Cổ phiếu bất động sản tăng bất chấp thị trường chìm trong sắc đỏ

Thị trường chìm trong sắc đỏ, dù vậy nhóm cổ phiếu bất động sản lại đồng loạt tăng giá trước những kỳ vọng về làn sóng dịch chuyển sản xuất trên thế giới.
Cổ phiếu bất động sản tăng bất chấp thị trường chìm trong sắc đỏ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Phiên giao dịch sáng 20/7, thị trường chìm trong sắc đỏ, dù vậy nhóm cổ phiếu bất động sản lại đồng loạt tăng giá trước những kỳ vọng về làn sóng dịch chuyển sản xuất trên thế giới.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/7, chỉ số VN-Index giảm 7,06 điểm (0,81%) xuống 864,96 điểm.

Khối lượng giao dịch đạt hơn 146,4 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị hơn 2.298,1 tỷ đồng. Toàn sàn có 94 mã tăng giá, 37 mã đứng giá và 278 mã giảm giá.

[Thị trường chứng khoán tuần tới: Kỳ vọng đà tăng ngắn hạn sẽ tiếp diễn]

HNX-Index giảm 1,28 điểm (1,1%) xuống 115,53 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 23,6 triệu đơn vị, tương ứng giá trị hơn 242,5 tỷ đồng. Toàn sàn có 44 mã tăng giá, 43 mã đứng giá và 82 mã giảm giá.

Kỳ vọng vào làn sóng dịch chuyển FDI trên thế giới, nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp đồng loạt tăng, trong khi phần còn lại của thị trường chìm hầu hết chìm trong sắc đỏ.

Cổ phiếu khu công nghiệp tăng mạnh trong phiên hôm nay. Theo đó, NTC tăng 0,3%, PHR tăng 0,7%, SZL tăng 2,6%, SZC tăng tới 5,2%, SNZ tăng 5,3%, D2D tăng 1%, SIP tăng 2,1%, ITA tăng 4,3%, KBC tăng 2,1%...

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) vừa công bố danh sách 87 công ty/tập đoàn sẽ được nhận trợ cấp để di chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, đây là một phần trong chiến lược mới của Chính phủ Nhật Bản nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc của nước này vào nước láng giềng Đông Bắc Á và xây dựng các chuỗi cung ứng có khả năng chống chịu tốt hơn với các nhân tố bất lợi từ bên ngoài.

Trong đợt đầu tiên này, Chính phủ Nhật Bản sẽ chi tổng cộng 70 tỷ yen (653 triệu USD) để hỗ trợ cho 57 doanh nghiệp di chuyển sản xuất từ Trung Quốc về Nhật Bản và 30 doanh nghiệp di chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á.

Theo tờ Nikkei Asia Review, trong số 30 doanh nghiệp sẽ di chuyển sản xuất sang Đông Nam Á, hãng chế tạo ổ cứng Hoya sẽ di chuyển sản xuất sang Việt Nam và Lào, tập đoàn công nghiệp cao su Sumitomo Rubber Industries sẽ sản xuất găng tay cao su nitrile ở Malaysia, trong khi công ty hóa chất Shin-Etsu Chemical sẽ di chuyển cơ sở sản xuất nam châm đất hiếm sang Việt Nam.

Trong khi nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp tăng thì hầu hết các nhóm cổ phiếu chính trên thị trường đều diễn biến tiêu cực.

Trong rổ cổ phiếu VN30 không còn cổ phiếu nào giữ được sắc xanh. Có tới 29 mã giảm giá, trong khi chỉ có 1 mã đứng giá.

Các mã giảm giá mạnh có thể kể đến BVH giảm 1,8%, VJC giảm 1,6%, PNJ và SBT đều giảm 1,3%, VRE và FPT giảm 1,1%...

Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng không còn mã nào giữ được sắc xanh. Cụ thể, PLX giảm tới 1,9%, GAS giảm 1,1%, POW giảm 0,8%, PVB giảm 2,3%, PVC giảm 1,8%, PVD giảm 1%, PVS giảm 0,8%...

Cổ phiếu ngân hàng cũng đua nhau giảm giá. Có thể kể đến SHB giảm 1,5%, BID giảm 1,4%, NVB giảm 1,1%, CTG giảm 1%, EIB giảm 0,9%, VCB giảm 0,8%...

Khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng trên thị trường. Theo đó, trên sàn HOSE, khối ngoại bán ròng tới 75,02 tỷ đồng. Các mã bị bán ròng mạnh là HPG (hơn 18,4 tỷ đồng), DXG (gần 12 tỷ đồng) và VHM (hơn 7,7 tỷ đồng).

Trên sàn HNX-Index, khối ngoại bán ròng 1,18 tỷ đồng. SHB là mã bị bán ròng manh nhất sàn này, đạt hơn 3,2 tỷ đồng.

Trên thị trường UPCOM, khối ngoại bán ròng 427,36 triệu đồng. ACV là mã bị bán ròng mạnh nhất sàn này, đạt hơn 2,61 triệu đơn vị.

Trái ngược với thị trường Việt Nam, các thị trường chứng khoán ở châu Á phần lớn tăng điểm vào đầu phiên giao dịch sáng 20/7 giữa bối cảnh các nhà đầu tư tiếp tục tìm cách mua các cổ phiếu có triển vọng "sáng" trước khi các doanh nghiệp công bố báo cáo lợi nhuận quý 2/2020 bắt đầu từ cuối tuần này.

Cụ thể, chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Tokyo (Nhật Bản) tăng 0,27%, tương đương 60,52 điểm, lên 22.756,94 điểm, trong khi chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) tăng 0,93%, tương đương 29,78 điểm, lên 3.243,91 điểm. Chỉ số Kospi của thị trường Seoul (Hàn Quốc) tăng 0,08 điểm lên 2.201,11 điểm.

Riêng chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong (Trung Quốc) giảm 0,28%, tương đương 69,57 điểm, xuống còn 25.019,60 điểm.

Theo Okasan Online Securities, chỉ số Nikkei 225 của thị trường Tokyo tiếp tục đà đi lên ổn định mà không cho thấy những dấu hiệu tăng quá nóng và giới đầu tư đang mua vào những cổ phiếu được hiện định giá thấp hơn giá trị thực tế song có triển vọng dài hạn rất hứa hẹn.

Những hy vọng về việc nghiên cứu và điều chế thành công vắcxin phòng COVID-19 đã tạm thời thúc đẩy giá của các cổ phiếu Nhật Bản song tâm lý thận trọng đã khiến giới đầu tư hạn chế mua tiếp cổ phiếu.

Ngay trước khi mở cửa phiên giao dịch 20/7, Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết xuất khẩu và nhập khẩu của nước này trong tháng 6/2020 giảm 26,2% và 14,4% so với cùng kỳ năm 2019 khi dịch COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng bất lợi tới các hoạt động kinh doanh trên toàn cầu.

Trong khi đó, tính đến 9 giờ sáng 20/7 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận hơn 14,438 triệu ca mắc COVID-19 với hơn 605.00 trường hợp tử vong do dịch bệnh này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục