Châu Âu lo lắng vì những kẻ khủng bố "sống cùng trong thành phố"

Các vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Paris và Brussels cho thấy những kẻ khủng bố đến từ chính nơi bị chúng tấn công. Như thế, mối đe dọa là toàn cầu nhưng những kẻ sát nhân lại tới từ địa phương.
Châu Âu lo lắng vì những kẻ khủng bố "sống cùng trong thành phố" ảnh 1Nhân viên an ninh được tăng cường tại sân bay quốc tế Riviera, thành phố Nice, Pháp sau loạt vụ tấn công khủng bố ở Bỉ ngày 22/3. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 22/3, phát biểu sau khi xảy ra các vụ tấn công khủng bố ở Brussels, Thủ tướng Italy Matteo Renzi đã kêu gọi châu Âu "cần có một lực lượng và chính sách an ninh chung" nhằm đảm bảo an ninh cho châu Âu trong tương lai.

Tuyên bố từ Rome, ông Renzi cho rằng: "Châu Âu đã tranh cãi về một chính sách an ninh chung kể từ năm 1954 đến nay mà vẫn chưa ngã ngũ. Các cuộc tấn công hôm 22/3 do đó lại làm dấy lên vấn đề này. Những ai tìm cách đưa ra những giải pháp viễn tưởng không thể hiểu rằng, vấn đề này đã kéo dài trong bao lâu. Những ai hô hào đóng cửa các biên giới của Liên minh châu Âu (EU) không hiểu rằng, kẻ thù đang sống ngay trong thành phố của chúng ta."

Thủ tướng Italy cũng cho rằng, tấn công vào Brussels cũng chính là tấn công vào trái tim châu Âu. Những kẻ tấn công đến từ chính nơi bị chúng tấn công. Mối đe dọa là toàn cầu, nhưng những kẻ sát nhân lại tới từ địa phương.

Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Italy Angelino Alfano đã khẳng định nước này đang ở mức cảnh giác cao nhất nhằm đối phó với bất cứ cuộc tấn công khủng bố nào.

Ông khẳng định Italy duy trì mức báo động số 2, chỉ dưới mức báo động số 3, là mức khi khủng bố đã diễn ra.

Chiều 22/3, Ủy ban an ninh của Italy đã họp khẩn cấp nhằm rà soát lại các biện pháp phòng chống khủng bố, đặc biệt là khi Tuần Thánh đang diễn ra, với sự kiện đỉnh điểm là lễ Phục sinh sẽ được tổ chức ở Tòa thánh Vatican vào ngày 27/3 tới.

An ninh tối đa sẽ được duy trì ở các sân bay lớn của Italy, đặc biệt là sân bay Fiumicino của thủ đô Rome, trong thời gian tới.

Các vị trí nhạy cảm ở Rome và nhiều thành phố khác cũng đã được tăng cường bảo vệ.

Cùng ngày, Italy khẳng định đã bắt khẩn cấp một công dân Iraq ở Naples. Người này bị bắt sau khi tìm cách bắt liên lạc với các phần tử khủng bố của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

IS và các tổ chức khủng bố Hồi giáo đã nhiều lần đe dọa sẽ tấn công nước này và Tòa thánh Vatican.

Theo AFP và Reuters, Chính phủ Anh đã khuyến cáo người dân nước này không nên tới thủ đô Brussels của Bỉ trừ những trường hợp cần thiết.

Bộ Nội vụ Anh cũng tuyên bố đã tăng cường các biện pháp an ninh tại các khu vực biên giới Anh-Bỉ và Anh-Pháp sau loạt vụ tấn công khủng bố xảy ra sáng 22/3 tại thủ đô Brussels của Bỉ.

Các biện pháp kiểm tra phương tiện có sử dụng chó nghiệp vụ và giám sát an ninh sẽ được tăng cường tại tất cả các điểm đi lại trọng yếu có kết nối với Pháp và Bỉ, bao gồm cả các sân bay, ga tàu đi quốc tế Kings Cross St. Pancras ở thủ đô London, điểm đầu tại Dover của tuyến đường ngầm qua eo biển Manche nối sang Pháp.

Bộ trưởng Nội vụ Anh Theresa May cũng kêu gọi công chúng "duy trì cảnh giác nhưng không hoảng sợ" và khẳng định Anh không thay đổi cấp cảnh báo khủng bố hiện ở mức "nghiêm trọng" - mức cao thứ hai trong thang cảnh báo khủng bố của nước này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục