Căng thẳng Mỹ-Trung: Lý do Biden khó thoát khỏi "vũng lầy" của Trump

Sự khác biệt chính là người đứng đầu Nhà Trắng hiện tại Joe Biden đang gây áp lực các đồng minh tham gia vào cuộc chiến chống lại người khổng lồ châu Á, còn ông Trump thì hành động “một mình.”
Căng thẳng Mỹ-Trung: Lý do Biden khó thoát khỏi "vũng lầy" của Trump ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng asiatimes.com, Tổng thống Mỹ Joe Biden đang áp dụng những chiến thuật tương tự như người tiền nhiệm Donald Trump để kiềm chế Trung Quốc.

Sự khác biệt chính là người đứng đầu Nhà Trắng hiện tại đang yêu cầu (đúng hơn là gây áp lực) các đồng minh tham gia vào cuộc chiến chống lại người khổng lồ châu Á, còn ông Trump thì hành động “một mình.”

Các chính sách “điên rồ” của ông Trump

Lịch sử sẽ chứng minh rằng các cuộc chiến thương mại của ông Trump không những không kiềm chế được Trung Quốc mà còn khiến cho những khó khăn kinh tế của Mỹ càng thêm trầm trọng.

Chính sách thuế quan của ông Trump làm tăng chi phí sản xuất và giá tiêu dùng, gia tăng thâm hụt thương mại (với Trung Quốc), giảm hoạt động sản xuất trong nước và đẩy tầng lớp nông dân vào những rủi ro tài chính, bởi chính các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ là những người phải đóng thuế.

Trong khi đó, các biện pháp “ăn miếng trả miếng” của Trung Quốc đã làm đình trệ hoạt động nhập khẩu nông sản và các sản phẩm khác từ Mỹ. Cuộc chiến công nghệ của vị cựu Tổng thống với Trung Quốc đã đe dọa khả năng tài chính và uy thế công nghệ của các công ty Mỹ.

Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của các công ty công nghệ Mỹ như là Qualcomm. Doanh thu sụt giảm mạnh rất có thể đã làm giảm hoạt động nghiên cứu và phát triển của các công ty Mỹ.

Các đồng minh của Mỹ ở châu Á và châu Âu không quan tâm đến việc chọn phe vì họ phần lớn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc vì lợi ích kinh tế.

Kinh tế Trung Quốc vẫn đứng vững

Thay vì bị kìm hãm về kinh tế, Trung Quốc dường như vẫn đang hoạt động khá tốt. Đây là nền kinh tế lớn duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng tích cực trong năm 2020, phần lớn là nhờ các biện pháp hiệu quả và kịp thời trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19.

Điều này, cùng với các chính sách phục hồi hiệu quả (chính là chiến lược tuần hoàn kép), đã khiến Quỹ Tiền tệ Quốc tế và các tổ chức khác dự đoán nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 8,1% trong năm 2021 và khoảng 6% sau đó.

[Trọng tâm của cuộc cạnh tranh Trung-Mỹ: Phục hồi hay tăng trưởng?]

Trái ngược với những gì các chuyên gia và chính trị gia Mỹ tuyên bố, Trung Quốc có lẽ có nhiều “bạn” hơn Mỹ, bởi vì nước này là đối tác thương mại lớn và nhà đầu tư lớn của hơn 125 quốc gia. Nói một cách đơn giản, Trung Quốc có trách nhiệm với sự phát triển kinh tế và thịnh vượng của họ. Và khác với Mỹ, Trung Quốc đã không xâm lược hoặc ném bom bất kỳ quốc gia nào.

Trung Quốc đang phản đòn

Quan trọng hơn, Trung Quốc không ngồi yên mà đang phản công vào “chính sách ngoại giao “Chiến Lang” của Mỹ - một thuật ngữ thường nhằm ám chỉ Bắc Kinh nhưng lại mô tả chính xác hơn về lập trường ngoại giao của Mỹ.

Trên mặt trận kinh tế và công nghệ, Trung Quốc đang chuẩn bị cho việc cắt giảm quan hệ kinh tế với hoặc thậm chí tách khỏi Mỹ. Chẳng hạn, Trung Quốc đang mở rộng quan hệ thương mại với các nước đang phát triển thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

Với dân số 1,4 tỷ người và các mối liên kết với hàng tỷ người khác ở các nước đang phát triển, việc để mất thị trường Mỹ có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, nhưng sẽ không khiến nó sụp đổ.

Nỗ lực vươn ra thế giới đã tạo ra những kết quả tích cực cho nền kinh tế Trung Quốc, điển hình là sự gia tăng thương mại 2 chiều giữa Trung Quốc và các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc cũng tăng 5% trong năm 2020, dẫn đến việc Trung Quốc thay thế Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của khối này. Mặc dù Nghị viện châu Âu đã từ chối việc phê chuẩn Hiệp định đầu tư giữa Trung Quốc và EU (CAI), một số nước thành viên khối hiện vẫn không tuân thủ quyết định đó.

Chẳng hạn, Pháp và Đức vẫn đang thúc đẩy việc phê chuẩn hiệp định. Trong bối cảnh đó, có lẽ chính Mỹ mới là nước đang bị cô lập, chứ không phải là Trung Quốc.

Các chính sách phục hồi kinh tế của Mỹ không bền vững

Giống như ông Trump, ông Biden đã áp dụng các chính sách tài khóa và tiền tệ rất tự do để kích thích sự phục hồi kinh tế Mỹ. Việc đổ hàng nghìn tỷ USD để thúc đẩy sức tiêu thụ cá nhân đã làm tăng niềm tin và chi tiêu của người tiêu dùng, nhưng tỷ lệ tăng trưởng 6,4% và 6,5% tương ứng trong quý 1 và quý 2 của năm nay không bền vững.

Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nới lỏng định lượng và in ra hàng nghìn tỷ USD đã dẫn đến những rối loạn, trong đó cầu lại vượt quá cung.

Nhu cầu tăng mà không có nguồn cung tăng tương ứng, ít nhất cũng là một phần là nguyên nhân dẫn đến vòng xoáy lạm phát hơn 5% trong tháng 6. Tỷ lệ lạm phát tác động xấu đến thị trường chứng khoán.

Đồng thời, số liệu thống kê của chính phủ Mỹ cho thấy tiêu dùng và sản xuất công nghiệp đều trượt dốc. Những tiết lộ này khiến nhiều người suy đoán về sự xuất hiện của “lạm phát đình trệ” - một sự kết hợp giữa sự gia tăng của lạm phát và thất nghiệp.

Sự suy đoán đó là có cơ sở, bởi vì một khi chính phủ chấm dứt trợ cấp tiêu dùng, chi tiêu của người tiêu dùng có thể sẽ giảm xuống. Tài sản mất đi do giá cổ phiếu lao dốc sẽ làm giảm nguồn vốn đầu tư. Một sự sụt giảm tổng nhu cầu cá nhân sẽ kéo theo tỷ lệ thất nghiệp cao hơn.

Tuy nhiên, lạm phát có thể kéo dài do thiếu hụt nguồn cung (chẳng hạn như chip bán dẫn) ở một số khu vực sản xuất. Đúng vậy, tình trạng thiếu chip đã buộc các nhà sản xuất ôtô phải giảm sản xuất, làm tăng nhu cầu và tăng giá ôtô đã qua sử dụng. Ngoài ra, thuế quan còn khiến chi phí sản xuất và giá tiêu dùng luôn duy trì ở mức cao.

Quả thực, người ta có thể lập luận rằng việc đổ lỗi cho Trung Quốc về mọi thứ có thể là nguyên nhân chính khiến ông Trump không đạt được nhiệm kỳ thứ hai.

"Các bang chiến địa" đưa ông Trump vào Nhà Trắng đã bỏ rơi ông trong cuộc bầu cử năm 2020 vì các chính sách của ông không mang lại những gì ông đã hứa.

Với việc tiếp tục theo đuổi chính sách của oomg Trump và có những bước leo thang, ông Biden đẩy mối quan hệ Mỹ-Trung vào căng thẳng. Chính sách của ông chỉ mang lại một sự hợp tác nhỏ nhoi giữa Mỹ và Trung Quốc trong các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh và các vấn đề khác.

Nhưng nếu không có sự hợp tác đó, cơ hội thực hiện lời hứa tranh cử của Tổng thống Biden có thể biến mất. Một trường hợp điển hình là cương lĩnh về khí hậu của ông Biden. Việc cấm các tấm pin Mặt Trời và các sản phẩm từ Tân Cương vì những cáo buộc không có cơ sở liên quan đến “cưỡng bức lao động” có thể là lý do chính khiến cả hai nước không có liên hệ về vấn đề này kể từ cuộc họp hồi tháng 4/2021.

Tóm lại, ông Biden sẽ không thành công trong việc kiềm chế Trung Quốc và thực hiện lời hứa tranh cử của mình, đúng như những thất bại của ông Trump. Trên thực tế, ông Biden thậm chí có thể làm trầm trọng thêm mối quan hệ vốn đã độc hại vì khuynh hướng “tân bảo thủ” của ông là không cho phép bất kỳ quốc gia nào thách thức quyền lực tối cao của Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục