Đảm bảo nguồn cung, không để thiếu hụt xăng dầu trong mọi tình huống

Các cơ quan quản lý theo sát diễn biến thị trường, tăng cường thanh tra, kiểm tra kiểm soát giá cả; tiếp tục sử dụng Quỹ bình ổn giá linh hoạt nhằm hạn chế thấp nhất đà tăng của mặt hàng xăng dầu.
Đảm bảo nguồn cung, không để thiếu hụt xăng dầu trong mọi tình huống ảnh 1Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Ninh Thuận dán thông báo đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Chiều 9/3, tại Diễn đàn trực tuyến “Kiểm soát lạm phát-thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế” do Tạp chí Hải quan tổ chức, vấn đề được quan tâm là giá xăng dầu liên tục tăng cao trong thời gian gần đây.

Theo ông Nguyễn Xuân Định, Phó Trưởng phòng Chính sách tổng hợp, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), để ổn định giá xăng dầu thì giải pháp cơ bản vẫn là phải đảm bảo nguồn cung, không để thiếu hụt xăng dầu trong mọi tình huống, tránh tình trạng đầu cơ găm hàng tích trữ.

Xăng dầu là mặt hàng đặc thù bởi giá phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tâm lý, chính trị và vị thế của các nước, trong khi ít bị ảnh hưởng bởi chi phí.

[Tính toán để sớm có cơ chế điều hành giá xăng dầu phù hợp thị trường]

Thời gian qua, giá xăng dầu thế giới tăng đột biến bất thường và dự báo sẽ tiếp tục tăng thời gian tới. Điều đó cho thấy việc dự báo ngắn hạn vô cùng khó khăn mà chủ yếu dự báo yếu tố trung hạn và dài hạn.

Ông Nguyễn Xuân Định cho biết thêm, hiện, cơ chế điều hành giá xăng dầu được thực hiện công khai, minh bạch, trong đó, Quỹ Bình ổn giá là công cụ hữu hiệu cho công việc điều hành giá trong nước.

“Thời gian qua, chúng ta đã sử dụng Quỹ khá lớn trong nhiều kỳ điều hành và những thời điểm nhạy cảm, giúp bình ổn giá mặt hàng quan trọng này. Đây là một trong những công cụ tốt trong quản lý điều hành,” ông Nguyễn Xuân Định cho hay.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Định cũng chỉ ra, trên thực tế cũng khó tránh khỏi tâm lý giá cả tăng theo giá xăng dầu. Do đó, các cơ quan quản lý tiếp tục theo sát diễn biến thị trường, tăng cường thanh tra, kiểm tra kiểm soát giá cả, tránh tăng giá bất hợp lý.

Ngoài ra, tiếp tục sử dụng Quỹ bình ổn giá linh hoạt, phù hợp từng thời điểm, hạn chế thấp nhất đà tăng giá của mặt hàng này.

Xoay quanh việc áp lực tăng giá xăng dầu sẽ ảnh hưởng và tác động lên lạm phát, ông Nguyễn Xuân Định cho biết, hiện Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành xây dựng kịch bản điều hành giá và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo đánh giá với kịch bản điều hành giá năm nay có thể mức lạm phát từ 3,6-4,3%, có những kịch bản hơn 4%. Do vậy, việc điều hành giá phải triển khai quyết liệt ngay từ những tháng đầu năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục