Dấu ấn cuộc đấu Mỹ-Trung tại Ngân hàng Phát triển liên Mỹ

Việc ông Claver-Carone tuyên bố ứng cử vào chức Chủ tịch của BID đã phản ánh chính xác chiến lược do Nhà Trắng vạch ra nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Dấu ấn cuộc đấu Mỹ-Trung tại Ngân hàng Phát triển liên Mỹ ảnh 1(Nguồn: Getty Images)

Theo mạng phân tích alainet.org, cựu Ngoại trưởng Argentina Jorge Taiana, người từng giữ trọng trách tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ Mar del Plata năm 2005 - sự kiện với dấu ấn đậm nét là việc các nước Mỹ Latinh phản đối dự án Khu vực thương mại tự do châu Mỹ (ALCA) mà Chính phủ Mỹ dày công chuẩn bị - từng hồi tưởng lại rằng nguyên nhân khiến Washington thúc đẩy thỏa thuận chiến lược sau đó bất thành này chính là “mối đe dọa Trung Quốc.”

15 năm sau, yếu tố đó giờ đây còn mạnh mẽ hơn trước nhiều lần, và những động thái mới đây của Mỹ nhằm giành chiếc ghế Chủ tịch Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (BID) cũng có cùng nguyên nhân như ALCA ngày nào. Trong hệ thống vận hành của BID - thể chế tài chính đa phương lớn nhất khu vực Tây Bán Cầu và là nguồn cung tín dụng đa phương lớn thứ ba cho Mỹ Latinh sau Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Mỹ là nước cấp vốn lớn nhất và nắm vai trò chi phối.

“Mối đe dọa Trung Quốc”

Bước đệm cho sự tranh giành có từ năm 2019 trong quá trình chuẩn bị cuộc họp thường niên của BID tại Trung Quốc, một trong những đối tác ngoài khu vực của ngân hàng này.

Thời điểm đó, BID chuẩn bị tròn 60 năm thành lập và Nhà Trắng đã cố tình phá hỏng cuộc gặp đó để làm Bắc Kinh "tụt hứng" sau khi đã chuẩn bị tới từng chi tiết nhỏ nhất, bằng cách tận dụng việc Trung Quốc từ chối cấp thị thực cho phái đoàn Venezuela của “Tổng thống” tự phong Juan Guaidó tới dự hội nghị, vì Bắc Kinh vẫn chỉ công nhận Tổng thống Nicolás Maduro.

Ngay cả trước khi sử dụng tới nhân vật bù nhìn này, Washington cũng đã tìm cách hạ thấp giá trị cuộc gặp của BID tại Trung Quốc, điển hình là việc gây sức ép để Argentina, khi đó dười thời cựu Tổng thống Mauricio Macri, không cử Bộ trưởng Tài chính lúc đó là Nicolás Dujovne mà thay thế bằng quan chức cấp thấp hơn, hay liên tục bày tỏ với Chủ tịch BID Luis Moreno những quan ngại về việc Bắc Kinh đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao thường niên của BID.

[Nguy cơ căng thẳng Mỹ-Trung Quốc lan sang lĩnh vực chứng khoán]

Tại nhiệm từ năm 2005, ông Moreno - cựu Bộ trưởng Phát triển Colombia - là Chủ tịch thứ tư trong lịch sử của BID và cả 3 người tiền nhiệm của ông đều là các cựu Bộ trưởng của một quốc gia Mỹ Latinh: ông Filipe Herrea (cựu Bộ trưởng Tài chính Chile), ông Antonio Ortiz Mena (cựu Bộ trưởng Tài chính Mexico) và ông Enrique Iglesias V (cựu Ngoại trưởng Uruguay).

Giờ đây, ứng viên mà ông Donald Trump giới thiệu khá xa với truyền thống đó của BID, không chỉ về mặt quốc tịch. Ông Mauricio Claver-Carone là người Mỹ gốc Cuba - một chi tiết khá quan trọng khi có thể mang lại những “ơn huệ” bầu cử cho ông Trump tại bang chiến địa Florida, nơi cộng đồng Cuba lưu vong rất có ảnh hưởng chính trị - và là cố vấn an ninh cũng như cựu Giám đốc IMF tại Mỹ.

Nhân vật theo tư tưởng khuynh hữu diều hâu này từng tới Argentina dự lễ nhậm chức của Tổng thống Alberto Fernández để dựng nên “màn diễn” bỏ đi giận dữ vì sự có mặt của phái đoàn Venezuela và của cựu Tổng thống Ecuador Rafael Correa.

Bằng đề cử này, Tổng thống Trump đã mở ra một mặt trận mới trong cuộc đấu với Trung Quốc, vì ông hiểu rằng sự hiện diện của các khoản đầu tư Trung Quốc tại Mỹ Latinh là một mối đe dọa với Mỹ và BID, trên thực tế chịu sự chi phối của Mỹ, có thể ngăn cản hay quấy nhiễu phần nào làn sóng này.

Cuộc đấu Mỹ-Trung có tầm vóc toàn cầu và tại khu vực Mỹ Latinh có những thế cục nhất định trong cả bàn cờ lớn đó. Năm 2017, học thuyết an ninh quốc gia mới của Mỹ đã chỉ ra rằng các đối thủ mà Washington đối đầu là Trung Quốc và Nga, và kể từ đó, mỗi khi một quan chức Washington “tuần du” khu vực mà họ coi là “sân sau” này, đều lên tiếng hô hào các nước cảnh giác với “mối đe dọa từ phương Đông.”

Những năm gần đây, Trung Quốc nhanh chóng mở rộng quan hệ với đại đa số các nước Mỹ Latinh mà không mảy may quan tâm đến vấn đề ý thức hệ. Một mặt, Bắc Kinh tăng cường sự hiện diện ở Venezuela nhằm thiết lập một mối quan hệ hợp tác song phương với mục đích đảm bảo nguồn cung cấp dầu mỏ cho nền kinh tế.

Mặt khác, Bắc Kinh luôn tìm cách cải thiện mối quan hệ với Chính phủ cực hữu của Brazil. Cùng với đó là mối quan hệ tốt đẹp của Trung Quốc với Chile, quốc gia đầu tiên tại Tây Bán Cầu ký hiệp định thương mại tự do song phương với "gã khổng lồ" châu Á.

Điểm khởi đầu cho sự "bành trướng" của Trung Quốc ở Mỹ Latinh là việc quốc gia này tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tháng 11/2001, thời điểm Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự kiện 11/9. Sau đó, các nỗ lực chống khủng bố đã buộc Mỹ phải thay đổi các ưu tiên chiến lược và ngừng chú ý đến những gì đang diễn ra tại Mỹ Latinh.

Sự "lãng quên" của Mỹ đối với Mỹ Latinh trong khoảng thời gian trên đã tạo điều kiện để Trung Quốc thâm nhập vào khu vực này. Hiện tại, Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Brazil, Chile, Argentina và Peru.

Năm 2006, thương mại giữa Trung Quốc với toàn bộ Mỹ Latinh chỉ khoảng 12 tỷ USD, song vào năm 2019, thương mại hai chiều đã tăng lên 306 tỷ USD. Đến nay, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu đậu tương, dầu mỏ và khoáng sản lớn nhất của Mỹ Latinh, đồng thời là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai của khu vực này.

Là một trong những chủ nợ chính của Mỹ Latinh, các khoản cho vay của Trung Quốc hiện có giá trị vượt tổng giá trị các khoản tín dụng mà BID và Ngân hàng Phát triển Mỹ Latinh (CAF - thể chế tín dụng đang phương lớn thứ hai tại khu vực) công lại.

Các nước vay nợ Trung Quốc nhiều nhất là Venezuela với 67 tỷ USD (trả đa phần bằng dầu khí), Brazil với 29 tỷ USD, Ecuador và Argentina, đều với khoảng 18 tỷ USD mỗi nước.

Một nghiên cứu mới đây của hai chuyên gia Oscar Ugarteche và Carlos de León cho Đại học tự trị quốc gia Mexico (UNAM) chỉ ra rằng có hai kiểu cung cấp tài chính chủ yếu của Trung Quốc cho khu vực này.

Một là các ngân hàng thương mại và hai là các ngân hàng phát triển. Các ngân hàng phát triển trong giai đoạn 2005-2018 đã cấp tổng cộng 141 tỷ USD tín dụng cho khu vực, thông qua Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc (EximBank) và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB).

Chu kỳ này bắt đầu tại Jamaica vào năm 2005 với một khoản vay cho công trình xây dựng một sân vận động và đạt đỉnh vào năm 2010 với những dự án nổi bật, đặc biệt là dự án đường sắt tốc độ cao của Argentina, dự án hạ tầng tại Mỹ Latinh nhận nhiều tín dụng của Trung Quốc nhất trong giai đoạn trên, theo báo cáo của Mạng lưới Mỹ Latinh-Trung Quốc do chuyên gia Enrique Dussel Peters điều hành.

Phần lớn những nguồn vốn này được đổ vào các dự án năng lượng (69%), như các đập thủy điện tại Ecuador, công viên điện Mặt Trời tại tỉnh Jujuy, phía Bắc Argentina và các dự án dầu khí tại Brazil và Venezuela.

Ngoài các khoản tín dụng này, còn phải kể tới các hoạt động hoán đổi tiền tệ giữa các ngân hàng trung ương để củng cố dự trữ ngoại hối, cũng như sự hiện diện của một số ngân hàng như ICBC (tại Argentina, Mexico, Peru, Brazil và Trung Mỹ), Bank of China tại Panama, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (tại Chile, từ năm 2016 với nhiệm vụ cấp tín dụng và thu đổi đồng nhân dân tệ), cùng các ngân hàng đã nêu là CDB và EximBank tại Trung Mỹ, và Haitong Bank tại Brazil…

Bên cạnh đó, cũng cần phải kể tới triển vọng đầu tư vào khu vực của Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB), với phát biểu mới đây của Chủ tịch Jin Liqun rằng: “Chúng tôi liên kết với một số đáng kể các nước Nam Mỹ và sẽ rất tuyệt nếu chúng tôi cấp vốn cho một số dự án thu nhập trung bình, kết nối Nam Mỹ với châu Á để giảm bớt chi phí giao dịch và vận tải giữa 2 khu vực.”

Mỹ “phản công”

Trong bối cảnh đó, Mỹ bắt đầu tìm cách phản công. Việc ông Claver-Carone tuyên bố ứng cử vào chức Chủ tịch của BID, trong khi theo truyền thống, người đứng đầu của tổ chức tài chính này thường do một người Mỹ Latinh đảm nhiệm, phản ánh chính xác chiến lược do Nhà Trắng vạch ra nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Ứng cử viên được Tổng thống Trump "chống lưng" giải thích rằng mục tiêu của ông là đẩy mạnh việc tái cấp vốn cho IDB, nhằm thúc đẩy một dòng tín dụng lớn với mục đích tạo điều kiện cho sự phục hồi của các nền kinh tế Mỹ Latinh bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng COVID-19.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho rằng cần phải thỏa thuận về việc "cải cách" với các đồng minh và đối tác kinh tế Mỹ nhằm thúc đẩy khu vực tư nhân đầu tư vào năng lượng và cơ sở hạ tầng tại Mỹ Latinh, từ đó tạo ra các cơ hội phát triển.

Bằng ngôn ngữ ngoại giao tinh tế, ông Mnuchin nhấn mạnh vào hai "từ khóa" của sáng kiến "Châu Mỹ phát triển." Đó là "cải cách," đồng nghĩa với mở cửa và bãi bỏ các quy định bất hợp lý đối với nền kinh tế, và "khu vực tư nhân," trái ngược với khu vực kinh tế nhà nước vốn "ưa thích" các khoản vay từ Trung Quốc do quốc gia châu Á này có xu hướng đẩy mạnh các mối quan hệ "giữa chính phủ với chính phủ."

Kế hoạch "Châu Mỹ phát triển" gắn liền với sáng kiến "Trở lại châu Mỹ," theo đó sẽ sử dụng các gói kích thích kinh tế để khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ chuyển các cơ sở sản xuất từ châu Á về Mỹ cũng như khu vực Mỹ Latinh và Caribe.

Ông Claver-Carone cho biết kế hoạch trên có thể đưa 30-50 tỷ USD tiền đầu tư của Mỹ trở lại châu Mỹ. Rõ ràng là các doanh nghiệp sẽ không dễ dàng để chuyển cơ cấu sản xuất của họ từ châu Á sang lục địa châu Mỹ, nhưng trong mọi trường hợp, đề xuất của Washington chứa đựng tiềm năng to lớn, đó là chiếm lại một phần trong số hơn 5 triệu việc làm của các công ty Mỹ tại các nước châu Á. Điều này sẽ góp phần kích hoạt lại các nền kinh tế trong khu vực Mỹ Latinh.

BID là một ngân hàng phát triển cấp khu vực ra đời năm 1959, có trụ sở tại Washington và đóng một vai trò nổi bật không thể phủ nhận tại Mỹ Latinh, đặc biệt là tại Trung Mỹ, với những khoản tín dụng phù hợp, lãi suất thấp và ít điều kiện, thường dành cho các lĩnh vực nhà ở, y tế, giáo dục, xây dựng mạng lưới cấp và thoát nước, cũng như một số lĩnh vực sản xuất.

BID áp dụng cơ chế tỷ lệ phiếu bầu theo tỷ lệ vốn đóng góp, theo đó, Mỹ đứng đầu với 30% tỷ lệ phiếu, tiếp đó là Argentina và Brazil với 11% mỗi nước, Mexico chiếm 7% phiếu, Venezuela 6% phiếu bầu, và giảm dần theo đóng góp. Ngân hàng này có 48 đối tác, trong đó có 26 nước Mỹ Latinh đồng thời là các nước thụ hưởng, với tổng tỷ lệ phiếu 50,02%, một đa số tối thiểu.

22 thành viên ngoài khu vực đóng vai trò cấp vốn thuần túy, lần lượt là Mỹ, Canada, các nước trong Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản và Israel.

Nhà nghiên cứu Diana Tussie thuộc Đại học Khoa học Xã hội Mỹ Latinh (Flasco, Costa Rica) nhớ lại việc Washington dưới thời cựu Tổng thống Ronald Reagan cũng từng gây sức ép tại BID bằng cách tăng lượng vốn góp đồng nghĩa với tỷ lệ phiếu của Mỹ và giảm phần góp vốn của Mỹ Latinh.

Điều này cho dù giúp các nước Mỹ Latinh có được thêm tín dụng nhưng cũng chịu thêm nhiều điều kiện điều chỉnh cấu trúc theo mô hình mà Ngân hàng Thế giới – thể chế vẫn được coi là “đỡ đầu” và là khuôn mẫu của BID - áp đặt.

Bà Tussie chỉ ra rằng Phó Tổng thống Mike Pence đã tái vận dụng Học thuyết Monroe với việc cố gắng lần đầu tiên đưa một ứng viên Mỹ vào cương vị Chủ tịch BID, để biến ngân hàng này thành một mũi tên chống Trung Quốc tại khu vực, và là đối trọng cho sự hiện diện sắp tới của AIIB, cho dù trong cơ cấu hiện tại, Mỹ cũng đang trực tiếp nắm giữ cương vị Phó Chủ tịch với quyền phủ quyết.

Tại BID, bộ phận có tiếng nói quyết định là Ban giám đốc, mà thông thường vận hành theo cơ chế đồng thuận. Không ai muốn đối đầu với BID vì hệ thống mang tính hợp tác của thể chế này, và BID cũng chẳng thể làm gì nếu không có sự bảo lãnh của Mỹ.

Tuy nhiên, giờ đây Nhà Trắng đang tìm cách điều hành thể chế này một cách trực tiếp. Đây là một hành động khá đáng ngạc nhiên xét tới việc Tổng thống Trump vẫn bị coi là người thường xuyên phản đối các tổ chức đa phương.

Theo bà Tussie, cũng cần phải xét tới việc trong cuộc chơi kiềm chế Trung Quốc tại Mỹ Latinh, Mỹ từng phủ quyết việc mở rộng Quyền thoái vốn đặc biệt (SDRs) tại IMF và kích hoạt cơ chế hạ thấp lãi suất tại thể chế này, nói cách khác Washington muốn có một vai trò mới, rộng lớn hơn trong các hoạt động tín dụng cho Mỹ Latinh để giới hạn ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Tuy vậy, đây không phải là nước cờ hoàn toàn chắc chắn. BID dự kiến sẽ có hội nghị cao cấp vào tháng 9 tới tại Colombia, nhưng xét tới bối cảnh đại dịch COVID-19, cùng hoạt động tranh cử Tổng thống tại Mỹ và những điều phức tạp mà bước đi của Mỹ có thể mang lại, việc trì hoãn hội nghị này là hoàn toàn có thể xảy ra.

Giáo sư Gonzalo Paz, thuộc Đại học Georgetown của Mỹ, nhận định “quyết định này của Washington là khá bất ngờ nhưng mang tư duy của Chiến lược An ninh quốc gia 2017. Đây như một bước ngăn chặn đối với chính sách đối ngoại của các nước lớn tại Mỹ Latinh.

Việc Chủ tịch BID là ngươi Mỹ Latinh là một truyền thống chứ không phải một quy định, và Tổng thống Trump đang tìm cách lấy lại thế chủ động cho các doanh nghiệp Mỹ trong khu vực, đồng thời thu hẹp bớt cánh cửa dành cho Trung Quốc. Kể từ nay, các chính phủ tại khu vực này sẽ có không gian hành động hẹp hơn và sẽ phải trả giá đắt hơn cho mỗi quyết định chính trị của mình (nếu đi ngược lại Mỹ).”

Người đắc cử cương vị Chủ tịch BID cần hội đủ đa số phiếu của các nước theo tỷ lệ phiếu bầu dựa trên vốn góp. Và hiện tại thì ứng viên của Mỹ đã có điều này với sự ủng hộ từ Brazil - nước ban đầu đề cử ứng viên của riêng mình nhưng sau đó đã rút lui khi Tổng thống Bolsonaro muốn ủng hộ người đồng cấp và “thần tượng” Donald Trump, cùng Chile, Colombia, Ecuador và một số nước Trung Mỹ, những nước đang có các chính phủ hữu khuynh theo đường lối chống lại quá trình hội nhập nội khu vực Mỹ Latinh.

Trước khi Tổng thống Trump tung ra nước cờ của mình, các ứng viên dẫn đầu là Laura Chinchilla của Costa Rica và Gustavo Béliz của Argentina, nhưng giờ tình thế đã xoay chuyển, cho dù các đối tác ngoài khu vực của BID, cũng như Canada và Mexico vẫn có ảnh hưởng nhất định và chưa lên tiếng.

Một vài cựu Tổng thống Mỹ Latinh cũng đã lên tiếng quan ngại trước động thái của ông Trump, trong khi từ Argentina xuất hiện một bức thư phản đối hi hữu tập hợp chữ ký của tất cả các cựu Ngoại trưởng trong thời kỳ dân chủ.

Khi Trung Quốc gia nhập BID, Chủ tịch ngân hàng này Luis Moreno từng chào mừng Bắc Kinh đến với “gia đình BID” và khẳng định sự kiện đó sẽ “củng cố thể chế này trong thời khắc nguy nan của nền kinh tế thế giới.”

Còn Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ (nơi BID có trụ sở) Zhou Wenzhing thì nhấn mạnh: “đây là một ngày đầy cảm xúc, sau 15 năm phấn đấu, Trung Quốc đã là thành viên mới của BID.”

Thời thế đã thay đổi và giờ đây, theo giáo sư Paz, “chúng ta đang bước vào một thế giới cạnh tranh dữ dội, với một số cảm giác xa xôi nào đó về thời Chiến tranh lạnh”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục