Chuyện về người 'dành cả tuổi thanh xuân' nuôi dưỡng trẻ bị bỏ rơi

Xác định chăm lo cho hàng chục đứa trẻ là công việc rất nặng nề, anh Nguyễn Văn Lâm ở Đồng Nai quyết định không lập gia đình, dành toàn tâm toàn ý nuôi dưỡng trẻ bị bỏ rơi.
Chuyện về người 'dành cả tuổi thanh xuân' nuôi dưỡng trẻ bị bỏ rơi ảnh 1Anh Nguyễn Văn Lâm dạy trẻ học bài ngay tại mái ấm Phúc Lâm. (Ảnh: Công Phong/TTXVN)

Thương những đứa trẻ bị bỏ rơi với bệnh tật, thân thể không lành lặn, nhiều năm qua, anh Nguyễn Văn Lâm, ngụ xã Long An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, đã dang tay cưu mang, đưa các em về nuôi dưỡng tại Mái ấm tình thương Phúc Lâm.

Những đứa trẻ ở mái ấm này dù sinh ra trong bất hạnh, song cuộc đời các em đã đổi thay với đủ đầy cơm ăn, áo mặc, được học hành như tất cả bạn bè cùng trang lứa.

Năm 2008, lần đầu tiên anh Nguyễn Văn Lâm đưa một đứa trẻ còn nguyên dây rốn, bị bỏ rơi ở bãi rác về nuôi.

Ngày đó, với thu nhập từ việc kinh doanh, anh Lâm dự định chỉ nuôi 1-2 bé. Thế nhưng, cơ duyên với những đứa trẻ bị người thân rũ bỏ từ khi mới lọt lòng cứ liên tiếp đến với anh.

Đến nay, Mái ấm Phúc Lâm đang nuôi 84 đứa trẻ, tất cả đều mang họ Nguyễn.

Mỗi đứa trẻ đến đây là một câu chuyện đau lòng, hầu hết các em đều sinh non, mang trong mình bệnh tật, có em không có hậu môn, bị bệnh tim.

Với thời gian, Mái ấm Phúc Lâm đã nuôi dưỡng, giúp các em lớn khôn, loại trừ bệnh tật.

[Bé trai suy hô hấp sơ sinh bị bỏ rơi chỉ sau 1 ngày chào đời]

Năm 2008, khi mới vài tháng tuổi, cháu Nguyễn Hoàng Phúc Toàn được anh Nguyễn Văn Lâm nhận về nuôi dưỡng. Đến nay, Phúc Toàn đã là học sinh lớp 5 của Trường tiểu học Long An. Trong suốt 5 năm tiểu học, năm nào Phúc Toàn cũng là học sinh giỏi.

Cháu Nguyễn Hoàng Phúc Toàn cho biết: “Ở đây bọn cháu sống rất vui, coi nhau như anh em ruột. Mỗi ngày được uống sữa và ăn 3 bữa, thức ăn có cá, thịt, canh. Hằng tháng, cha Nguyễn Văn Lâm đều mua cho áo mới. Bao nhiêu năm ở Mái ấm, cháu không phải làm việc, chỉ tập trung học bài. Đi học bọn cháu có xe của Mái ấm đưa đón. Cháu luôn cố gắng phấn đấu học thật tốt để không phụ công chăm sóc của cha."

Để chăm lo cho những đứa trẻ, mỗi tháng anh Nguyễn Văn Lâm phải chi 290 triệu đồng, trong số này có 140 triệu đồng từ các nhà hảo tâm, số còn lại anh Lâm tự chi trả.

Chuyện về người 'dành cả tuổi thanh xuân' nuôi dưỡng trẻ bị bỏ rơi ảnh 2Trẻ được nuôi dưỡng tại Mái ấm Phúc Lâm. (Ảnh: Công Phong/TTXVN)

Hiện Mái ấm có 14 bảo mẫu chuyên lo việc chăm sóc, nấu ăn phục vụ các cháu. Ngoài ra, do Mái ấm có 35 cháu đang đi học từ mẫu giáo đến lớp 5 nên anh Lâm phải thuê 1 lái xe ngày ngày đưa đón các cháu.

Xác định chăm lo cho hàng chục đứa trẻ là công việc rất nặng nề, anh Lâm quyết định không lập gia đình, dành toàn tâm toàn ý nuôi dưỡng trẻ bị bỏ rơi.

Anh Nguyễn Văn Lâm chia sẻ là chủ một công ty bảo vệ đóng tại huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai và một chợ đêm ở huyện Long Thành, nguồn tiền thu được từ kinh doanh giúp anh duy trì hoạt động của Mái ấm.

Ước mong lớn nhất của anh là giữ được sức khỏe, cố gắng làm việc để có tiền duy trì hoạt động của Mái ấm, nuôi dưỡng tốt và lo cho các cháu được đi học. Cháu nào có năng lực thì cho học đại học, những cháu năng lực hạn chế hơn thì học hết trung học cơ sở rồi đi học nghề, sau này tự lo cho cuộc sống của bản thân.

Theo ông Đặng Minh Tân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Long An, Mái ấm Phúc Lâm được chính quyền huyện Long Thành cấp phép hoạt động từ năm 2014.

Trước đây, anh Lâm thuê phòng trọ rồi thuê bảo mẫu để chăm sóc các cháu.

Hiện nay, anh đã xây dựng cơ sở vật chất khang trang, giúp chăm sóc trẻ tốt hơn. Mái ấm Phúc Lâm hoạt động không vụ lợi, là mô hình tốt giúp giải quyết những vấn đề xã hội ở địa phương.

Ông Tân cho biết tất cả trẻ đang nuôi dưỡng ở Mái ấm Phúc Lâm đều bị người thân bỏ rơi từ khi mới lọt lòng, hoặc vài tháng tuổi. Trong quá trình hoạt động, mỗi lần Mái ấm tiếp nhận trẻ bị bỏ rơi đều báo với chính quyền địa phương. Ngành chức năng hỗ trợ Mái ấm làm thủ tục khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho các cháu.

Xuất phát từ tình yêu thương, anh Nguyễn Văn Lâm đã dành cả tuổi trẻ để chăm lo cho những mảnh đời bất hạnh. Ước mong lớn nhất của anh Lâm là tất cả các em sẽ lớn lên với sức khỏe tốt, học tập tiến bộ, khi trưởng thành tự lo cho cuộc sống của mình.

Anh mong rằng mai này, cộng đồng xã hội dành cho những đứa trẻ xuất thân từ mái ấm sự cảm thông, tình thương yêu, giúp các em loại bỏ tự ti, hòa nhập, vươn lên trong cuộc sống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục