Đẩy mạnh phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến với 19 Sở Nông nghiệp khu vực phía Nam; ký hợp tác với Bộ Công Thương để đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu nông sản.
Đẩy mạnh phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản ảnh 1Các mặt hàng thực phẩm tại một siêu thị ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Nhằm thúc đẩy sản xuất, cung ứng nông sản trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã triển khai nhiều giải pháp như tổ chức Hội nghị trực tuyến với 19 Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khu vực phía Nam; ký kết hợp tác với Bộ Công Thương.

Chương trình ký kết phối hợp về phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Công thương còn được kỳ vọng là góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa nền nông nghiệp Việt Nam và khẳng định thương hiệu nông sản Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế.

Tháo gỡ khó khăn, ách tắc trong lưu thông nông sản

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, từ đầu thàng 7/2021 đến nay, giá nhiều lương thực, thực phẩm tại thành phố Hồ Chí Minh đã tăng mạnh. Cụ thể, giá lương thực tăng 0,46%; giá thực phẩm tăng 0,37% so tháng trước.

Trong số đó, rau củ quả tăng mạnh do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên việc vận chuyển hàng hóa khó khăn, nguồn rau về chợ giảm (bắp cải tăng 18,53%, su hào tăng 5,28%, đậu cô ve tăng 22,78%, rau muống tăng 5,38%, rau tươi khác tăng 5,63%).

Trong khi đó, giá thịt các loại có xu hướng giảm (thịt heo giảm 1,92%; thịt bò giảm 0,75%), giá các loại trứng tăng 2,36%-3,41%, giá nhiều mặt hàng thủy hải sản đa số tăng 6%-20% vì lượng thủy hải sản tươi về chợ bình quân giảm 10% so tháng trước.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, tham gia cung ứng thực phẩm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, các doanh nghiệp chiếm 30-40% thị phần; thương nhân các chợ đầu mối (mặt hàng rau, củ, quả, thủy hải sản, thịt gia súc) chiếm 60-70% thị phần. Còn lại các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất lương thực thực phẩm tự cung ứng tại các cửa hàng chiếm 10-20% thị phần.

Nhìn chung, các kênh chợ đầu mối và chợ truyền thống đã tạm ngưng hoạt động. Người dân tập trung mua lương thực, thực phẩm từ hệ thống siêu thị và các cửa hàng tiện lợi. Do phải đáp ứng điều kiện giãn cách, cấm tụ tập đông người nên người dân vẫn phải xếp hàng lâu mới mua được hàng hóa thiết yếu.

Vấn đề đáng lưu tâm nhất là lưu thông hàng hóa. Các xe vận chuyển tiêu thụ nông sản khi lưu thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ phải tuân thủ kiểm dịch, kiểm tra nhiều tại các chốt nên tăng chi phí vận chuyển.

Tại Hội nghị trực tuyến với 19 Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khu vực phía Nam, các đại biểu đã đi thẳng vào vấn đề tháo gỡ khó khăn, ách tắc trong lưu thông nông sản hàng hóa cung ứng từ các tỉnh, thành phía Nam vào Thành phố Hồ Chí Minh.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh, thành phố phía Nam đều cho rằng, thị trường nông sản ở phía Nam đang tồn tại nhiều bất cập và mâu thuẫn. Nông sản hàng hóa ở các địa phương đang dư thừa rất nhiều, dẫn đến một số nông sản chủ lực, sản lượng lớn bị rớt giá, ảnh hưởng đến đời sống người nuôi, trồng.

Trong khi đó, thị trường Thành phố Hồ Chí Minh lại đang khan hiếm, giá cả tăng cao, khiến cho cuộc sống người dân thành phố càng thêm khó khăn, chật vật.

Ngay tại hội nghị, nhiều giải pháp cấp bách đã được các địa phương đưa ra mong muốn tổ công tác của Bộ phối hợp giải quyết để thúc đẩy tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân, cung ứng đầy đủ lương thực, thực phẩm cho Thành phố Hồ Chí Minh đảm bảo an toàn và chất lượng.

Nêu vấn đề tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, cuộc họp đặt ra vấn đề sản xuất và cung ứng tại chỗ của từng địa phương, nhân lực sản xuất và phương án lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh ra sao để bảo đảm thúc đẩy sản xuất và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong lưu thông, nhất là trong bối cảnh 19 tỉnh, thành phố phía Nam đã bắt đầu thực hiện Chỉ thị 16.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam lưu ý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Công thương đã tạo điều kiện tối đa để cung ứng nông sản, vì vậy các tỉnh không những phải cung ứng sản phẩm tiêu thụ mà còn cần tập trung vào vật tư để sản xuất.

Cùng với đó, các tỉnh phía Nam nên phối hợp với Bộ Công thương để củng cố tình hình phát triển chuỗi cung ứng nông sản, nên hình thành chuỗi thể hiện vai trò của Nhà nước...

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, sắp tới sẽ là mùa mưa nên các tỉnh thành cần chú ý không để tình trạng thiếu hụt hàng hóa xảy ra và cần thành lập đầu mối để tạo chuỗi cung ứng nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm cho Thành phố Hồ Chí Minh.

Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ. Quan hệ ấy đã thể hiện qua nhiều hợp tác trong thời gian qua, mà gần đây nhất là việc hỗ trợ tiêu thụ vải thiều ở các tỉnh Hải Dương và Bắc Giang.

Công tác phối hợp giữa hai Bộ đạt được những kết quả nhất định, đóng góp vào tăng trưởng xuất khẩu của nhóm hàng nông, lâm, thủy sản nói riêng và tăng trưởng xuất khẩu của cả nước nói chung, góp phần bình ổn thị trường trong nước.

Đẩy mạnh phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản ảnh 2Những trái vải thiều Việt Nam chinh phục khách hàng Singapore. (Ảnh: Lê Dương/Vietnam+)

Đặc biệt, trong công tác phối hợp tổ chức sản xuất đáp ứng theo nhu cầu thị trường; xây dựng phương án, nội dung đàm phán mở cửa thị trường trong các Hiệp định thương mại tự do; thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại; phối hợp triển khai các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; tổ chức kết nối cung-cầu tiêu thụ.

Dù vậy, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, việc sản xuất, chế biến, lưu thông hàng hóa nói chung và nông, lâm, thủy sản nói riêng gặp nhiều rủi ro và khó khăn, dẫn đến chi phí tăng, thời gian kéo dài làm giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường thế giới.

Bên cạnh đó, các tác động tiêu cực từ những sự kiện bất ổn chính trị, xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn, xu hướng các nước tăng cường áp dụng các rào cản thương mại và kỹ thuật đối với hàng nông sản, thủy sản nhập khẩu; chi phí logistics gia tăng.

[6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 24 tỷ USD]

Do vậy, bên cạnh các giải pháp vẫn được triển khai thực hiện như trước đây như gia tăng hàm lượng chế biến, đảm bảo chất lượng để đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc, tuân thủ quy cách đóng gói, việc đánh giá chính xác nhu cầu, khả năng tiêu thụ nông, lâm, thủy sản tại thị trường trong nước và của nước nhập khẩu, việc đấu tranh với các rào cản bất hợp lý của các nước nhập khẩu nhằm “vô hiệu hóa” các lợi thế có được từ các FTA, từ đó đề xuất và thực hiện các biện pháp, giải pháp thiết thực nhằm góp phần tiêu thụ nông, lâm, thủy sản và thúc đẩy phát triển sản xuất, xuất khẩu có ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt là đối với các nông sản khi vào chính vụ thu hoạch.

Đẩy mạnh phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản ảnh 3Toàn cảnh buổi Lễ ký kết hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với Bộ Công Thương. (Nguồn: mard.gov.vn)

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh bày tỏ ấn tượng với những gì Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã làm để hoàn thành mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa phát triển giá trị của chuỗi cung ứng nông sản.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, quan hệ giữa hai Bộ cần phát triển trên 8 lĩnh vực khác nhau, trong đó, Bộ Công Thương đặc biệt chú trọng tới yếu tố truy xuất nguồn gốc nông sản, phục vụ cho xuất khẩu.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định sẽ ưu tiên nguồn vốn cho ngành nông nghiệp, đồng thời quảng bá, giới thiệu nông sản Việt ra thị trường thế giới.

Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan Lê Minh Hoan, việc đưa nông sản ra thị trường thế giới hiện nay không hề đơn giản. Do đó, cần phải làm sao để người sản xuất không ở trong tình trạng mù thông tin. Trong xu hướng hội nhập toàn cầu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, từ đó từng bước hình thành các chuỗi liên kết.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải thông tin thông suốt từ đầu cung là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đến đầu cầu là Bộ Công Thương. Thị trường hiện nay thay đổi từng phút một. Khi cái mới chưa kịp định hình, cái mới hơn đã chuẩn bị xuất hiện để thay thế. Sự nhạy cảm của thị trường đầu ra nhiều khi quyết định yếu tố đầu vào.”

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) sẽ là đầu mối, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc hai Bộ nhằm phối hợp triển khai chương trình.

Nông nghiệp đạt kết quả cao, toàn diện

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, mặc dù chịu tác động từ đại dịch COVID-19, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng mạnh, vượt kế hoạch đề ra, đạt kết quả cao 24,23 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó nông sản chính 10,40 tỷ USD, tăng 13,3%; thủy sản 4,05 tỷ USD, tăng 12,5%; lâm sản 8,7 tỷ USD, tăng 61,5%.

Đẩy mạnh phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản ảnh 4Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu sang thị trường EU tại Công ty Cổ phần WOODSLAND Tuyên Quang. (Ảnh: TTXVN)

Đóng góp vào thành công đó, có những mặt hàng với kim ngạch xuất khẩu tăng cao, gồm cao su, chè, hồ tiêu, hạt điều, rau quả, sắn và sản phẩm từ sắn, gỗ và sản phẩm gỗ, mây, tre, cói thảm.

Về thị trường xuất khẩu, có 4 thị trường (Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc) nhập khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam, trong đó 2 thị trường lớn nhất (Mỹ và Trung Quốc) thời gian qua được duy trì tốt.

Theo Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, dịch COVID-19 đã dẫn đến sự bất cân xứng về thị trường xuất khẩu. 6 tháng đầu năm, cơ cấu thị trường Mỹ đã vượt qua thị trường Trung Quốc.

Bên cạnh đó, thị trường trong nước cũng ảnh hưởng không nhỏ, đặc biệt tại các đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, hệ thống các siêu thị, chợ truyền thống bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều hàng hóa, nông sản khó tiêu thụ.

Với các sản phẩm vào mùa vụ thu hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã làm việc với ba tỉnh Sơn La, Đồng Tháp, Vĩnh Long với ba nhóm sản phẩm là khoai lang, ớt, xoài.

Bên cạnh đó, Bộ phối hợp với Đại sứ quán, thương vụ Việt Nam tại các nước xây dựng các kênh trao đổi, cung cấp thông tin các thị trường xuất khẩu trọng tâm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc…, để phân tích, đánh giá, dự báo thị trường nông sản trong và sau đại dịch COVID-19, từ đó đề ra giải pháp ứng phó kịp thời.

Bộ hỗ trợ Tập đoàn Central Retail, trao đổi Tham tán nông nghiệp kết nối với các địa phương, doanh nghiệp để xuất khẩu vải đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường EU, Thái Lan; phối hợp với Bộ Công Thương tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, điều tra nguồn gốc gỗ bất hợp pháp; tham mưu nhằm thúc đẩy xuất nhập khẩu nông sản giữa hai nước, đảm bảo hài hòa cân bằng cán cân thương mại. Tạo điều kiện cho thương nhân Trung Quốc được nhập cảnh, đàm phán thu mua vải thiều; đàm phán với các nước để kết nối, thúc đẩy xuất khẩu trái cây, thủy sản sang Trung Quốc, Thái Lan, EU.

Trong nửa đầu năm 2021, Bộ đã xây dựng được 6 mô hình về “Hoàn thiện và mở rộng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn gắn với cơ giới hóa đồng bộ theo chuỗi giá trị” (lúa vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, càphê vùng Tây Nguyên).

Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu trong năm 2021, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,2-3,5%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2021 khoảng 45 tỷ USD (cao hơn kế hoạch giao là 3 tỷ USD).

Để đạt được mục tiêu này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tăng cường năng lực chế biến, liên kết hình thành vùng sản xuất tập trung từ nguyên liệu-chế biến-thị trường; nâng cao chất lượng thu thập, phân tích thông tin, dự báo thị trường trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19, đặc biệt là các thị trường trọng điểm, kịp thời cảnh báo và tháo gỡ rào cản, vấn đề phát sinh khi xuất khẩu.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các bộ sẽ tổng kết để có kịch bản thường trực ứng phó khi thị trường biến động đồng thời có tư duy mới kích hoạt cả hệ thống trong kết nối thông tin, dữ liệu giữa cung và cầu. Người tiêu dùng biết được rõ ràng xuất xứ nguồn gốc nông sản, trung tâm thương mại hiểu rõ vùng nguyên liệu trong từng thời điểm. Cần tính toán lại thời vụ, tránh trùng thời vụ với nước mà Việt Nam xuất khẩu nông sản sang đó, thậm chí là những nước xuất khẩu sang thị trường đó. Nếu làm chủ lịch thời vụ, chủ động thông tin cung-cầu thì chắc chắn nông sản không bị ùn ứ, dù trong bối cảnh có hay không có dịch./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục