Dự báo thế giới 2020: Giá dầu thế giới có xu hướng giảm

Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đã tăng hơn 34% trong năm 2019, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2016 trong khi giá dầu thô Brent tăng gần 23%.
Dự báo thế giới 2020: Giá dầu thế giới có xu hướng giảm ảnh 1Một cơ sở khai thác dầu tại Qamishli, Syria, ngày 26/10/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Mặc dù giá dầu thế giới giảm 1% trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2019, nhưng tính chung cả năm, "vàng đen" lại ghi nhận mức tăng lớn nhất kể từ năm 2016.

Điều này có được là do Mỹ và Trung Quốc đạt được sự nhất trí nội dung thỏa thuận kinh tế và thương mại giai đoạn 1 dựa trên nguyên tắc công bằng và tôn trọng lẫn nhau. Cùng đó là việc các nước thành viên trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh (OPEC+) đạt được thỏa thuận cắt giảm hơn nữa sản lượng.

Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đã tăng hơn 34% trong năm 2019, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2016 trong khi giá dầu thô Brent tăng gần 23%.

Cả hai chỉ số này đều thấp hơn so với mức đỉnh điểm trong tháng 4 khi giá dầu thô WTI tăng trên 40% và dầu thô Brent tăng hơn 30%.

[Giá dầu châu Á đi lên do tâm lý lạc quan về quan hệ Mỹ-Trung]

Giá dầu thế giới duy trì đà tăng trong những tháng đầu năm 2019 do một số lo ngại về địa chính trị và quyết định giảm sản lượng của OPEC.

Sau đó, đà tăng này giảm dần chủ yếu do lo ngại về nhu cầu về dầu thô giảm.

Trong thời gian gần đây, giá dầu thô trở lại hoạt động mạnh hơn  trước triển vọng quan hệ thương mại Mỹ-Trung bớt căng thẳng cũng như việc OPEC và các nước sản xuất dầu mỏ ngoài OPEC đạt được thỏa thuận cắt giảm hơn nữa sản lượng.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng giá dầu vẫn có nguy cơ giảm trong bối cảnh ngành năng lượng đối mặt với nhiều thách thức như tình trạng biến đổi khí hậu và sự phát triển của các loại xe chạy điện.

Một số nhà phân tích cho rằng dựa trên dữ liệu xác thực, ngành dầu mỏ thế giới sẽ bước vào thập kỷ tăng trưởng cuối cùng.

Ví dụ, Hãng Shell và các hãng dầu mỏ khác dự báo nhu cầu về dầu mỏ toàn cầu có thể lên đến đỉnh điểm trước năm 2030.

Các nhà phân tích cũng hoài nghi về việc liệu hoạt động khai thác bùng nổ đá phiến sét của Mỹ sẽ được duy trì trong thập kỷ tới sau một thập kỷ thăng trầm.

Theo Hãng luật công ty quốc tế Haynes &Boone có trụ sở tại bang Texas, Mỹ, tổng cộng có 50 công ty năng lượng đã nộp đơn xin phá sản trong 9 tháng năm 2019, trong đó có 30 công ty sản xuất dầu mỏ và khí đốt, cao hơn so với cả năm 2018.

Vụ phá sản lớn nhất trong ngành dầu khí trong năm 2019 liên quan tới Tập đoàn năng lượng EP, vốn nộp đơn xin bảo hộ phá sản hồi tháng 10/2019.

Ngoài ra, các kho dự trữ dầu trên thế giới cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới giá dầu trong tương lai gần.

Trong báo cáo Triển vọng năng lượng ngắn hạn cuối năm công bố hồi tháng 12/2019, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo giá dầu thô Brent trong năm 2020 sẽ thấp hơn so với mức trung bình  của năm 2019 do lượng dầu dự trữ toàn cầu dự báo đang gia tăng, nhất là trong 6 tháng đầu năm tới.

EIA dự báo giá dầu thô Brent sẽ ở mức trung bình là 61 USD/thùng vào năm 2020, giảm so với giá trung bình 64 USD/thùng của năm 2019 trong khi giá dầu WTI sẽ là 58,5 USD/thùng trong năm 2020.

Trong khi đó, Trung Quốc, một trong những nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, mới đây công bố thành lập một trung tâm giao dịch dành cho các chủ doanh nghiệp nhỏ được biết tới là Trung tâm giao dịch năng lượng quốc tế vùng Vịnh mở rộng GH&M (gồm Quảng Đông-Hong Kong-Macao).

Theo các nhà quan sát, trung tâm này sẽ đóng vai trò kết nối các chủ doanh nghiệp với nhau, giúp họ tiếp cận được các nguồn tài nguyên và cung cấp giá rẻ hơn cho các nước đang phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục