt. Với lý do này, việc chuyển tài sản của các tỷ phú để tái thiết Ukraine là “phù hợp và công bằng.”

Liên quan vấn đề này, chuyên gia Denis Primakov nói: “Tôi nghĩ rằng dự trữ quốc tế sẽ vẫn bị đóng băng và cuộc thảo luận (về việc làm gì với chúng) sẽ tiếp diễn ở cấp độ EU… Tuy nhiên, có những khó khăn (về quyết định tịch thu tài sản). Thứ nhất, trong khi chiến sự vẫn đang diễn ra, rất khó để tính toán số tiền phải chi để khôi phục Ukraine.”

Quỹ tái thiết Iraq chỉ được tạo ra sau khi chấm dứt chiến sự. Ông Primakov tổng kết: “Tôi cho rằng ngay từ đầu, một số loại quỹ để khôi phục Ukraine sẽ được tạo ra, và sau đó các hành động sẽ được thực hiện (về việc chuyển giao tài sản bị tịch thu). Nhưng tôi không hy vọng rằng (một quỹ như vậy) sẽ được tạo ra vào năm 2023. Tài sản sẽ bị đóng băng, nhưng sẽ không có gì xảy ra với chúng.”

Trong khi đó, chuyên gia Timofeev nhận định: “Dự trữ sẽ không được trả lại cho Nga, chúng sẽ bị đóng băng. Tài sản của các doanh nghiệp và công dân Nga bị đóng băng cũng sẽ không được gỡ bỏ. Hơn nữa, các cơ chế pháp lý sẽ được tạo ra để tịch thu và chuyển giao chúng theo hướng có lợi cho Ukraine.”

Theo ông Timofeev, quá trình này sẽ diễn ra chậm, nhưng vụ tịch thu tài sản của tỷ phú Abramovich ở Canada có thể trở thành tiền lệ. Chuyên gia lưu ý rằng các cơ chế tịch thu tài sản tương tự có thể được áp dụng ở EU và Mỹ, đồng thời cho biết thêm rằng các quốc gia có thể không đợi cho đến khi kết thúc chiến dịch quân sự đặc biệt.

Theo ông Timofeev, dự trữ quốc tế của Ngân hàng Trung ương Nga vào khoảng 300 tỷ USD. Hiện giờ Canada đang thực hiện một bài kiểm tra với một tài sản tương đối nhỏ, nhưng nếu quá trình này tiếp diễn, không loại trừ khả năng một ngày nào đó họ (các nước phương Tây) sẽ có được nguồn dự trữ của Nga.

Giám đốc chương trình của RIAC cũng cho biết thêm rằng cuộc xung đột ở Ukraine là lâu dài và ngân sách viện trợ của phương Tây dành cho Ukraine đang cạn kiệt.

Ông Timofeev tổng kết: “Bản thân phương Tây giờ đây sẽ buộc phải tăng cường sản xuất quân sự. Tất cả điều này đòi hỏi tiền để kiềm chế Nga. Do đó, họ có thể rút số tiền này để giúp đỡ Ukraine, và chi tiền cho quốc phòng của họ”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục