Chi tiêu hộ gia đình ở Anh giảm mạnh nhất trong các nước G7

Các nhà kinh tế cho rằng việc thắt chặt hầu bao ở Anh là do thị trường lao động yếu hơn, hóa đơn năng lượng cao hơn, triển vọng kinh tế xấu đi và tác động của Brexit.
Chi tiêu hộ gia đình ở Anh giảm mạnh nhất trong các nước G7 ảnh 1Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Walthamstow, đông London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Người tiêu dùng Anh đã cắt giảm chi tiêu nhiều hơn hầu hết các quốc gia công nghiệp phát triển khác khi phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang diễn ra. Dữ liệu mới nhất và dự báo của các nhà kinh tế cho thấy xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm tới.

Chi tiêu hộ gia đình tại Anh trong ba tháng tính đến tháng 9/2022 thấp hơn 3,2% so với mức trước đại dịch. Cho đến nay, đây là mức giảm lớn nhất trong số các nền kinh tế thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).

Ngược lại, chi tiêu hộ gia đình ở Mỹ tăng 7%, ở Canada (tăng 2,7%), ở Nhật Bản (tăng 1,6%) và ở Pháp (tăng 0,3%) so với ba tháng cuối năm 2019, quý cuối cùng trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Các nhà kinh tế cho rằng việc thắt chặt hầu bao ở Anh là do thị trường lao động yếu hơn, hóa đơn năng lượng cao hơn, triển vọng kinh tế xấu đi và tác động của Brexit.

Paul Dales, nhà kinh tế trưởng của Anh tại Capital Economics, cho biết, kinh tế Anh kém hiệu quả hơn so với các nền kinh tế phát triển khác là “đáng chú ý và đáng lo ngại” và một phần là do số lượng công nhân không tham gia thị trường lao động ngày càng tăng.

[Lạm phát giá hàng tạp hóa tại Anh giảm lần đầu tiên trong gần 2 năm]

Việc làm của Anh vẫn thấp hơn 0,5% so với mức trước đại dịch trong quý thứ ba của năm nay, so với mức tăng trung bình 2% ở các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) trong đó Pháp tăng 4,6% và Canada tăng 3%.

Bà Gabriella Dickens, nhà kinh tế cấp cao tại Pantheon Macroeconomics cho rằng, mức chi tiêu thấp ở Anh là do niềm tin của người tiêu dùng ở Anh thấp hơn và giá cả “đã tăng ở mức độ lớn hơn ở Mỹ và Khu vực đồng euro (Eurozone).”

Bà Dickens cho biết điều này một phần là do các hộ gia đình ở Anh phải đối mặt với hóa đơn tiền điện và khí đốt cao hơn so với các hộ gia đình ở Eurozone, nơi được hưởng lợi từ sự hỗ trợ nhiều hơn của nhà nước và ở Mỹ, nơi có chi phí năng lượng thấp hơn.

Lạm phát giá tiêu dùng năng lượng của Anh lên tới 59% trong tháng 10/2022, mức cao nhất kể từ khi các số liệu được thu thập vào năm 1989, so với 34,9% ở Eurozone và 17,6% ở Mỹ.

Yael Selfin, nhà kinh tế trưởng của KPMG tại Anh, cho biết, tác động của chi phí năng lượng cao hơn, lãi suất cao hơn và niềm tin của người tiêu dùng suy yếu “đã làm giảm tốc độ hồi phục chi tiêu của các hộ gia đình trong năm nay.”

Ngân hàng trung ương Anh và Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách, cơ quan giám sát tài chính của Anh, đã dự báo về tình trạng suy thoái kinh tế kéo dài ở Anh. Tháng trước, OECD đã cảnh báo, nền kinh tế Anh sẽ trở thành nền kinh tế tồi tệ nhất trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) trong hai năm tới.

Susannah Streeter, nhà phân tích đầu tư cao cấp tại công ty quản lý tài sản Hargreaves Lansdown, cho biết Anh đang tụt hậu so với các quốc gia khác “khi người tiêu dùng cố gắng chuẩn bị cho một cuộc suy thoái kéo dài trong bối cảnh lo ngại hóa đơn năng lượng sẽ lại leo thang vào năm tới.”

Bà Dickens cho biết sự suy giảm tương đối trong chi tiêu hộ gia đình là “tác nhân chính dẫn đến hiệu suất tổng thể yếu của Anh”. Tổng sản phẩm quốc nội trong quý 3/2022 của Anh thấp hơn 0,4% so với quý cuối cùng của năm 2019, khiến nước này trở thành quốc gia G7 duy nhất không phục hồi về mức trước đại dịch COVID-19.

Biện pháp hàng đầu của Anh được thúc đẩy bởi sự gia tăng chi tiêu công, cao hơn 4,7% so với mức trước đại dịch và cao hơn nhiều quốc gia cùng ngành, chẳng hạn như Italy, Pháp và Mỹ.

Ông Dale cho biết, Brexit cũng có tác động vì nó “cản trở đầu tư kinh doanh và xuất khẩu.” Theo dữ liệu mới nhất, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Anh so với mức trước đại dịch thấp hơn bất kỳ quốc gia G7 nào khác. Anh cũng là quốc gia có hoạt động đầu tư kinh doanh kém nhất, giảm 8,4% so với quý cuối cùng của năm 2019, trái ngược với mức tăng 4% ở Mỹ.

Dữ liệu được đưa ra “dày và nhanh về những hậu quả nghiêm trọng mà cuộc bỏ phiếu rời EU đã gây ra đối với nền kinh tế và, như một hiệu ứng dây chuyền, đối với mức độ sẵn sàng chi tiêu của các hộ gia đình,” bà Streeter cho biết.

Theo dữ liệu khảo sát gần đây hơn cho thấy, triển vọng kinh tế Anh đang xấu đi do người tiêu dùng thậm chí còn cắt giảm chi tiêu nhiều hơn trong những tháng cuối năm 2022 khi khủng hoảng chi phí sinh hoạt gia tăng.

Các chỉ số tâm lý kinh doanh PMI được theo dõi chặt chẽ cho thấy, nền kinh tế Anh đang suy giảm trong tháng 10 và tháng 11, trong khi cuộc khảo sát hai tháng một lần của Cơ quan Thống kê quốc gia Anh (ONS) về các hộ gia đình cho thấy tỷ lệ người dân cắt giảm chi tiêu thiết yếu và tùy ý ngày càng tăng so với cùng kỳ.

Ông Selfin thuộc KPMG cảnh báo, sự suy yếu của thị trường lao động “có thể dẫn đến mức tiết kiệm dự phòng cao hơn của một số hộ gia đình và góp phần làm suy yếu hơn nữa trong tiêu dùng.”

Bà Streeter cảnh báo, mức giảm chi tiêu của người tiêu dùng ở Anh “có thể sẽ tiếp tục trong suốt phần còn lại của quý 4 năm nay và sang năm 2023, đặc biệt là khi mức trần giá năng lượng cao hơn sẽ được đưa ra vào mùa Xuân, gây áp lực mới lên các hộ gia đình.”

Bà Dickens cho biết triển vọng thắt chặt chính sách tài khóa và tiền tệ hơn nữa được cho là sẽ khiến nền kinh tế Anh tụt hậu “xa hơn so với các nước cùng ngành vào năm 2023”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục