Đắk Nông: Dùng vốn vay trồng rừng sản xuất liệu có sai nguyên tắc?

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Nông xác nhận loại rừng mà các doanh nghiệp tiến hành trồng là rừng sản xuất, không phải là rừng phòng hộ, đặc dụng.
Rừng keo lai 4 năm tuổi trên lâm phần của Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai tại xã Đắk R’Măng, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông . (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)
Rừng keo lai 4 năm tuổi trên lâm phần của Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai tại xã Đắk R’Măng, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông . (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)

Liên quan tới việc Quỹ Đầu tư Phát triển tỉnh Đắk Nông cho các doanh nghiệp vay gần 17 tỷ đồng để trồng rừng thay thế diện tích rừng đã chuyển đổi mục đích sang các dự án thủy điện, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Nông xác nhận loại rừng mà các doanh nghiệp tiến hành trồng là rừng sản xuất, không phải là rừng phòng hộ, đặc dụng.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, một số chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng đối chiếu với các quy định của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, việc sử dụng nguồn vốn trồng rừng thay thế (thu từ các dự án thủy điện) để cho vay trồng rừng sản xuất là sai nguyên tắc, không đúng quy định.

Cụ thể, Thông tư số 26/2015/TT-BNNPTNT (Thông tư số 26) ngày 29/7/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về “sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2013/TT-BNNPTNT (Thông tư số 24) ngày 06/5/2013 quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác” nêu rõ: “Số tiền nộp vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng để trồng rừng thay thế chỉ được bố trí trồng rừng phòng hộ, đặc dụng” (tại Khoản 3, Điều 5).

Việc ngành chức năng tỉnh Đắk Nông sử dụng nguồn vốn này để cho vay trồng cây keo lai trên đất quy hoạch rừng sản xuất là không đúng quy định, trái ngược với quy định tại Thông tư số 26.

Bởi keo lai là cây nguyên liệu của ngành công nghiệp giấy, chu kỳ từ khi trồng đến khi khai thác trắng theo như kế hoạch đã phê duyệt là 7 năm, không có tác dụng phòng hộ, đặc dụng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Nông cho rằng việc cho doanh nghiệp vay vốn để trồng rừng sản xuất nhằm sử dụng hiệu quả nguồn vốn trồng rừng thay thế, góp phần tăng tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn. Đây cũng là lập luận hoàn toàn trái ngược so với quy định tại Thông tư số 24.

Thông tư số 24 nêu rõ: “Trường hợp địa phương cấp tỉnh có diện tích rừng chuyển sang mục đích khác nhưng không còn hoặc không còn đủ quỹ đất để trồng rừng thay thế, thì Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh phải lập văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn bố trí trồng rừng thay thế ở địa phương khác” (tại Khoản 1, Điều 6).

Việc tùy tiện “chuyển đổi mục đích” sử dụng nguồn vốn từ trồng rừng đặc dụng, phòng hộ sang trồng rừng sản xuất là hoàn toàn trái ngược so với quy định tại Thông tư số 24.

Ngày 30/3/2016, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông đã có Công văn số 1223/UBND-NN gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xem xét chấp thuận cho địa phương được sử dụng tiền trồng rừng thay thế của các dự án thủy điện nộp về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Đắk Nông để trồng rừng thay thế trên các đối tượng đất quy hoạch là rừng sản xuất.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có phúc đáp tại Công văn số 3239/BNN-TCLN, ngày 25/4/2016 về việc giải quyết vướng mắc trồng rừng thay thế của tỉnh Đắk Nông.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông rà soát cụ thể quỹ đất đã quy hoạch cho phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng; đảm bảo sử dụng tiền đúng quy định của Chính phủ, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng nêu rõ trong trường hợp không bố trí đủ diện tích trồng rừng phòng hộ, đặc dụng thì Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét quyết định việc sử dụng nguồn kinh phí thu từ các dự án thủy điện để hỗ trợ trồng rừng sản xuất trong năm 2016 theo các quy định của Nhà nước.

Tại Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ quyết định một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007-2015 quy định rõ các cá nhân, tổ chức trồng rừng là các loại cây khai thác trước 10 năm tuổi trên đất quy hoạch là rừng sản xuất thì được hỗ trợ với định mức là 2 triệu đồng/ha.

Đắk Nông: Dùng vốn vay trồng rừng sản xuất liệu có sai nguyên tắc? ảnh 1Theo kế hoạch, rừng keo lai sẽ được khai thác trắng sau 7 năm trồng, chăm sóc. Trong khi nguồn vốn của chương trình là vốn trồng rừng thay thế rừng phòng hộ, đặc dụng đã chuyển đổi mục đích sang các dự án thủy điện. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)

Tại Quyết định số 66/2011/QĐ-TTg, ngày 9/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg, mức hỗ trợ này được điều chỉnh lên thành 3 triệu đồng/ha.

Như TTXVN đã thông tin, năm 2016, có 4 doanh nghiệp đã được Quỹ Đầu tư và Phát triển tỉnh Đắk Nông cho vay gần 17 tỷ đồng để trồng rừng thay thế diện tích rừng đã chuyển đổi mục đích sang các dự án thủy điện.

Nguồn vốn do Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Đắk Nông thu từ các dự án thủy điện để sử dụng trồng rừng thay thế và ủy thác Quỹ Đầu tư và Phát triển tiến hành cho vay.

Loại cây được phê duyệt là keo lai, đất trồng rừng là đất quy hoạch rừng sản xuất, thời gian từ khi trồng đến khi khai thác trắng là 7 năm.

Theo một lãnh đạo Hành chính-Quản trị, Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông, việc sử dụng nguồn vốn trồng rừng thay thế đã nộp về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Đắk Nông để cho vay trồng rừng sản xuất nhằm mục đích khuyến khích doanh nghiệp trồng rừng trong bối cảnh quỹ đất quy hoạch là rừng phòng hộ, đặc dụng của tỉnh còn rất hạn chế.

Nếu nộp về Trung ương (theo quy định tại Thông tư số 24) thì tỉnh sẽ mất nguồn để nâng cao độ che phủ rừng tại địa phương.

Lãnh đạo này cũng cho rằng trồng rừng thay thế diện tích rừng đã chuyển đổi mục đích sang các dự án thủy điện không nhất thiết là trồng rừng phòng hộ, đặc dụng.

Vì nhiều diện tích rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã được quy hoạch là rừng sản xuất trước khi được chuyển đổi sang các dự án thủy điện.

Ông Trương Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông, cho rằng khi triển khai chương trình, mục đích của chính của tỉnh là khuyến khích các doanh nghiệp trồng rừng, trong bối cảnh độ che phủ rừng của tỉnh Đắk Nông hiện đang thấp hơn so với mức bình quân chung của cả nước. Cụ thể, ở Đắk Nông là 39,15% so với cả nước là 41,65% (số liệu năm 2018).

Về việc nhiều diện tích được giải ngân cho vay nhưng doanh nghiệp trồng không thành rừng, ông Trương Thanh Tùng cho rằng đây là trách nhiệm của doanh nghiệp và của đơn vị đã giải ngân cho vay là Quỹ Đầu tư Phát triển tỉnh Đắk Nông.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo thu hồi số tiền đã được giải ngân nhưng doanh nghiệp trồng không thành rừng và kiên quyết xử lý sai phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục