Cựu Chủ tịch Nissan Carlos Ghosn tiếp tục nộp đơn xin tại ngoại

Đây là lần xin tại ngoại đầu tiên kể từ sau khi ông Ghosn thay đội ngũ bào chữa cho mình nhằm chống lại các cáo buộc về những hành vi sai trái liên quan đến tài chính.
Cựu Chủ tịch Nissan Carlos Ghosn tiếp tục nộp đơn xin tại ngoại ảnh 1Ông Carlos Ghosn. (Nguồn: AFP)

Ngày 28/2, Tòa án quận Tokyo của Nhật Bản cho biết cựu Chủ tịch tập đoàn sản xuất ôtô Nissan Motor Carlos Ghosn đã tiếp tục nộp đơn xin tại ngoại sau hơn 3 tháng bị bắt giữ.

Đây là lần xin tại ngoại đầu tiên kể từ sau khi ông Ghosn thay đội ngũ bào chữa cho mình nhằm chống lại các cáo buộc về những hành vi sai trái liên quan đến tài chính.

[Cựu Chủ tịch Nissan cam kết chấp nhận mọi điều kiện để được tại ngoại]

Kể từ sau khi quan chức Nissan này bị bắt giữ hôm 19/11 với cáo buộc vi phạm Luật Quản lý sàn giao dịch và công cụ tài chính của Nhật Bản, thao túng các hồ sơ tài chính và báo cáo không đầy đủ thu nhập cá nhân, ông đã hai lần nộp đơn xin tại ngoại song đều không thành công.

Trước đó, tòa án đã bác đơn xin bảo lãnh từ các luật sư của ông Ghosn do lo ngại ông này có thể bỏ trốn bằng đường hàng không và tiêu hủy các bằng chứng.

Tuy nhiên, cựu Chủ tịch Ghosn và đội ngũ pháp lý của ông khẳng định điều này sẽ không xảy ra, bởi cựu Chủ tịch Nissan cam kết sẽ đeo vòng giám sát và hạn chế đi lại trong thời gian chờ phiên tòa xét xử.

Ngoài ra, doanh nhân 64 tuổi này cũng sẵn sàng nộp lại hộ chiếu, hạn chế tiếp xúc với các nhân chứng liên quan vụ việc và thông báo lịch trình hàng ngày cho các công tố viên.

Ông Carlos Ghosn (mang 3 quốc tịch Pháp, Brazil và Liban) là người đứng đầu liên minh sản xuất ôtô gồm hãng Renault của Pháp và hai hãng Nissan, Mitsubishi của Nhật Bản.

Ông được xem là nhân vật quyền lực nhất nhì ngành xe hơi Nhật Bản khi từng giữ vai trò quan trọng giúp Nissan vượt qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế trong thập niên 90 của thế kỷ trước, cũng như hỗ trợ Mitsubishi chống chọi với thời kỳ kinh doanh giảm sút sau khi hãng này bị cáo buộc làm giả số liệu về chỉ số tiêu thụ nhiên liệu.

Tháng 11/2018, ông bị bắt giữ với cáo buộc vi phạm Luật Quản lý sàn giao dịch và công cụ tài chính của Nhật Bản, thao túng các hồ sơ tài chính và báo cáo không đầy đủ thu nhập cá nhân.

Bản thân hãng Nissan cũng đang đối mặt các cáo buộc về che giấu các khoản bồi thường.

Ông Ghosn cho đến nay bác bỏ mọi cáo buộc, tuy nhiên ngay sau khi bê bối nổ ra, Nissan đã quyết định cách chức ông khỏi vị trí chủ tịch. Ông Ghosn cũng phải rời khỏi vị trí lãnh đạo của hai hãng Renault và Mitsubishi.

Do là người đứng đầu liên minh quốc tế Renault-Nissan-Mitsubishi, bê bối của ông Ghosn gây tác động tại nhiều nước.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 27/1 tuyên bố ông mong muốn duy trì "cân bằng" trong liên minh này.

Nhà lãnh đạo Pháp cũng đã bày tỏ quan ngại với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe về việc giam giữ kéo dài của ông Ghosn.

Trước đó, các tòa án Nhật Bản đã hai lần bác bỏ đơn xin bảo lãnh của ông Ghosn kể từ sau khi quan chức này bị bắt giữ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục