COVID-19: Moldova cấm nhập cảnh những người từ vùng dịch

Chính phủ Moldova chỉ cho phép công dân nước này trở về nước từ vùng dịch, còn tất cả những người nước ngoài đến từ các nước có dịch COVID-19 sẽ bị cấm nhập cảnh.
Trợ giúp y tế cho người dân tại trại tạm bên ngoài bệnh viện Cremona, miền Bắc Italy ngày 4/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trợ giúp y tế cho người dân tại trại tạm bên ngoài bệnh viện Cremona, miền Bắc Italy ngày 4/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Moldova ban hành lệnh cấm nhập cảnh tất cả người nước ngoài đến nước này bằng đường không từ các quốc gia có dịch COVID-19.

Lệnh cấm này có hiệu lực từ ngày 10/3, đúng 3 ngày sau khi quốc gia Đông Âu này ghi nhận ca nhiễm bệnh đầu tiên sau khi người này trở về từ Italy - điểm nóng dịch bệnh ở châu Âu.

Thủ tướng Moldova Ion Chicu  tối 9/3 tuyên bố nước này không thể cấm toàn bộ các chuyến bay, nhưng chỉ có công dân Moldova mới được phép lên máy bay về nước từ các quốc gia dịch bệnh đang hoành hành.

Hiện, trên toàn thế giới có hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ thông báo các trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

[Singapore thu phí điều trị bệnh COVID-19 đối với người nước ngoài]

Trong khi đó, sáng 10/3, Chính phủ Maroc thông báo tạm ngừng tất cả các chuyến bay đến và đi từ Italy. Quyết định này có hiệu lực đến khi có thông báo tiếp theo.

Cùng ngày, Maroc cũng xác nhận ca nhiễm COVID-19 thứ ba tại nước này. Đây là một khách du lịch người Pháp đến Maroc hôm 7/3.

Cũng trong ngày 10/3, Thủ tướng Séc Andrej Babis tuyên bố nước này sẽ đóng cửa tất cả các trường học từ cấp trung học trở xuống từ ngày 11/3 và cấm tổ chức các sự kiện có từ 100 người tham gia trở lên.

Đến nay, quốc gia Trung Âu này đã ghi nhận 40 ca nhiễm COVID-19.

Chính phủ Italy, nước được coi là "rốn dịch" ở châu Âu, dự kiến thông qua gói các biện pháp hỗ trợ trị giá khoảng 10 tỷ euro để giảm thiểu những tác hại của dịch bệnh và sau đó sẽ tiếp tục bổ sung ở giai đoạn tiếp theo.

Bộ trưởng Công nghiệp Italy Stefano Patuanelli ngày 10/3 cho biết các biện pháp này có thể làm tăng thâm hụt ngân sách của nước này nhưng vẫn trong giới hạn dưới 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Trước đó, một nguồn tin từ chính phủ cho biết Bộ Tài chính Italy đang cân nhắc khả năng nâng mức thâm hụt ngân sách trong năm nay lên tương đương 2,8% GDP. Hồi tuần trước, Italy dự định chỉ tăng thâm hụt ngân sách lên 2,5% từ mức mục tiêu ban đầu 2,2%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục