Chuyển tuyến xe khách: Mỗi tỉnh sẽ chỉ tập trung tại một bến xe

Theo đại diện các cơ quan chức năng, việc điều chuyển hợp lý các tuyến giữa bến xe theo nguyên tắc mỗi tỉnh sẽ chỉ tập trung tại một bến xe sẽ giúp cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
Chuyển tuyến xe khách: Mỗi tỉnh sẽ chỉ tập trung tại một bến xe ảnh 1Điều chuyển luồng tuyến xe khách làm cho nhiều nhà xe kêu lỗ, có nguy cơ phá sản. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Sau hơn hai tháng điều chuyển luồng tuyến vận tải ở Hà Nội, một số doanh nghiệp đã rơi vào cảnh thua lỗ, đứng bên bờ vực phá sản vì không có khách. Ngoài việc xe dù, các đơn vị vận tải cũng kêu trời vì giá ra vào bến Nước Ngầm quá cao, điều này gây ảnh hưởng đến phương án kinh doanh của doanh nghiệp.

Vì sao giá xe ra vào bến Nước Ngầm lại đắt?

Lý giải điều này, theo ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc Bến xe Nước Ngầm, cơ sở pháp lý cho mỗi bến xe thu dựa vào quyết định 3270/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về giá dịch vụ xe ra, vào bến xe ôtô trên địa bàn thành phố trong đó đã ban hành rõ khung giá xe ra vào bến và dịch vụ vận tải được tính trên cơ sở đồng/ghế và tùy theo cự ly tuyến dài hay ngắn đồng thời quy định mức thu tiền dịch vụ ra vào bến áp dụng cho doanh nghiệp cao hơn đối với đơn vị sự nghiệp có thu; chỉ có mức thu tiền các dịch vụ hỗ trợ vận tải của 2 loại hình doanh nghiệp là giống nhau.

“Một số doanh nghiệp vận tải mới điều chuyển về có đặt vấn đề giá bến Nước Ngầm thu cao thì phải nói rằng, các nhà xe vừa từ môi trường hạch toán theo mô hình đơn vị sự nghiệp có thu chuyển sang doanh nghiệp hạch toán độc lập khác hẳn nhau về nguồn vốn, hình thức đầu tư. Đơn vị sự nghiệp có thu chỉ thu giá dịch vụ xe ra vào bến xe bằng 1/2 so với doanh nghiệp xã hội hóa,” ông Lập phân trần.

Ông Lập cũng cho biết thêm, vào ngày 6/3 vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành Sở Tài chính, Giao thông Vận tải, Công an thành phố và Cục thuế cùng các cơ quan liên quan đã tiến hành kiểm tra giá dịch vụ bến Nước Ngầm và khẳng định, giá dịch vụ xe ra vào bến và giá hỗ trợ dịch vụ vận tải trong khung giá quy định của thành phố Hà Nội.

[Nhà xe bị điều chuyển luồng tuyến: Lỗ quá sức chịu đựng!]

Tuy nhiên, để chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp vận tải khi mới chuyển về, bến xe Nước Ngầm đã có cơ chế hỗ trợ miễn 100% tiền dịch vụ xe ra vào bến và dịch vụ vận tải cho tất cả các nhà xe. Hiện nay bến chỉ thu 80% giá ra vào bến và hỗ trợ tiền dịch vụ vận tải cho các tuyến khó khăn, trong đó có doanh nghiệp vận tải ký hợp đồng giảm giá 80% tới tháng Sáu này.

Riêng tuyến Nghệ An, sau thời gian đầu hỗ trợ đến nay bến xe chỉ thu mỗi giá dịch vụ ra vào bến vì tuyến này không rơi vào cảnh ít khách như tuyến Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa.

Đề cập đến kiến nghị của Tổng cục Đường bộ lên Bộ Giao thông Vận tải có ý kiến Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo bến xe Nước Ngầm nghiên cứu hỗ trợ giảm giá dịch vụ xe ra vào bến cho các doanh nghiệp vận tải mới điều chuyển trong thời gian 1 năm, ông Lập bày tỏ quan điểm, bến xe đã có những bước giảm giá ban đầu cho các đơn vị vận tải, tuy nhiên nếu thời gian dài thì doanh nghiệp không chấp nhận.

Sắp xếp nguyên tắc mỗi tỉnh về một bến

Liên quan đến việc cho phép bán vé tại bến xe Mỹ Đình đối với các tuyến điều chuyển sang Nước Ngầm và bố trí xe trung chuyển, ông Lập nhìn nhận sẽ nảy sinh cạnh tranh giữa các đơn vị vận tải đồng thời đặt ra vấn đề không phải doanh nghiệp hoặc nhà xe nào cũng có điều kiện mở quầy vé, văn phòng. Chưa kể, các văn phòng được phép mở ở đâu, có được mở trong bến xe không, giải quyết yếu tố cạnh tranh như thế nào?

[Cho phép bán vé ở bến Mỹ Đình với tuyến khách chuyển sang Nước Ngầm]

“Xe trung chuyển khách đã có sự phân hóa rõ rệt đối với mỗi đơn vị vận tải. Đơn cử, doanh nghiệp đang vận tải khách ở Nước Ngầm có khách trung chuyển thì khách đó trung chuyển cho nhà xe nào, khách về Thái Bình có đi sang xe khác không hay là đơn vị đó đã bán vé cho khách ngay trên xe trung chuyển?,” vị Giám đốc bến xe Nước Ngầm đưa ra câu hỏi.

Khẳng định việc điều chuyển hợp lý các tuyến giữa bến xe Nước Ngầm và Giáp Bát theo nguyên tắc mỗi tỉnh sẽ chỉ tập trung tại một bến xe để đảm bảo thu hút được luồng hành khách tập trung và tạo thuận lợi xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp là một chủ trương đúng, theo ông Lập, cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp vận tải phải tái cơ cấu toàn diện vận tải trong đó đánh giá khách quan, thực tế về tần suất; lượng khách đi trên xe để thời điểm xuất bến giữa các nốt xe không trùng nhau; tần suất tuyến có cho phép chạy dày không?

“Nếu tần suất dày đặc thì điều thuận lợi là khách ra bến lúc nào cũng có xe đi về và bản thân các doanh nghiệp nhà xe phải cạnh tranh, chạy đua về chất lượng dịch vụ. Khi đó, Nhà nước và bến xe được lợi từ thuế, phí. Mặt khác, những xe chất lượng dịch vụ kém không có khách thì phải tự đào thải, đó là quy luật kinh tế thị trường,” ông Lập bày tỏ chính kiến.

Trước đó, vào ngày 15/3, nhiều doanh nghiệp thuộc diện phải điều chuyển tuyến tiếp tục tới trụ sở Sở Giao thông Vận tải Hà Nội gây sức ép. Tại đây, một số doanh nghiệp đang hoạt động trên các tuyến từ bến xe Nước Ngầm đi Thái Bình, Nam Định, Thanh Hoá, Nghệ An... tiếp tục “kêu lỗ” do lượng khách không ổn định dù đã chuyển về bến xe Nước Ngầm gần ba tháng.

Các doanh nghiệp cũng mong muốn sớm nhận được câu trả lời từ các cấp, ngành chức năng về việc có hay không điều chỉnh lại việc sắp xếp luồng tuyến đồng thời muốn xin quay trở lại bến Mỹ Đình hoạt động như cũ.

Nhà xe Hà Sơn Hải (Thanh Hoá) cho biết, đại diện 25 doanh nghiệp vận tải Thanh Hoá lên đây đối thoại với Sở Giao thông Vận tải Hà Nội là lần đối thoại cuối cùng, nếu không được giải quyết thoả đáng, sẽ kiện Sở và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ra toà.

Đại diện doanh nghiệp Thuận Phát (Nam Định) cũng khẳng định trong 10 ngày tới, các doanh nghiệp sẽ thống kê thiệt hại, sau đó gửi ý kiến lên Sở Giao thông Vận tải và các cơ quan chức năng để giải quyết hợp lý, nếu không thực hiện sẽ khởi kiện.

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Hà Huy Quang thừa nhận, bến Nước Ngầm ít khách hơn so với bến Mỹ Đình. Tuy nhiên, về ý kiến của doanh nghiệp xin được quay trở lại bến Mỹ Đình hoặc điều chuyển về bến có điều kiện tốt hơn thì Sở phải báo cáo lên cấp trên xem xét giải quyết.

Cũng theo ông Quang, các ý kiến của doanh nghiệp đã được Bộ Giao thông Vận tải thống nhất với thành phố Hà Nội trình lên Thủ tướng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa có ý kiến chỉ đạo tiếp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục