G20 đã sẵn sàng gia hạn Sáng kiến hoãn thanh toán nợ đến giữa năm 2021

Sáng kiến hoãn thanh toán nợ (DSSI) dự kiến sẽ được gia hạn đến tháng 6/2021 nhằm "giải phóng" thêm 6,4 tỷ USD cho 43 nước đã tham gia nói trên.
G20 đã sẵn sàng gia hạn Sáng kiến hoãn thanh toán nợ đến giữa năm 2021 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Theo dự thảo thông cáo của cuộc họp diễn ra ngày 14/10, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã sẵn sàng gia hạn Sáng kiến hoãn thanh toán nợ (DSSI) cho đến giữa năm tới, nhằm hỗ trợ các nước nghèo nhất ứng phó với tác động của cuộc khủng hoảng COVID-19.

DSSI được các thành viên G20 thông qua tháng 4/2020, đề nghị tạm hoãn các khoản thanh toán nợ song phương chính thức giữa các chính phủ nhằm "giải phóng" các khoản ngân quỹ dành cho các quốc gia để tập trung vào chống đại dịch COVID-19.

Ngân hàng Thế giới ước tính, cho đến nay, 43 trong số 73 nước đủ điều kiện tham gia DSSI đã hoãn thanh toán trên 5 tỷ USD nợ. Các nước được giảm nợ phải cam kết sử dụng số tiền được "giải phóng" để tăng cường các khoản chi về kinh tế, xã hội và y tế nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng hiện nay.

DSSI dự kiến sẽ được gia hạn đến tháng 6/2021 nhằm "giải phóng" thêm 6,4 tỷ USD cho 43 nước đã tham gia nói trên. Số tiền này sẽ tăng lên khoảng 11,5 tỷ USD nếu sáng kiến được kéo dài đến cuối năm 2021 hay gần 16 tỷ USD nếu toàn bộ 73 nước đủ điều kiện tham gia vào sáng kiến.

[WB: Các nước nghèo nhất thế giới đang gồng gánh khoản nợ kỷ lục]

Dự thảo thông cáo nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có sự tham gia của lĩnh vực tư và nói rằng tất cả các chủ nợ song phương chính thức cần thực thi đầy đủ sáng kiến và theo cách minh bạch.

Theo các nhà kinh tế hàng đầu, vấn đề vẫn là thiếu sự tham gia của các chủ nợ tư nhân, trong khi chưa có sự tham gia đầy đủ của tất cả tổ chức nhà nước của Trung Quốc.

Các ước tính cho thấy số nợ song phương chính thức của các nước nói trên tổng cộng là gần 14 tỷ USD trong năm nay, bao gồm lãi suất và nợ gốc.

Chưa đến 4 tỷ USD trong số này là tiền nợ Câu lạc bộ Paris gồm các nước chủ nợ lớn. Do đó các chủ nợ song phương chính thức như Trung Quốc và Nga cũng đang được hối thúc tham gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục