Cảnh sát đã bắt giữ một đối tượng tình nghi IS tại Đức

Cảnh sát Đức mới đây đã bắt giữ một công dân nước này vì tình nghi có liên hệ với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Cảnh sát đã bắt giữ một đối tượng tình nghi IS tại Đức ảnh 1Lực lượng cảnh sát Đức. (Nguồn: AP)

Cảnh sát Đức mới đây đã bắt giữ một công dân nước này vì tình nghi có liên hệ với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Phóng viên TTXVN tại Đức dẫn một thông cáo báo chí ngày 13/9 của Văn phòng Tổng Công tố thành phố Stuttgart và Cơ quan Cảnh sát hình sự bang Baden-Wurttemberg, miền Nam nước Đức, cho biết các lực lượng an ninh đã bắt giữ đối tượng 29 tuổi này tại Freburg im Breisgau, thành phố lớn thứ 4 thuộc bang Baden-Wurttemberg ngày 12/9 vừa qua.

Các điều tra viên cho rằng nghi phạm này đã rời Đức để gia nhập vào IS trong năm 2013. Tháng 12/2013, đối tượng trên đã tới Syria qua đường Thổ Nhĩ Kỳ và sống tại một doanh trại của IS gần thành phố Aleppo cho đến tháng 2/2014.

[FSB bắt thành viên IS lên kế hoạch sát hại lãnh đạo vùng Donbass]

Sau đó, nghi phạm tiếp tục tham gia một nhóm khủng bố khác với tư cách là một chiến binh và có thể đóng vai trò yểm trợ cho các hoạt động chống đối ở tỉnh Latakia.

Thông cáo báo chí cũng nêu rõ vào cuối nửa đầu năm 2014, đối tượng đã rời Syria và trở về Đức vào đầu năm 2018. Hiện các điều tra viên vẫn đang tiếp tục điều tra và lấy lời khai của đối tượng.

Cùng ngày, Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) tại miền Bắc Syria thông báo đã bắt giữ một người Italy tình nghi là thành viên của IS đang tìm cách vượt biên giới sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Thông báo của YPG cho biết: "Ngày 27/8, một lính đánh thuê tên là Semir Bogana đã bị bắt trong một chiến dịch đặc biệt... khi đang cố chạy trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ."

Theo YPG, Bogana còn có tên Abu Hureyre al-Muhajir hoặc Abu Abdullah al-Muhajir là một công dân Italy, chịu trách nhiệm vận chuyển vũ khí cho IS.

Vào thời kỳ IS kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ nhất ở Syria và Iraq, hàng nghìn phần tử cực đoan nước ngoài đã đến Trung Đông để gia nhập hàng ngũ khủng bố này.

Số phận của những đối tượng này sau khi IS bị đánh đuổi khỏi phần lớn lãnh thổ Syria và Iraq đang là vấn đề gây tranh cãi do một số quốc gia từ chối dẫn độ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục