G7 tái cam kết về tỷ giá hối đoái, nâng cao năng lực ứng phó dịch bệnh

Trong thông cáo chung, các giới chức ngân hàng-tài chính G7 khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các thị trường và tái khẳng định các cam kết về tỷ giá hối đoái đưa ra vào tháng 5/2017.
G7 tái cam kết về tỷ giá hối đoái, nâng cao năng lực ứng phó dịch bệnh ảnh 1Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) chụp ảnh chung tại hội nghị ở thành phố Koenigswinter (Đức) ngày 19/5/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 20/5, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cam kết sẽ giám sát chặt chẽ thị trường sau những biến động gần đây, đồng thời tái khẳng định các cam kết đã đưa ra về tỷ giá hối đoái.

Trong thông cáo chung đưa ra sau hội nghị diễn ra tại thành phố Koenigswinter (Đức), các giới chức ngân hàng-tài chính G7 khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các thị trường và tái khẳng định các cam kết về tỷ giá hối đoái đưa ra vào tháng 5/2017.

Trước đó một ngày, phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki cho biết Tokyo mong muốn những người đồng cấp G7 khẳng định lại cam kết của nhóm về chính sách tỷ giá hối đoái, trong bối cảnh Nhật Bản đang cố gắng kiềm chế đồng yen lao dốc, là nguyên nhân khiến chi phí nhập khẩu tăng cao.

Đồng yen Nhật Bản đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai thập kỷ qua so với đồng USD.

Trong khi đó, đồng bạc xanh mạnh lên cũng kéo giá đồng euro đi xuống, làm gia tăng áp lực lạm phát ở châu Âu trong bối cảnh chi phí năng lượng tăng vọt do tác động của cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Cùng ngày, các Bộ trưởng Y tế của G7 đã nhất trí về một hiệp ước, trong đó tập trung hợp tác giám sát và ứng phó nhanh nhằm nâng cao khả năng đối phó với nguy cơ bùng phát đại dịch trong tương lai.

[Các nước G7 thành lập liên minh vì an ninh lương thực toàn cầu]

Thông cáo chung nêu rõ G7 cam kết tăng mức đóng góp bắt buộc cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thêm 50% vào năm 2030-2031 để nâng cao vai trò lãnh đạo của nhóm trên toàn cầu.

Trong một phát biểu, Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach nhấn mạnh đại dịch COVID-19 sẽ không phải là đại dịch cuối cùng, do đó cần đề phòng ngay từ bây giờ để tránh mất cảnh giác một lần nữa trong tương lai.

Tại hội nghị, các Bộ trưởng Y tế của G7 cũng cam kết đến năm 2050 xây dựng một hệ thống y tế bền vững với môi trường và trung hòa carbon./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục