Giá dầu Brent có thời điểm tăng lên đến 147,5 USD mỗi thùng

Trong phiên chiều 7/3, giá dầu Brent đã có thời điểm lên đến 147,50 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI chạm mức 147,27 USD/thùng, đều là các mức cao nhất kể từ tháng 7/2008.
Giá dầu Brent có thời điểm tăng lên đến 147,5 USD mỗi thùng ảnh 1Bơm xăng cho phương tiện tại trạm xăng ở Cairo, Ai Cập. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu Brent tăng lên gần 130 USD/thùng trong phiên giao dịch chiều 7/3 tại châu Á, mức cao nhất kể từ năm 2008, do việc Mỹ và các đồng minh châu Âu cân nhắc ban hành lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga và sự chậm trễ trong việc đạt được đồng thuận nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran đã làm dấy lên những lo ngại về nguồn cung thắt chặt.

Vào lúc 14 giờ 23 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 10,88 USD, hay 9,2%, lên 128,99 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 9,8 USD, hay 8,5%, và được giao dịch ở mức 125,48 USD/thùng.

Vào đầu phiên giao dịch hôm nay, cả hai loại dầu trên đã tăng hơn 10 USD lên các mức cao nhất kể từ tháng 7/2008 là 139,13 USD/thùng với dầu Brent và 130,50 USD/thùng với dầu WTI.

Thậm chí, trong phiên này, giá dầu Brent đã có thời điểm lên đến 147,50 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI chạm mức 147,27 USD/thùng, đều là các mức cao nhất kể từ tháng 7/2008.

[Giá dầu tăng mạnh, chạm mức 139 USD mỗi thùng trong phiên đầu tuần]

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 6/3 cho biết Mỹ và các đồng minh châu Âu đang xem xét khả năng cấm nhập khẩu dầu của Nga, và Nhà Trắng đang phối hợp với các ủy viên chủ chốt trong Quốc hội để thúc đẩy lệnh cấm của riêng mình.

Các chuyên gia phân tích của ngân hàng Bank of America (Mỹ) cho biết nếu phần lớn lượng dầu xuất khẩu của Nga bị cắt đứt, thị trường có thể thiếu hụt 5 triệu thùng dầu trở lên, đồng nghĩa với việc giá dầu có thể tăng gấp đôi từ 100 USD/thùng lên 200 USD/thùng, trong khi các chuyên gia phân tích của ngân hàng JP Morgan (Mỹ) dự doán giá dầu có thể tăng lên 185 USD/thùng trong năm nay.

Bất chấp sự gia tăng mạnh của giá dầu, các công ty năng lượng Mỹ đã giảm số lượng giàn khoan hoạt động trong tuần trước, qua đó càng làm gia tăng những lo ngại về nguồn cung.

Tại Libya, Tập đoàn dầu quốc gia (NOC) cho biết việc đóng cửa các mỏ dầu El Feel và Sharara đã khiến sản lượng giảm 330.000 thùng/ngày, tức hơn 25% sản lượng của nước này trong năm 2021.

Trong khi đó, các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 đã rơi vào bất ổn sau khi Nga ngày 6/3 yêu cầu Mỹ đảm bảo rằng các lệnh trừng phạt đối với nước này vì hành động liên quan tới Ukraine sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động thương mại của Nga với Iran. Theo các nguồn thạo tin, Trung Quốc cũng đưa ra một số yêu cầu mới.

Đáp trả lại yêu cầu nói trên của Nga, ông Blinken ngày 6/3 cho biết các lệnh trừng phạt Nga vì hành động liên quan tới Ukraine không liên quan đến một thỏa thuận hạt nhân tiềm năng với Iran./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục