Doanh nhân Việt Nam: Những thuyền trưởng vững tay chèo trước sóng cả

Cộng đồng doanh nhân đã thể hiện bản lĩnh tự chủ, linh hoạt, sáng tạo với ý chí và tinh thần vượt COVID-19, đặc biệt là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa – “Thuyền nhỏ vững tay chèo trước sóng cả.”
Doanh nhân Việt Nam: Những thuyền trưởng vững tay chèo trước sóng cả ảnh 1Khu vực nuôi ngọc trai nước mặn của Công ty Ngọc Trai và Trang sức An Phú.(Ảnh: CTV/Vietnam+)

Cùng với sự phát triển của đất nước, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đang ngày càng lớn mạnh. Họ đại diện cho sức sản xuất trong nền kinh tế thị trường đồng thời là lực lượng xung kích, đóng góp vào những thành tựu của đất nước.

Tuy nhiên trong những năm gần đây, hoạt động của các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do những tác động từ dịch bệnh COVID-19 cùng với tình hình khách quan từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ-Trung Quốc, xung đột quân sự Nga-Ukraina. Theo đó, hầu hết các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, kinh doanh suy thoái, nguồn nhân lực bị xáo trộn, tâm lý của người lao động bất ổn, nhiều lo lắng…

Song, cộng đồng doanh nhân Việt Nam đã thể hiện bản lĩnh tự chủ, linh hoạt, sáng tạo với ý chí và tinh thần vượt khó, đặc biệt là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Họ được ví như những thuyền trưởng vững tay chèo trước sóng cả.

Còn người, còn của

“Còn người, còn của” là thông điệp xuyên suốt giúp chị Nguyễn Thị Minh Thu, Giám đốc điều hành của ba công ty Mỹ Nghệ và Đầu tư Thương mại Đông Phương, Công ty Ngọc Trai và Trang sức An Phú, Công ty Đầu tư Du lịch Legend Hạ Long, dẫn dắt “con thuyền” - doanh nghiệp vượt qua biến cố COVID-19 đồng thời bảo đảm đời sống cho người lao động.

[Những doanh nhân yêu nước nổi tiếng trong lịch sử]

Minh Thu cho biết trong lĩnh vực mỹ nghệ, công ty có xưởng sản xuất ở cả miền Bắc và miền Nam với 150 thợ thủ công - nghệ nhân, chuyên gia phát triển sản phẩm xuất khẩu. Trong mảng nuôi cấy và kinh doanh ngọc trai nước mặn, công ty có đội ngũ chuyên gia trên 20 năm kinh nghiệm làm việc và quản lý cho các công ty của Nhật Bản và các nghệ nhân chế tác nữ trang được đào tạo từ Italy.

Thị trường mục tiêu của hệ sinh thái (ba công ty) là khách nước ngoài đến Việt Nam (chủ yếu là châu Âu, châu Úc và châu Mỹ…) với khoảng 4 triệu lượt khách quốc tế/năm. Song khi đại dịch COVID-19 xảy ra, số khách quốc tế đến Việt Nam về “0,” thị trường “đóng băng” khiến cho hoạt động sản xuất của cả hệ sinh thái bị đình trệ.

Doanh nhân Việt Nam: Những thuyền trưởng vững tay chèo trước sóng cả ảnh 2Chị Nguyễn Thị Minh Thu, Giám đốc điều hành của ba công ty Mỹ Nghệ và Đầu tư Thương mại Đông Phương, Công ty Ngọc Trai và Trang sức An Phú, Công ty Đầu tư Du lịch Legend Hạ Long. (Ảnh: Vietnam+)

“Đời sống của người lao động ngay lập tức bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Với mục tiêu duy trì vận hành, bảo toàn nguồn nhân lực, chúng tôi quyết định huy động nguồn vốn bổ sung (xoay sở, vay mượn) sử dụng để bù chi phí và bù doanh thu. Hai năm dịch bệnh hoành hành, mặc dù rất khó khăn song đội ngũ nhân viên, thợ thủ công yêu nghề, tâm huyết vẫn đồng lòng cống hiến và cùng doanh nghiệp ‘vượt bão’,” chị Minh Thu chia sẻ.

Trong thời gian giãn cách, chị Minh Thu cho biết cả ba công ty cùng tập trung vào đào tạo cán bộ, nhân viên chuyển hướng phục vụ khách nội địa đồng thời đầu tư thêm một số sản phẩm phù hợp với nhu cầu của từng dòng khách, từng phân khúc khách hàng.

“Chúng tôi đã thắng lợi không chỉ giữ vững được doanh nghiệp mà tập thể người lao động đều khỏe mạnh vượt qua giai đoạn của đại dịch. Đó là thành tựu lớn nhất mà chúng tôi có thể tự hào, bởi còn người-còn của, sức khỏe người lao động mới là trên hết,” chị Thu nhấn mạnh.

Chị cho hay đến thời điểm cả ba công ty do cô điều hành đã cơ bản hồi phục 50% năng lực sản xuất và kinh doanh so với giai đoạn trước dịch.

Lắng nghe nhịp đập thị trường

Không được may mắn trước biến cố dịch bệnh, Ngô Tiến Dũng đã trở về con số “0” tròn chĩnh sau hai 20 lập nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đầu năm 2021, Dũng quay về Hà Nội với quyết tâm làm lại từ đầu, khi đó trong người còn vẻn vẹn 20 triệu đồng. Song, Công ty Thương mại và Dịch vụ Rainbow Việt vẫn được ra đời.

Trong bối cảnh dịch bệnh bủa vây, Dũng nhận thấy nhu cầu rất lớn của cộng đồng về các sản phẩm phục vụ cho sức khỏe. Sẵn niềm đam mê và kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực đào tạo làm bánh, Dũng quyết định khởi nghiệp với các dòng bánh giàu dinh dưỡng, cung cấp các bữa ăn thuận tiện có năng lượng phù hợp, đặc biệt là đối với những khách hàng ăn kiêng, ăn uống lành mạnh và giảm cân khoa học. Nguồn nguyên liệu chủ yếu là từ gạo lứt, yến mạch, rong biển, hạt các loại… giàu protein, chứa omega 3,6,9, canxi, sắt, magie và chất xơ tự nhiên.

Tuy nhiên, các sản phẩm bánh dinh dưỡng trên thị trường cạnh tranh rất khốc liệt, đa dạng cả về chủng loại cũng như phân khúc khách hàng. Vì vậy, Dũng đặt ra mục tiêu của điểm khác biệt là nằm ở hương vị.

Trên thực tế, cùng là một loại bánh song mỗi người thợ sẽ có bí quyết phối hợp các loại nguyên liệu cũng như tỷ lệ sử dụng không giống nhau. Thậm chí, thời gian và nhiệt độ nướng bánh cũng khác nhau và điều đó quyết định nên hương vị của sản phẩm.

“Chất lượng của sản phẩm cùng sự nổi bật về hương vị sẽ yếu tố tạo lên sự khác biệt về tay nghề của người thợ,” Dũng chia sẻ.

Không có kinh phí làm marketing, song bằng “cái chất của người thợ” - Dũng đã chinh phục sự cảm mếm của người tiêu dùng, trên cơ sở đó duy trì khách hàng truyền thống và phát triển khách hàng mục tiêu.

Không ít khách hàng sau khi trải nghiệm sản phẩm đã đăng ký làm đại lý phân phối, nhờ đó sản lượng bánh tiêu thụ nhanh chóng gia tăng theo từng tháng. Chỉ sau 1 năm với sự khởi đầu từ một lò làm bánh cũ, đến nay Dũng đã có một xưởng sản xuất với các trang thiết bị tiên tiến, tạo công ăn việc làm cho hơn 20 lao động...

Doanh nhân Việt Nam: Những thuyền trưởng vững tay chèo trước sóng cả ảnh 3Ngô Tiến Dũng - Giám đốc, người sáng lập thương hiệu bánh dinh dưỡng Rainbow. (Ảnh: Vietnam+)

Trên thực tế, vừa qua, đa phần các doanh nhân đều thấm thía những đòn trí mạng đến từ dịch bệnh COVID1-9 và mỗi người trong số họ đều có những câu chuyện đẫm nước mắt. “Nghiệp” doanh nhân là song hành cùng thách thức, bởi biến cố dịch bệnh vừa qua đi nhưng không ít trở ngại khác đang chờ đón họ.

Theo tiến sỹ Cấn Văn Lực, người doanh nhân được kết tinh và tiêu biểu cho ý chí, nghị lực vươn lên làm giàu. Họ góp phần hình thành lối sống sáng tạo, tự lập, tự chủ, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, dám chấp nhận rủi ro, có chí làm giàu, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng, xã hội.

“Doanh nhân giàu có, thành đạt trở thành mục tiêu, khát vọng phấn đấu của giới trẻ với tinh thần dám dấn thân lập nghiệp, cống hiến bằng con đường kinh doanh,” ông Lực nói.

Phó giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, nhấn mạnh thời gian chống dịch bệnh COVID-19, đội ngũ doanh nghiệp đã thể hiện được bản lĩnh cũng như trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội.  

“Sự giúp đỡ người nghèo và những người đang ở tuyến đầu chống dịch của các tổ chức, doanh nghiệp và những hy sinh vì lợi ích quốc gia của họ đã để lại ấn tượng tốt đẹp, từ đó cũng trở thành cơ sở để xây dựng thương hiệu cho chính các doanh nghiệp,” ông Sơn chia sẻ./.

Doanh nhân Việt Nam: Những thuyền trưởng vững tay chèo trước sóng cả ảnh 4 Bánh quy kiểu Italy - Biscotti Healthy Rainbow (Ảnh: CTV/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục