Chủ động ứng phó với hàng rào bảo hộ thương mại của Mỹ

Bộ Công Thương và Cơ quan Thương mại Việt Nam tại Mỹ luôn đồng hành của các doanh nghiệp xuất khẩu, hỗ trợ trong các vụ kiện phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng doanh nghiệp Việt Nam.

Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Trong những năm gần đây Mỹ có xu hướng gia tăng các vụ kiện phòng vệ thương mại, đặc biệt là khi khoảng cách thâm hụt thương mại giữa nước này với các nền kinh tế khác ngày càng lớn.

Liên quan tới vấn đề này phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Washington (Mỹ) đã có buổi phỏng vấn Tham tán thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ Đỗ Ngọc Hưng.

Theo Tham tán Đỗ Ngọc Hưng, xuất khẩu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Phát triển xuất khẩu sẽ hỗ trợ cho mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo thêm giá trị gia tăng cho sản xuất. Lĩnh vực này còn góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống thu nhập cho người lao động...

Do đó, việc xem xét và lên kế hoạch chủ động đối phó với những thách thức từ “hàng rào” phòng vệ thương mại của các thị trường điểm đến là rất quan trọng.

Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mỹ nhấn mạnh, điểm mấu chốt mà các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia xuất khẩu cần lưu ý là phải nỗ lực nâng cao trình độ lao động, trình độ sản xuất trong nước, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế.

Ông nói, cạnh tranh hàng hóa đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu. Để tạo lợi thế, các doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng công nghệ trong mỗi sản phẩm. Việc không ngừng nâng cao năng lực sản xuất sẽ giúp các doanh nghiệp củng cố khả năng cạnh tranh, từ đó tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.

bao_ho_thuong_mai_17-2.jpg
Ảnh minh họa. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tham tán Đỗ Ngọc Hưng lưu ý, xu thế chung hiện nay là các thị trường lớn, trong đó có Mỹ, tiếp tục vận dụng các rào cản thương mại cả về kỹ thuật, vệ sinh, an toàn, môi trường, trách nhiệm xã hội... nhằm bảo hộ sản xuất và bảo vệ người tiêu dùng trong nước. Xu thế này làm tăng chi phí tuân thủ đối với doanh nghiệp xuất khẩu.

Để đối phó, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cần nghiên cứu theo hướng tiếp cận kinh tế tuần hoàn, chú trọng tới các yếu tố về sản xuất và tiêu dùng bền vững, với mục đích thay đổi dần tư duy sản xuất, khuyến khích áp dụng công nghệ, nguyên vật liệu, sử dụng năng lượng tái tạo để sẵn sàng đáp ứng tiêu chuẩn và quy định tại các thị trường khó tính như thị trường Mỹ.

Liên quan tới thông tin Bộ Thương mại Mỹ, vào đầu tháng Tám, đã ra thông báo chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, Tham tán Thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, Đỗ Ngọc Hưng, cho biết Bộ Ngoại giao và Bộ Công Thương Việt Nam đã có các bản thông cáo báo chí, nêu rõ quan điểm của Việt Nam về vấn đề này.

Trên cương vị là cơ quan đại diện thương mại của Việt Nam tại Mỹ, Thương vụ Việt Nam đánh giá, về cơ bản, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ sẽ không bị tác động hoặc có tác động không đáng kể từ tình huống này, nếu Mỹ không điều tra phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và/hoặc có điều tra phòng vệ thương mại nhưng sử dụng giá trị thay thế phù hợp, trên cơ sở đề nghị của nhà xuất khẩu Việt Nam khiến mức thuế phòng vệ thương mại (nếu có) ở mức độ hợp lý.

Tham tán Đỗ Ngọc Hưng phân tích các vụ kiện chống bán phá giá không phải là một vấn đề mới đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, cả trên phạm vi toàn cầu và Việt Nam. Chống bán phá giá được xem là công cụ hiệu quả trong chính sách bảo hộ thương mại, nhằm hợp pháp hóa hàng rào thuế quan để chống lại sự cạnh tranh từ hàng hóa nước ngoài và làm giảm thâm hụt thương mại quốc gia.

Có thể dẫn chứng vụ Mỹ kiện chống bán phá giá cá tra và tôm xuất khẩu của Việt Nam, khiến mặt hàng thủy sản chủ lực của nước ta bị áp thuế cao trong khoảng 20 năm qua. Nhưng các doanh nghiệp Việt Nam đã xử lý rất tốt vấn đề này và kim ngạch xuất khẩu cá tra, tôm vào thị trường Mỹ luôn đạt được con số ấn tượng. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị rất kỹ lưỡng thông tin và các tình huống phát sinh khi xuất khẩu sang Mỹ, cũng như luôn sẵn sàng tâm thế có thể bị khởi kiện bất kỳ lúc nào từ ngành sản xuất nội địa Mỹ.

Bên cạnh đó, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường nhập khẩu nguyên vật liệu, từ đó tránh vướng vào việc vi phạm các quy định nhập khẩu của Mỹ nói riêng và các nước thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nói chung, không chỉ trong lĩnh vực phòng vệ thương mại.

Tham tán Đỗ Ngọc Hưng nhấn mạnh Bộ Công Thương và Cơ quan Thương mại Việt Nam tại Mỹ luôn đồng hành của các doanh nghiệp xuất khẩu, hỗ trợ trong các vụ kiện phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng doanh nghiệp Việt Nam.

Theo Tham tán Đỗ Ngọc Hưng, với nỗ lực của Bộ Công Thương trong thời gian vừa qua, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ nói riêng cũng đã nhận biết được rõ hơn tầm quan trọng của vấn đề phòng vệ thương mại và cũng đã được trang bị một số kiến thức cần thiết khi vướng phải các vụ kiện.

bao_ho_thuong_mai_17-3.jpg
(Nguồn: Thanh Thủy/TTXVN)

Đối với trách nhiệm của cơ quan thực hiện công tác xúc tiến thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ sẽ là “đầu cầu” hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tại Mỹ. Hiện Thương vụ Việt Nam đã triển khai thành công các đầu mối liên hệ với các đối tác thông qua các nền tảng trực tuyến, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các hoạt động xúc tiến tại thị trường Mỹ, như lựa chọn tham gia các hội chợ, triển lãm phù hợp, tham gia các chương trình khảo sát, nghiên cứu thị trường, tăng cường giao lưu, hợp tác với các đối tác...

Trong thời gian tới, Thương vụ Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường giới thiệu, quảng bá hình ảnh quốc gia và sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam trên các phương tiện thông tin truyền thông lớn của Mỹ, cũng như liên kết với doanh nghiệp Việt Nam tại Mỹ để hỗ trợ công tác thu thập thông tin, mở rộng tiếp cận kênh phân phối sản phẩm, từ đó tạo tính lan toả, kết nối giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với các bang, vùng và địa phương của Mỹ...

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 7 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ đạt 74,8 tỷ USD, tăng 22,4%. Trong đó xuất khẩu đạt 66,4 tỷ USD tăng 25% và nhập khẩu đạt 8,4 tỷ USD tăng 5%, thặng dư thương mại đạt 58 tỷ USD tăng 29%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục