Liên quan đến đề xuất đổi giờ học giờ làm, trao đổi bên lề Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV vào chiều nay (31/10), theo các đại biểu Quốc hội, đây là đề xuất hợp lý, tuy nhiên cần có các đánh giá nghiên cứu khảo sát cụ thể đồng thời chỉ triển khai ở một số khu đô thị phát triển mà không nên đồng loạt làm đại trà.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội, đề xuất đổi khung giờ làm việc từ 7 giờ 30 phút đến 17 giờ như hiện nay sang 8 giờ 30 phút đến 17 giờ. Thay vào đó, thời gian nghỉ trưa chỉ 1 giờ đồng hồ so với 2 tiếng rưỡi như hiện nay là hợp lý bởi đa phần người dân đang sống trong xã hội công nghiệp hóa nên buổi sáng nên làm việc muộn hơn sẽ là giải pháp để giảm ùn tắc giao thông.
[Cấm xe máy, thu phí xe đi giờ cao điểm vào nội đô để giảm ùn tắc]
“Nếu dồn tất cả giờ học và làm trong một thành phố đông dân phát triển, chỉ sơ sểnh sẽ gây tắc đường do đó phải đổi giờ học, giờ làm vênh nhau,” ông Cường phân tích.
Theo ông Cường, các nước công nghiệp phát triển trên thế giới sẽ có trình độ phát triển khác nhau, do đó, ở Việt Nam cần phải tính và tùy điều kiện từng nơi mới có thể thay đổi được. Chẳng hạn như các trường đại học có thể đổi giờ học nhưng cơ quan hành chính Nhà nước thì không nên đổi vì đây là giờ công chính phục vụ công dân. Các đơn vị khác như cơ quan dịch vụ công hành chính sự nghiệp thì có thể lựa chọn giờ phù hợp.
“Đề xuất này chỉ phù hợp ở các khu đô thị phát triển, không nên triển khai đồng loạt, đại trà ngay mà dần dần tiến đến nhân rộng,” vị đại biểu Quốc hội đánh giá.
Trả lời về việc đề xuất này nếu thực hiện sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới thói quen sinh hoạt người dân, ông Cường bày tỏ quan điểm, vấn đề này không phải là cái khó và trở ngại, mà khó nhất là điều kiện về cơ sở hạ tầng.
Đồng tình quan điểm này, đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) nhấn mạnh đây là một cách đặt vấn đề nhưng cần tính toán khoa học, nghiên cứu từ thời tiết cho tới hạ tầng giao thông, yếu tố tâm lý, nhu cầu đi lại của người dân bởi giờ đi làm, giờ học liên quan tới nhu cầu của con cái đi học, thói quen sinh hoạt của các gia đình.
Đề cập đến ý kiến việc đổi giờ học, giờ làm với mục đích để chống ùn tắc, ông Quốc cho rằng, trong thời kỳ công nghệ cũng nên cân nhắc phương thức hạn chế đi lại, hoàn toàn có thể học trực tuyến để giảm nhu cầu đi lại tới trường.
[Giảm ùn tắc giao thông: Tầm nhìn đô thị và cuộc cách mạng 4.0]
“Nếu chỉ nói mà không làm thì không những lãng phí mà còn mất đi tác phong phù hợp với sự thay đổi. Phải đặt câu hỏi nước ta đã sẵn sàng bước vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0 hay chưa? Các nước trên thế giới đã có cách làm từ lâu nhưng hiện nước ta vẫn đang như cũ,” ông Quốc phân tích.
Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, việc đổi giờ học giờ làm địa phương hoàn toàn có thể triển khai khi Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua và thực hiện.
Được biết, đề xuất đổi giờ học, giờ làm đã được 2 thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh bàn và nhắc đến vài năm vừa qua nhằm triển khai thực hiện một trong các giải pháp đồng bộ giải quyết bài toán giảm ùn tắc giao thông tại đô thị.
Trước đó, sáng 31/10, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đã nêu đề xuất điều chỉnh giờ học, giờ làm. Đại biểu cho rằng, hiện giờ làm việc trên cả nước từ 7 giờ 30 phút đến 17 giờ, thời gian nghỉ trưa từ 1,5 đến 2 giờ. Tuy nhiên, ông cho rằng, Chính phủ cần nghiên cứu giờ làm hiện nay xem đã tối ưu chưa.
Ông cho rằng, giờ làm việc có thể bắt đầu từ 8 giờ 30 phút, kết thúc lúc 17 giờ, thời gian nghỉ trưa kéo dài 1 giờ, riêng khối sản xuất, doanh nghiệp ngoài Nhà nước sẽ tự quyết định giờ làm cho phù hợp với điều kiện kinh doanh của từng đơn vị.
Theo ông, với khung giờ trên, mọi người trong gia đình có đủ thời gian để đi học, đi làm mà không gây ùn tắc, tiết kiệm thời gian và chi phí. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, sự thay đổi trên cần lấy ý kiến đầy đủ từ người dân đến doanh nghiệp và cần đánh giá đầy đủ tác động và tính hiệu quả. /.