Các nhà lãnh đạo G7 cam kết sẽ chấm dứt 'cuộc đua xuống đáy' về thuế

Các nhà lãnh đạo G7 đã thông qua một thỏa thuận được các Bộ trưởng Tài chính của họ ký vào tuần trước đó về áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu 15%.
Các nhà lãnh đạo G7 cam kết sẽ chấm dứt 'cuộc đua xuống đáy' về thuế ảnh 1Các đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Cornwall (Anh) ngày 12/6/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các nhà lãnh đạo Nhóm bảy quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) hôm 13/6 đã lên tiếng ủng hộ kế hoạch áp thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu và tăng cường các biện pháp đối phó việc né thuế, dựa trên nhận định rằng những động thái này sẽ giúp giải quyết tình trạng bất bình đẳng.

Tại hội nghị thượng đỉnh tổ chức tại nước Anh, các nhà lãnh đạo G7 đã thông qua một thỏa thuận được các Bộ trưởng Tài chính của họ ký vào tuần trước đó về áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu 15%.

Trong tuyên bố sau cuộc họp, G7 cho biết đây là một bước tiến quan trọng trong việc tạo ra một hệ thống thuế công bằng hơn, phù hợp với thế kỷ 21 và đảo ngược “cuộc đua xuống đáy” kéo dài 40 năm qua.

Tuyên bố khẳng định sự hợp tác của các nước G7 sẽ tạo ra một sân chơi bình đẳng, mạnh mẽ, đồng thời giúp tăng thêm nguồn thu từ thuế cho các chính phủ để hỗ trợ đầu tư và ngăn chặn việc tránh thuế.

[Mỹ tự tin lãnh đạo G7 sẽ ủng hộ đề xuất thuế tối thiểu toàn cầu]

Đề xuất thuế trên sau đó sẽ được trình lên cuộc họp của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Italy vào tháng tới.

Tổng thống Mỹ Joe Biden, người đã đề xuất mức thuế tối thiểu, hoan nghênh sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo đồng cấp từ Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy và Nhật Bản.

Ông nói rằng thỏa thuận này sẽ giúp ngăn chặn “cuộc đua về đáy” đang diễn ra giữa các nước, vốn chỉ bảo vệ khoản đầu tư của doanh nghiệp mà bỏ mặc những ưu tiên như bảo vệ người lao động và đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Các nước thành viên G7 gồm Vương quốc Anh, Pháp và Italy đã áp đặt "thuế dịch vụ kỹ thuật số" đặc biệt của riêng mình để có nhiều nguồn thu thuế hơn từ nơi các công ty công nghệ lớn - vốn hưởng lợi khá lớn trong giai đoạn đại dịch COVID-19 hoành hành.

Song bộ ba này cho biết họ sẽ từ bỏ chính sách thuế đơn phương nêu trên nếu các nước đạt được thỏa thuận rộng hơn tại cuộc họp G20 cũng như tại Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục