Điểm bế tắc trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu

Với tốc độ như hiện nay, “ngân sách carbon” sẽ cạn kiệt trong 8 năm nữa, còn nếu mục tiêu là ấm lên thêm 2°C, “ngân sách carbon” sẽ kéo dài khoảng 25 năm.
Điểm bế tắc trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu ảnh 1Khí thải phát ra từ một nhà máy gần Darlton, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Báo Le Monde nhận định khi Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 tại Glasgow (COP26) đang đến gần, thế giới vẫn chưa vào nhịp hạn chế sự nóng lên của Trái Đất ở mức 1,5°C.

Nguyên nhân chính là do quá trình chuyển đổi đòi hỏi những khoản đầu tư khổng lồ, và câu hỏi đặt ra là ai sẽ trả những khoản tiền này để cứu Trái Đất?

Trước hết, việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C là mục tiêu khả thi.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) khẳng định: “Đã có sẵn các giải pháp và nhiều giải pháp trong số đó là không tốn kém.”

Tuy nhiên, thế giới hiện nay chưa ở vị trí để đạt được mục tiêu này. Để duy trì mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C, nhân loại vẫn có thể thải ra tổng cộng 325 gigaton CO2.

[Tổng thư ký LHQ: "Thời gian không cho COP26 được phép thất bại"]

Với tốc độ như hiện nay, “ngân sách carbon” sẽ cạn kiệt trong 8 năm nữa, còn nếu mục tiêu là ấm lên thêm 2°C, “ngân sách carbon” sẽ kéo dài khoảng 25 năm. Nếu vượt qua ngưỡng này, mỗi lượng phát thải bổ sung sẽ đồng nghĩa với một cấp nóng lên nguy hiểm hơn.

Khoảng cách lớn giữa kịch bản hy vọng mà các quốc gia trên thế giới đã cam kết trong Hiệp định Paris năm 2015 và thực tế phần lớn được giải thích bởi một vấn đề, đó là kinh tế.

Để đạt được mục tiêu trung tính carbon vào năm 2050, đặc biệt như hứa hẹn của Liên minh châu Âu (EU), thế giới cần phải thay đổi hệ thống điện, tắt các nhà máy nhiệt điện than, chấm dứt phương tiện chạy xăng, cách nhiệt nhà cửa tốt hơn, thay lò sưởi bằng máy bơm nhiệt, phát minh ra các quy trình công nghiệp mới cho thép và xi măng...

Đây là một công trình khổng lồ và cực kỳ tốn kém. Hội nghị COP26 sẽ bắt đầu vào ngày 1/11 tại Glasgow, Vương quốc Anh, và có hai câu hỏi rất cơ bản được đặt ra, đó là làm thế nào tài trợ cho quá trình chuyển đổi sinh thái? Và đối tượng trả tiền là ai?

Đầu tư trước, hưởng thụ sau

Adair Turner, cựu Chủ tịch Ủy ban về biến đổi khí hậu, một tổ chức nhà nước tư vấn cho Chính phủ Anh về chiến lược trong lĩnh vực này, nhận định: “Tôi nghĩ thế giới có 30% cơ hội hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C.”

Ông Turner vừa thành lập Ủy ban chuyển đổi năng lượng, một tổ chức tư vấn có nhiệm vụ xác định các kịch bản đáng tin cậy nhất để đạt mục tiêu trung hòa carbon trên toàn thế giới.

Theo kết luận của ông, quá trình chuyển đổi khí hậu vào năm 2050 sẽ không ảnh hưởng đến mức sống hoặc Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người.

Nói tóm lại, xét ở góc độ kinh tế, con người sẽ không bị ảnh hưởng bởi quá trình chuyển đổi này. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là quá trình chuyển đổi không có chi phí.

Các kịch bản mà ông đưa ra gồm nhiều giai đoạn cần thực hiện. Trước hết, phải “xanh hóa” sản xuất điện bằng năng lượng gió và năng lượng Mặt Trời (và trong trường hợp của ông là hạt nhân). Tiếp theo, cần “điện khí hóa” nền kinh tế bằng ôtô điện, phổ biến sưởi điện, sản xuất thép bắt đầu hoạt động với các lò điện hồ quang…

Lúc đầu, việc chuyển đổi này sẽ rất tốn kém, song về lâu dài lại rất tiết kiệm. Ví dụ điển hình là xe điện, mua đắt hơn nhưng sử dụng tiết kiệm hơn. Điều này cũng đúng với việc phát điện, bởi một khi được lắp đặt, tuabin gió hoặc tấm pin Mặt Trời hoạt động rất kinh tế.

Do đó, để thực hiện quá trình chuyển đổi khí hậu, Trái Đất trước hết cần đối mặt với “bức tường” đầu tư rồi mới hy vọng thu về lợi ích.

Với riêng lĩnh vực năng lượng, IEA ước tính cần phải đầu tư 4.000 tỷ USD (3.450 tỷ euro) mỗi năm từ năm 2030. Con số này nhiều hơn gấp ba lần số vốn hiện đang được đầu tư vào năng lượng xanh. Tùy thuộc vào các ước tính và khu vực, các chuyên gia kinh tế đều nhất trí rằng thế giới cần thêm từ 2-3% GDP để bổ sung cho đầu tư.

Để so sánh, giữa năm 2010 và 2019, đầu tư toàn cầu trong tất cả các lĩnh vực đạt trung bình 24,3% GDP. Nếu thêm 2–3 điểm phần trăm bổ sung thì đó sẽ là mức không phải là không thể đạt được. Tuy nhiên, “đây lại là điều đáng nói về mặt kinh tế vĩ mô,” chuyên gia kinh tế Jean Pisani-Ferry thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho biết.

Sự gia tăng đầu tư toàn cầu này đồng nghĩa với việc phân bổ lại các dòng tài chính theo hướng tiêu dùng ít hơn.

Ông Turner minh họa điều này bằng một ví dụ: “Đối với một hộ gia đình, đầu tư vào một máy bơm nhiệt tốn khoảng 15.000 euro. Có nghĩa là gia đình này nhất định sẽ phải bớt, không nhiều thì ít, các khoản như đi ăn nhà nhà hàng, đi nghỉ hoặc giải trí.”

Cũng có thể lý giải nôm na như vậy ở cấp độ kinh tế vĩ mô. Rõ ràng, ngay cả khi có tầm nhìn “lạc quan” đến năm 2050, quá trình chuyển đổi trước hết sẽ gây suy giảm sức mua trong vòng 15 năm tới trước khi cảm nhận được lợi ích.

Quá trình chuyển đổi khí hậu cũng sẽ dẫn đến một thay đổi sâu sắc trong việc tổ chức lại nền kinh tế. Giống như các mỏ than ở phương Tây trước đây từng đóng cửa, một số lĩnh vực sẽ biến mất hoàn toàn và được thay thế bằng các lĩnh vực khác. Hậu quả là những thách thức to lớn về xã hội sẽ phát sinh khi nhà nước phải hỗ trợ hàng loạt cho những người mất việc làm.

Qua phân tích cụ thể 75 lĩnh vực, công ty tư vấn McKinsey (Pháp) đã tính toán cần chi 1.000 tỷ euro mỗi năm cho riêng EU để đầu tư cho quá trình chuyển đổi hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

Nhưng ai sẽ là người trả tiền?

Theo công ty tư vấn McKinsey, chỉ 39% các khoản đầu tư cần thiết hiện phát sinh lãi. Tuy nhiên, để hy vọng chuyển đổi thành công, các quốc gia buộc phải trả tiền cho việc phát thải khí nhà kính.

Điểm bế tắc trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu ảnh 2Khói bốc lên tại nhà máy hóa dầu ở Etang de Berre, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

EU đã phần nào làm được điều này, nhưng chỉ trong lĩnh vực sản xuất năng lượng, công nghiệp nặng và các chuyến bay hàng không nội địa.

Hành động này cần phải được mở rộng sang tất cả các lĩnh vực. Các nước có có thể thành công trong việc dung hòa nền kinh tế và khí hậu, nhưng vai trò của các chính phủ và việc quy hoạch là cực kỳ quan trọng.

Họ cần có các chính sách nhà nước rõ ràng, nhất là về định giá khí CO2, tiêu chuẩn môi trường hay thậm chí chi tiêu công...

Theo nghĩa này, COP26 giữ vai trò quan trọng trong việc gửi một tín hiệu rõ ràng đến các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, ví dụ được McKinsey phân tích chỉ giới hạn ở EU, nơi chỉ chiếm 8% lượng phát thải khí nhà kính.

Để tránh hiện tượng nóng lên mất kiểm soát, Trung Quốc, quốc gia chiếm đến 27% lượng khí thải, là yếu tố có một vai trò quan trọng không thể đảo ngược.

Điều này đòi hỏi một sự đoàn kết mang tính hệ thống từ các nước giàu chịu trách nhiệm đối với phần lớn lượng khí thải kể từ cuộc cách mạng công nghiệp đến các nước mới nổi.

Lấy ví dụ cho thước đo của nhiệm vụ tài chính. Các nhà máy nhiệt điện than hiện thải ra 20% lượng khí nhà kính trên Trái Đất.

Việc ngừng hoạt động của những nhà máy này là nhiệm vụ hàng đầu, nhưng bằng cách nào? Hiện tại, phần lớn các nhà máy vẫn nằm ở châu Á, nơi tuổi trung bình chỉ là 13.

Điều này có nghĩa là các nhà máy còn hàng chục năm hoạt động, nếu duy trì hoạt động thì chi phí bỏ ra sẽ rất thấp, còn nếu buộc ngừng hoạt động thì chi phí bù đắp sẽ rất cao, đồng thời phải đầu tư rất nhiều cho năng lượng tái tạo.

“Giải pháp duy nhất là phương Tây trả tiền cho Trung Quốc để nước này đóng cửa các nhà máy than của họ. Nhưng hãy thử tưởng tượng xem câu chuyện sẽ được đón nhận như thế nào về mặt chính trị?” chuyên gia kinh tế James Nixon, thuộc công ty Oxford Economics, nêu vấn đề.

Chắc chắn nếu nhìn xa hơn, vào năm 2100, sự nóng lên thảm khốc ở mức 4°C hoặc 5°C sẽ kết thúc bằng việc gây ra một sự suy thoái kinh tế nặng nề. Nhưng điều đó còn rất xa.

Các nhà lãnh đạo hiện nay, đặc biệt là ở Mỹ và Trung Quốc, có sẵn sàng giảm mạnh sức mua trong thập kỷ tới để đổi lại một sự cải thiện nào đó sau khi họ qua đời?

“Kết luận có khả năng xảy ra là thế giới sẽ không theo kịch bản giới hạn ở mức nóng lên 1,5°C,” chuyên gia kinh tế Nixon nhận định.

Ông Nixon là người đầu tiên cho rằng GDP không phải là thước đo chuẩn trong cuộc tranh luận này. Các hiện tượng thời tiết cực đoan, làn sóng di cư, rồi sự sụp đổ của đa dạng sinh học hoặc sự gia tăng số người chết vì sóng nhiệt đòi hỏi thế giới phải có hành động. Tuy nhiên, logic kinh tế lạnh lại đi theo hướng ngược lại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục