Chứng khoán ngày 8/4: Cổ phiếu ngân hàng bị bán mạnh cuối phiên

Tại nhóm cổ phiếu ngân hàng chỉ còn 2 mã là ACB tăng nhẹ 0,7%, PGB tăng 3,4%. Hai mã ngân hàng may mắn đứng tại tham chiếu là VCB và BAB.
Chứng khoán ngày 8/4: Cổ phiếu ngân hàng bị bán mạnh cuối phiên ảnh 1Khách hàng theo dõi thị trường chứng khoán tại Công ty Chứng khoán Bảo Việt thuộc Tập đoàn Bảo Việt. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Sau nhiều phiên là trụ đỡ chính của thị trường, nhóm cổ phiếu của các ngân hàng bất ngờ bị bán mạnh, đặc biệt là vào thời điểm cuối phiên.

Đây cũng là nguyên nhân chính khiến thị trường giảm sâu trong phiên ngày hôm nay 8/4.

Tại nhóm cổ phiếu ngân hàng chỉ còn 2 mã là ACB tăng nhẹ 0,7%, PGB tăng 3,4%. Hai mã ngân hàng may mắn đứng tại tham chiếu là VCB và BAB. Tất cả 23 mã cổ phiếu ngân hàng còn lại ở chiều giảm giá; trong đó, KLB giảm 7%,VIB giảm 3,6%, SHB giảm 3,1%, STB giảm 2,8%, BID giảm 2,7%, EIB giảm 2,6%, VPB giảm 2,5%...

Liên quan đến nhóm cổ phiếu ngân hàng, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) vừa có văn bản đề nghị 8 ngân hàng phối hợp để phục vụ điều tra trong vụ án "Thao túng thị trường chứng khoán" xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC.

C01 đã có văn bản gửi: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (mã chứng khoán: VCB); Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank-mã chứng khoán: CTG); Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank-mã chứng khoán: STB); Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPbank); Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV-mã chứng khoán: BID); Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB- mã chứng khoán: VIB); Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB-mã chứng khoán: SHB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc Dân (NCB-mã chứng khoán: NVB) đề nghị phối hợp cung cấp hồ sơ mở tài khoản, sao kê tài khoản, sổ phụ tài khoản, chứng từ giao dịch để phục vụ công tác điều tra vụ án liên quan đến Tập đoàn FLC.

[UB Chứng khoán Nhà nước: Mua trái phiếu theo phong trào tiềm ẩn rủi ro]

Trở lại diễn biến thị trường, hầu hết các nhóm cổ phiếu còn lại đều nhuộm đỏ. Tại nhóm cổ phiếu dầu khí, PEQ không có giao dịch, tất cả các mã cổ phiếu còn lại đều giảm giá mạnh; trong đó, PVC giảm 9,7% xuống giá sàn, PVB giảm 8%, PVT giảm 6,5%, PVD giảm 6,3%...

Nhóm cổ phiếu bảo hiểm cũng chỉ còn duy nhất mã BLI tăng giá, PRE đứng ở tham chiếu. Tất cả các mã còn lại giảm giá.

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, đáng chú ý, VIC đi ngược lại xu thế chung khi tăng tới 2,8%, VHM tăng nhẹ 0,1%. Các mã cổ phiếu còn lại chủ yếu ở chiều giảm giá; trong đó, KBC, LHG, PPI, PTL, VRC... giảm sàn. Các nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán, y tế, hóa chất, tài nguyên cơ bản... đều chìm trong sắc đỏ.

Các mã cổ phiếu vốn hóa đứng đầu các ngành như FPT giảm 4,2%, GVR giảm 4%, MWG giảm 3,2%, GAS giảm 2,3%, MSN giảm 1,7%, VNM giảm 1,5%... tạo sức ép lớn lên chỉ số VN-Index.

Điểm tiêu cực nữa là khối ngoại bán ròng trên toàn thị trường. Cụ thể, khối này bán ròng hơn 308 tỷ đồng trên HOSE, 2,21 tỷ đồng trên HNX và 1,22 tỷ đồng trên UPCOM.

Chốt phiên giao dịch ngày 8/4, VN-Index giảm 20,35 điểm xuống 1.482 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 763,5 triệu cổ phiếu, tương ứng gần 23.552 tỷ đồng. Toàn sàn có 92 mã tăng giá, trong khi có tới 370 mã giảm giá và 38 mã đứng giá.

HNX-Index giảm 9,59 điểm xuống 432,02 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 88,9 triệu đơn vị, tương ứng hơn 2.789,5 tỷ đồng. Toàn sàn có 58 mã tăng giá, trong khi có tới 178 mã giảm giá và 48 mã đứng giá.

UPCOM-Index giảm 1,97 điểm xuống 113,84 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 101,4 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 1.516,3 tỷ đồng. Toàn sàn có 153 mã tăng giá, 292 mã giảm giá và 64 mã đứng giá./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục