"Chiến tranh" và "Hòa bình" trong thời điểm bất ổn

Đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm những căng thẳng vốn có giữa Trung Quốc và Mỹ. Mâu thuẫn Mỹ-Trung cũng leo thang trên vấn đề Hong Kong và Biển Đông.
"Chiến tranh" và "Hòa bình" trong thời điểm bất ổn ảnh 1Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì. (Nguồn: Reuters)

Theo trang mạng theconversation.com, đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) đã làm trầm trọng thêm những căng thẳng vốn có giữa Trung Quốc và Mỹ.

Bắc Kinh tố cáo Washington làm virus lây lan trên quy mô quốc tế trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lại tiếp tục hướng lời cáo buộc đó về phía quốc gia đông dân nhất thế giới và gọi virus đó là “virus Trung Quốc.”

Ngoài ra, mâu thuẫn Mỹ-Trung cũng leo thang trên vấn đề Hong Kong và Biển Đông.

Nghiên cứu của tác giả Douglas B. Atkinson, thực hiện với sự cộng tác của Joshua Jackson và Geogre Williford, gợi ý rằng những thời điểm bất ổn tương tự trong lịch sử, cho dù ít kịch tính hơn, cũng đều dẫn đến những căng thẳng quân sự giữa các quốc gia đối địch.

Sự thay đổi nhanh chóng trong tương quan sức mạnh quân sự, quốc gia đối địch sở hữu vũ khí hạt nhân hay những thay đổi trong bộ máy lãnh đạo và các cuộc khủng hoảng kinh tế đều có thể tạo ra sự bất ổn giữa các đối thủ do quyết tâm chiến đấu của họ đang bị thách thức.

Trong hệ thống quốc tế, sự bất ổn là rất nguy hiểm và có thể dẫn tới chiến tranh, song nó cũng tạo ra các cơ hội hòa bình.

Để xóa tan những hoài nghi về các động cơ của quốc gia đối địch, các quốc gia phải thực hiện các động thái đe dọa nhằm phát đi thông điệp rõ ràng và tin cậy tới quốc gia đối địch rằng họ sẽ theo đuổi các tranh chấp tới cùng.

Với việc phát đi thông điệp đe dọa bằng quân sự, họ cũng buộc kẻ thù phải chống lại và tiếp tục chiến đấu, hoặc phải nhượng bộ. Có hàng loạt ví dụ về phương pháp này trong lịch sử có thể giúp chúng ta hiểu hơn về tình hình hiện nay.

Trung Quốc, Nhật Bản và cuộc Đại suy thoái

Sự bất ổn theo sau cuộc Đại suy thoái trong những năm 1930 đã làm trầm trọng hơn mâu thuẫn giữa các quốc gia trên khắp thế giới, đặc biệt là căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Hai quốc gia vốn từng có lịch sử đối đầu lâu dài bắt nguồn từ tranh chấp khu vực Mãn Châu.

Năm 1930 và 1931, Nhật Bản trải qua một trong những đợt suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất trong lịch sử hiện đại. Chính phủ Nhật Bản đã phải áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt để chống đỡ nền kinh tế. Nhờ đó, sản lượng công nghiệp quốc gia đã tăng 10% vào năm 1932.

[Mỹ-Trung Quốc bất đồng về đánh giá tiến triển thỏa thuận thương mại]

Về phía Trung Quốc, do nền kinh tế đất nước bị tàn phá nặng nề và bước vào giai đoạn suy thoái lâu dài, nên quốc gia này trở nên chia rẽ về chính trị và yếu kém về kinh tế.

Mặc dù trước thập niên 1920, Nhật Bản và Trung Quốc đã “thử thách” lẫn nhau và điều đó đã mang lại một số ít hậu quả trên thực tế, nhưng sau sự xuất hiện của Đại suy thoái, Nhật Bản ngày càng muốn thể hiện quyết tâm của mình và thử thách một Trung Quốc đang suy yếu để xem họ có sẵn sàng duy trì thế đối đầu quân sự hay không.

Nhật Bản đã sử dụng những lời đe dọa quân sự để làm điều đó và nhận ra Trung Quốc không muốn cũng như không đủ khả năng để đáp trả cứng rắn. Cuối cùng, Nhật Bản xâm lược Mãn Châu năm 1931 và Trung Quốc đã nhượng bộ.

Cuba bên bờ vực chiến tranh

Khủng hoảng hạt nhân Cuba - cuộc đối đầu hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô diễn ra trong hơn 13 ngày hồi tháng 11/1962 - cũng là kết quả của sự bất ổn. Tổng thống Mỹ khi đó, John Kennedy, vừa nhận nhiệm sở vào đầu năm 1961 và được coi là một nhân vật ẩn số. Ông dường như có vẻ yếu đuối.

Kennedy đã chỉ đạo một chiến dịch xâm lược Cuba năm 1961 nhưng không thành công và bị bẽ mặt trước nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev tại Vienna năm 1962 do sự thiếu kinh nghiệm và thiếu chuẩn bị của ông.

Sự bất ổn về năng lực và ý chí của Mỹ trong việc đương đầu trước sức ép của Liên Xô đã thúc đẩy ông Khrushchev ra quyết định bố trí vũ khí hạt nhân tại Cuba. Nỗ lực của Liên Xô nhằm giải quyết tình trạng bất ổn trong ngay thời kỳ đầu nhiệm kỳ của Kennedy đã dẫn tới những căng thẳng leo thang không ngừng giữa 2 cường quốc và tiến sát tới nguy cơ leo thang chiến tranh hạt nhân toàn diện.

Cuộc khủng hoảng ngay sau đó đã được hạ nhiệt nhờ vào khả năng ngoại giao khôn ngoan. Sau bài kiểm tra, Liên Xô nhận ra rằng nước Mỹ và chính quyền Kennedy vẫn có đủ năng lực và quyết tâm để duy trì thế đối đầu.

2020: Thời điểm nguy hiểm

Số người chết ngày càng tăng do COVID-19 cũng như các hệ lụy kinh tế và chính trị của đại dịch đã tạo ra một thời điểm bất ổn nghiêm trọng. Các tổn thất kinh tế và chính trị chưa được phân chia đồng đều; một số quốc gia chịu tác động tồi tệ hơn từ dịch bệnh so với các quốc gia khác. Điều này khiến thời điểm hiện nay trở nên cực kỳ nhạy cảm và nguy hiểm.

Cách thức xử lý của Chính quyền Tổng thống Trump đối với cuộc khủng hoảng mang tính hỗn loạn và gây ra tình trạng kinh tế thảm khốc. Nhiều khả năng, điều này sẽ làm nảy sinh câu hỏi trong đầu các lãnh đạo Trung Quốc rằng liệu Mỹ có sẵn sàng và đủ năng lực để tiếp tục duy trì các vấn đề ý thức hệ và kinh tế với quốc gia đông dân thế giới hay không. Những sự hoài nghi này đã trực tiếp dẫn tới những leo thang căng thẳng giữa 2 quốc gia.

Tuy nhiên, nghiên cứu của các tác giả cũng chỉ ra rằng thời điểm bất ổn cũng là cơ hội để thế đối đầu toàn cầu kết thúc. Ví dụ, sự sụp đổ về kinh tế và chính trị của Liên Xô đã dẫn tới sự chấm dứt của thế đối đầu Mỹ-Xô cũng như các mâu thuẫn khác trên thế giới. Đó cũng có thể là một hệ quả lâu dài của đại dịch COVID-19./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục