Dệt may Việt: Xuất tỷ USD nhưng thị trường nội địa vẫn chông chênh

Mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu dệt may Việt ở mức 2 con số đã bị "trễ hẹn", trong năm 2016 kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 28,2 tỷ USD thấp hơn 1,7 tỷ USD so với mục tiêu đề ra từ đầu năm.
Dệt may Việt: Xuất tỷ USD nhưng thị trường nội địa vẫn chông chênh ảnh 1Sản phẩm dệt may "Made in Vietnam" đang phải cạnh tranh gay gắt trên thị trường nội địa. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Trong khi áp lực cạnh tranh trên thế giới diễn ra hết sức gay gắt dẫn đến đơn hàng sụt giảm thì bản thân thị trường nội địa cũng chưa là điểm tựa vững chắc cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.

Đơn hàng liên tục sụt giảm

Nhìn lại 2016, có thể thấy đây là một năm khó khăn nhất của ngành dệt may Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu đạt 28,2 tỷ USD thấp hơn 1,7 tỷ USD so với mục tiêu đề ra từ đầu năm.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty đầu tư và thương mại TNG (Thái Nguyên) cho biết, bản thân ngành dệt may Việt Nam đang bị cạnh tranh khốc liệt trên thị trường quốc tế dẫn đến lượng đơn hàng cũng sụt giảm theo.

Nhiều Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) được ký kết trong thời gian qua nhưng thực tế doanh nghiệp trong nước vẫn chưa tận dụng được lợi thế của các hiệp định này để đẩy mạnh xuất khẩu.

Đáng chú ý, từ cuối năm 2016, nhiều đơn hàng của Việt Nam đã bị dịch chuyển sang một số nước cùng sản xuất hàng dệt may như Myanmar, Bangladesh, Campuchia, điều này kéo theo những áp lực lên việc tìm kiếm khách hàng của các doanh nghiệp nội.

Và để tồn tại, nhiều doanh nghiệp đã phải chấp nhận những yêu cầu khắt khe nhất của đối tác đưa ra để ký được đơn hàng xuất khẩu cũng như vượt qua giai đoạn khó khăn.

Nêu thực tế này, ông Nguyễn Đình Lập, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trường Phúc (Bắc Giang) cho biết, doanh nghiệp của ông đã chấp nhận ký đơn giá thấp hơn và phải đáp ứng các yêu cầu về chất lượng rất khắt khe của khách hàng.

Bên cạnh đó, công ty phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế từ khâu nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm đóng gói nhằm đảm bảo chất lượng tốt nhất đáp ứng các yêu cầu của đối tác nhập khẩu.

Theo báo cáo của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, việc tăng trưởng xuất khẩu ở mức 2 con số đã bị "trễ hẹn", trong năm 2016 kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 28,2 tỷ USD thấp hơn 1,7 tỷ USD so với mục tiêu đề ra từ đầu năm.

Nhìn nhận việc này, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho rằng, với tốc độ tăng trưởng 5,2% trong năm 2016 cũng là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2008 của ngành dệt may Việt Nam.

Ông cũng tỏ ra không mấy lạc quan khi năm 2017 áp lực cạnh tranh của ngành dệt may trong nước sẽ còn lớn hơn bởi cả 5 nước còn lại trong khối xuất khẩu dệt may lớn đều tập trung "tấn công" Việt Nam.

Dệt may Việt: Xuất tỷ USD nhưng thị trường nội địa vẫn chông chênh ảnh 2Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Khó giữ vị thế trên sân nhà

Hiện thị trường nội địa có quy mô 4,5 tỷ USD cho ngành dệt may, dù vậy theo lãnh đạo Vinatex đây không phải là điều kiện lý tưởng, bởi theo phân tích của ông Lê Tiến Trường, trong khi năng lực sản xuất của ngành đã lên tới 35 tỷ USD thì quy mô trên còn quá nhỏ và không có vị trí để có thể điều hòa được sản xuất khi xuất khẩu suy giảm.

Điều này khác với Trung Quốc khi năng lực xuất khẩu lên tới 260 tỷ USD thì thị trường nội địa cũng đạt con số 270 tỷ USD, Ấn Độ có thị trường nội địa lớn gấp 3 lần xuất khẩu trong khi với In​donesia thị trường nội địa lớn gấp 2 lần xuất khẩu. Do vậy, khi thị trường xuất khẩu chung khó khăn, các nước này vẫn có cơ sở để rút lui và phát triển thị trường nội địa.

"Toàn bộ thị trường nội địa chỉ đáp ứng xấp xỉ 2 tháng sản xuất của ngành, nên không tạo ra thế cân bằng cho hoạt động xuất khẩu và sẽ tạo ra khó khăn nhiều hơn so với các quốc gia có thị trường nội địa lớn," ông Trường nói.

Một thực tế nữa khiến thị trường nội địa vẫn chưa là điểm tựa vững chắc cho ngành dệt may Việt Nam. Thống kê của Vinatex cho thấy, tại khu vực nông thôn, các sản phẩm dệt may Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa nhập khẩu không rõ nguồn gốc, trong khi ở đô thị, sản phẩm của doanh nghiệp nội cũng phải chạy đua về thị phần với hàng hóa nhập khẩu từ khu vực ASEAN.

Ông Trường cho biết, đến thời điểm này, tại khu vực nông thôn, thị phần của ngành dệt may Việt Nam chỉ chiếm 20% trong khi các vùng đô thị tỷ lệ này chiếm 55-60%.

"Nếu tất cả các doanh nghiệp đều đi theo phong trào phát triển nội địa thì sẽ khó cho việc duy trì hiệu quả của phát triển thị trường này và cũng cần có những mũi nhọn nhất định duy trì thị trường," ông Trường nói.

Từ phân tích kể trên, lãnh đạo Vinatex đặt niềm tin lớn vào các doanh nghiệp mạnh, có thương hiệu để làm thị trường nội địa. Bên cạnh đó, lãnh đạo Tập đoàn sẽ tập trung các giải pháp để nâng cao năng suất lao động bằng cách thay thế dần các thiết bị kém hiệu quả, áp dụng công nghệ để giảm chi phí lao động trên từng đơn vị sản phẩm.

"Trong điều kiện thị trường chưa có nhiều điểm sáng thì việc củng cố khai thác tối đa năng lực sản xuất trong nước không dựa vào đầu tư mở rộng là con đường phù hợp nhất, trong đó tập đoàn đã tính đến phương án nhà máy may có thể hoạt động hai ca để nâng cao vị trí việc làm và sản lượng nhưng không tập trung cho đầu tư," lãnh đạo Vinatex nói về giải pháp trong năm 2017./.

Tổng Giám đốc Vinatex nói về cạnh tranh của dệt may trên thị trường nội địa
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục