Đại hội Phụ nữ: Tăng cường trao quyền cho phụ nữ trong nền kinh tế số

Thảo luận về chủ đề Phụ nữ trong nền kinh tế số, các tham luận đề xuất, kiến nghị, hiến kế một số giải pháp để phụ nữ tiếp cận các nguồn lực nói chung, nguồn lực tài chính riêng một cách công bằng.
Đại hội Phụ nữ: Tăng cường trao quyền cho phụ nữ trong nền kinh tế số ảnh 1Đoàn Chủ tịch đại hội. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Theo Chương trình Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, bên cạnh các tham luận trình bày trong các phiên toàn thể, chiều 10/3, Đại hội tổ chức 5 trung tâm thảo luận với các chủ đề như xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới; phụ nữ trong nền kinh tế số; vun đắp giá trị gia đình Việt Nam; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả; xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới.

Tại buổi thảo luận về chủ đề Phụ nữ trong nền kinh tế số, các tham luận đã đề xuất, kiến nghị, hiến kế một số giải pháp để phụ nữ tiếp cận các nguồn lực nói chung, nguồn lực tài chính nói riêng một cách công bằng.

Nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của phụ nữ

Theo bà Nguyễn Thị Hòa, Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế đã chứng minh rõ nét hiệu quả của việc nâng cao tiếp cận tài chính cho phụ nữ. Đó là hiệu quả về gia tăng hiệu quả hoạt động kinh tế, xóa đói giảm nghèo; giảm bớt tác động của các cú sốc bất lợi đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của gia đình; tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư vào y tế và giáo dục. Thông qua đó góp phần nâng cao năng lực tự chủ, tăng cường trao quyền cho phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc nâng cao khả năng tiếp cận tài chính cho phụ nữ, các chính sách phát triển sản phẩm, dịch vụ tài chính tại Việt Nam đều được xây dựng trên quan điểm bình đẳng về tiếp cận dịch vụ, đồng thời chú trọng hỗ trợ đối tượng nữ giới và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Hòa cho rằng trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế và đời sống, để nền kinh tế sớm được phục hồi, để mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận các nguồn lực phát triển một cách tốt nhất, góp phần nhanh chóng thích ứng với trạng thái “bình thường mới,” việc nâng cao khả năng tiếp cận tài chính cho mọi người dân nói chung và phụ nữ nói riêng càng cần được chú trọng và đẩy mạnh. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, trong đó không thể thiếu sự góp sức của các tổ chức chính trị-xã hội.

[Hội Phụ nữ cần phát huy những mô hình hay, cách làm sáng tạo] 

Bà Nguyễn Thị Hòa đề nghị với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tập một số giải pháp trọng tâm về việc tiếp tục triển khai hiệu quả công tác giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, trong đó ưu tiên đối với các nhóm đối tượng yếu thế.

Hội cũng cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ với ngành Ngân hàng, đẩy mạnh triển khai Kế hoạch số 961 ở tất cả các cấp Hội và chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục tài chính; ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các tổ chức, chương trình dự án tài chính vi mô trong hệ thống Hội; mở rộng gắn liền với quản lý, giám sát các mô hình phối hợp giữa Hội với các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính, đảm bảo hiệu quả, an toàn.

Phát huy tiềm năng của phụ nữ nông thôn

Theo Tiến sỹ Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, thị trường tiêu thụ nông sản, thực phẩm qua chế biến của Việt Nam ngày càng được mở rộng, hiện có mặt tại 196 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam vươn lên trở thành nhà cung cấp lớn trên thị trường nông sản thế giới về quy mô và phạm vi thương mại, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của thị trường quốc tế, chinh phục được các thị trường khó tính như Mỹ, Australia, EU.

Góp phần vào những thành tựu đó, không thể không kể đến vai trò quan trọng của phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ nông thôn. Theo đó, phụ nữ nông thôn là những hạt nhân cơ sở đóng vai trò quan trọng trong tuyên truyền và thực hiện tham gia bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm, góp phần thực hiện hiệu quả Tiêu chí số 17 “Môi trường và An toàn thực phẩm,” một trong những tiêu chí khó thực hiện nhất khi các địa phương xây dựng nông thôn mới.

Phụ nữ nông thôn mạnh dạn chuyển dịch từ sản xuất nông hộ nhỏ lẻ, phân tán sang hợp tác, liên kết sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị; đồng thời tích cực tham gia vào Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh và gia tăng giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp mang đậm bản sắc văn hóa địa phương (39% chủ thể OCOP là nữ), từ đó, không chỉ giúp nhau thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu cho chính gia đình và phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, Tiến sỹ Hạ Thúy Hạnh cho rằng việc phát huy vai trò, tiềm năng của phụ nữ nông thôn trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm an toàn còn gặp nhiều khó khăn và có những hạn chế nhất định như nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật và năng lực trình độ sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn của một số phụ nữ nông thôn còn hạn chế; nhiều chị em gặp nhiều thách thức trong tiếp cận đất đai, vốn hay các nguồn lực khác…

Dưới góc độ của ngành nông nghiệp, Tiến sỹ Hạ Thúy Hạnh đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy vai trò của Hội và hội viên phụ nữ trong việc sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông sản an toàn. Đó là, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phối hợp liên ngành giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ở Trung ương và các địa phương, xây dựng và thực hiện các thể chế chính sách đặc thù, các chương trình 5 năm và từng năm; đặc biệt là hỗ trợ phụ nữ áp dụng số hóa trong nông nghiệp, xây dựng các mô hình nông nghiệp có chứng nhận VietGap, Global GAP, chứng nhận hữu cơ, HACCP, chứng nhận an toàn dịch bệnh... có truy xuất nguồn gốc; sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; gắn với Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, Cuộc vận động “5 không, 3 sạch,” Chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).

Đại hội Phụ nữ: Tăng cường trao quyền cho phụ nữ trong nền kinh tế số ảnh 2 Sản xuất thùng sọt, giỏ xách, túi xách cỏ bàng tại Cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ Toàn Tuyền, xã Phú Lợi, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Cùng với đó, các cấp Hội cần đổi mới phương pháp, phối hợp xây dựng các chương trình truyền thông, Hội thi về phụ nữ với an toàn thực phẩm, phối hợp với các đơn vị xây dựng các kênh truyền hình tương tác về an toàn thực phẩm và kinh tế tuần hoàn gắn thích ứng biến đổi khí hậu….

Giúp phụ nữ khởi nghiệp thành công từ nền tảng công nghệ số

Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp thành công từ nền tảng công nghệ số, bà Đào Lan Hương, CEO Học viện Công nghệ Sáng tạo Teky cho rằng, ngoài những nỗ lực của bản thân, cũng giống như các “Startup” khởi nghiệp trong những năm gần đây, Học viện Teky “gặp thời” khi Đảng, Chính phủ đang thực sự quan tâm đến khởi nghiệp sáng tạo và tạo dựng một hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ chuyển đổi số. Chính phủ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã có nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể hỗ trợ cho phụ nữ khởi nghiệp, nữ doanh nhân, điều này không chỉ khuyến khích mà thực sự mang lại những thuận lợi cho các “Startup.”

Đúc kết kinh nghiệm và nhận thức từ quá trình xây dựng và phát triển doanh nghiệp, bà Đào Lan Hương nhận thấy hai vấn đề nổi cộm, cần có kế hoạch, định hướng giải quyết, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững về kinh tế và xã hội. Thứ nhất, giáo dục công nghệ là quan trọng cho thế hệ tương lai, đặc biệt cho bé gái là cấp thiết, vì công bằng trong giáo dục, bình đẳng giới và tiến bộ xã hội. Trong khi cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ảnh hưởng tới mọi quốc gia, sắc tộc, giới tính, độ tuổi, lao động nữ ít được hoặc ít chủ động trang bị các kỹ năng công nghệ cần thiết. Nếu không có kế hoạch hành động nhằm nâng cao năng lực số cho bé gái và lao động nữ, đây sẽ là lực lượng dễ bị tổn thương nhất do người máy (Robot) và tự động hóa đem lại.

Thứ hai, năng lực số là con đường duy nhất, bắt buộc hiện nay để khởi nghiệp thành công, thích nghi và ứng phó với thế giới công nghệ nhiều thay đổi và tầm quan trọng của chuyển đổi số lại càng cấp thiết bởi các biến động khó lường từ đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, đây lại là thách thức lớn đối với doanh nghiệp do nữ giới làm chủ. Để phụ nữ có thể hội nhập, đóng góp nhiều hơn cho phát triển xã hội, xây dựng kinh tế gia đình bền vững, các chương trình hỗ trợ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của các cấp Hội là cấp thiết và đúng đắn.

Từ các hai vấn đề trên, để tiếp tục khuyến khích phong trào phụ nữ khởi nghiệp trong các cấp Hội, thúc đẩy phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp thành công, bà Đào Lan Hương kiến nghị Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cần xây dựng chương trình hỗ trợ cụ thể dành cho hội viên khởi nghiệp. Trong đó, năng lực ứng dụng công nghệ của các hội viên cần được chú trọng nâng cao.

Thông qua các hoạt động hội thảo thay đổi nhận thức về chuyển đổi số cho hội viên. Các chương trình đào tạo kiến thức-kỹ năng công nghệ, chương trình tiếp cận chuyên gia có kinh nghiệm về ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số cần được thường xuyên tổ chức. Lãnh đạo các cấp Hội cần có tầm nhìn dài hơi hơn với nhóm bé gái-lực lượng lao động và thành viên của Hội Phụ nữ trong tương lai. Hoạt động truyền thông, xây dựng hình ảnh nữ khởi nghiệp, nữ doanh nhân thế hệ số cần được tăng cường.

Các nhóm phụ nữ cần có cơ hội tiếp cận nhiều hơn nữa các hoạt động triển lãm công nghệ, đổi mới sáng tạo. Doanh nghiệp do nữ giới điều hành tại Việt Nam cần được hỗ trợ khi tham gia triển lãm giới thiệu sản phẩm, dịch vụ ở nước ngoài, nhằm nâng cao cơ hội tiếp cận vốn đầu tư và giới thiệu về môi trường khởi nghiệp tại Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục