Giảm lãi suất: Sẵn sàng đưa nguồn vốn chi phí thấp hỗ trợ doanh nghiệp

Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh lãi suất tái cấp vốn cho thấy nhà điều hành sẵn sàng cung ứng nguồn vốn chi phí thấp hơn để các ngân hàng mạnh dạn hơn trong cơ cấu lại nợ đối với các khoản vay mới.
Giảm lãi suất: Sẵn sàng đưa nguồn vốn chi phí thấp hỗ trợ doanh nghiệp ảnh 1Giao dịch tại ngân hàng. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Mới đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo hạ một loạt suất điều hành, áp dụng từ ngày 17/3.

Đánh giá về động thái này, các chuyên gia khẳng định đây là bước đi rất đúng đắn của Ngân hàng Nhà nước trong lúc này, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính quốc tế cũng như kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trong nước.

Giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp

Ở bình diện quốc tế, quyết định giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước lần này được đưa ra trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã giảm mạnh lãi suất điều hành về mức 0%-0,25%/năm chỉ trong vòng 2 tuần. Sau động thái này, nhiều Ngân hàng Trung ương trên thế giới cũng có các động thái tương tự.

Việc một loạt suất điều hành, bao gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng sẽ giúp các tổ chức tín dụng cần vốn có thể vay trực tiếp từ NHNN với lãi suất thấp, không phải đi vay từ các ngân hàng khác hay huy động trên thị trường dân cư với lãi suất cao hơn. Cùng với đó, lãi suất dành cho các khoản tiền gửi ngắn hạn dưới 6 tháng cũng giảm, sẽ tác động đến mặt bằng lãi suất huy động vốn.

[Các ngân hàng bắt đầu giảm lãi suất huy động dưới 6 tháng]

Phân tích kỹ hơn, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), cho biết quyết định của cơ quan này cũng trên cơ sở theo dõi sát diễn biến thị trường quốc tế, điều kiện kinh tế vĩ mô của Việt Nam, đặc biệt là áp lực lạm phát giảm bớt đi do giá dầu giảm mạnh. Việc giảm các lãi suất điều hành trong đó có lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chào mua OMO phát tín hiệu về sự sẵn sàng của NHNN hỗ trợ các tổ chức tín dụng khi cần tiếp cận vốn.

“Quan điểm điều hành của Ngân hàng Nhà nước là hỗ trợ giảm lãi suất đối với các nhu cầu vay vốn trên cơ sở cân nhắc các yếu tố nền tảng kinh tế vĩ mô phù hợp, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng,” ông Hà nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hà, bên cạnh các giải pháp miễn, giảm lãi trong thời gian qua, việc giảm 0,5%/năm đối với lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên sẽ làm giảm chi phí vốn của doanh nghiệp.

NHNN điều chỉnh lãi suất điều hành để phát tín hiệu rõ ràng, mạnh mẽ sẵn sàng hỗ trợ tổ chức tín dụng trong trường hợp cần tiếp cận vốn. Bên cạnh đó, trên cơ sở mục tiêu kiểm soát lạm phát, NHNN giảm nhẹ lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng (lãi suất trên 6 tháng vẫn theo cơ chế thỏa thuận) sẽ tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng cơ cấu lại nguồn vốn theo hướng kéo dài kỳ hạn. Qua đó, tổ chức tín dụng thuận lợi hơn trong việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí nhằm hỗ trợ khách hàng theo quy định tại Thông tư số 01 của NHNN.

“Thị trường sợ nhất là khủng hoảng thanh khoản, nhưng điều đó đến thời điểm này NHNN cầm chắc kiểm soát được. Chúng tôi quyết định điều chỉnh một loạt các lãi suất để giúp các ngân hàng thương mại giảm chi phí, từ đó tính đến giảm lãi suất đầu ra,” lãnh đạo NHNN lý giải về việc giảm mạnh lãi suất điều hành. 

Theo các chuyên gia, quyết định hạ lãi suất cơ bản và một loạt lãi suất điều hành này thực sự là động thái rất quyết liệt và mạnh tay của NHNN đối với thị trường và các ngân hàng thương mại. Trước đó, vào năm 2019 nhà điều hành cũng đã 2 lần giảm các loại lãi suất chủ chốt (tháng Chín và tháng 11) nhưng với bước giảm khá nhẹ chỉ 0,25%/năm trong mỗi lần điều chỉnh.

Giảm lãi suất: Sẵn sàng đưa nguồn vốn chi phí thấp hỗ trợ doanh nghiệp ảnh 2Hoạt động tại doanh nghiệp. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Nhận định về quyết định điều chỉnh của NHNN, một số chuyên gia đánh giá việc giảm lãi suất sẽ làm giảm chi phí vốn cho nền kinh tế, nhất là đối với hoạt động đầu tư, tiêu dùng. Bằng cách đó, một khối lượng tiền lớn có thể được đưa ra để thúc đẩy đầu tư và giải quyết cho những doanh nghiệp gặp khó khăn.

Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định sự vào cuộc cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế trước ảnh hưởng của dịch COVID-19 của NHNN là một động thái chính sách cần thiết, tạo thêm nguồn lực tài chính cho các ngân hàng thương mại. Đặc biệt là các ngân hàng thương mại lớn để khoanh nợ, giãn nợ, cho vay mới để hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính do dịch. Quyết định trên cũng phát đi tín hiệu chỉ báo lãi suất có xu hướng giảm, hỗ trợ cho phục hồi kinh tế sắp tới đây khi mà dịch bệnh được kiểm soát.

Tiến sỹ Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia thì cho rằng đây là bước đi cần thiết, thích hợp ở thời điểm hiện tai, thể hiện sự cẩn trọng của NHNN, bởi một mặt vừa đảm bảo ổn định vĩ mô, mặt khác vẫn tạo dư địa ít nhiều để tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khi dịch qua đi. NHNN giảm mạnh lãi suất tái cấp vốn cho thấy nhà điều hành sẵn sàng cung ứng nguồn vốn chi phí thấp hơn để các ngân hàng thương mại mạnh dạn hơn trong cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay mới.

Cũng theo ông Thành, lãi suất đề hành giảm kéo theo lãi suất huy động sẽ giảm, nhưng đây vẫn là mức lãi suất đủ hấp dẫn đối với người dân gửi tiền vào ngân hàng thời điểm này.

"Chưa kể lãi suất đô la Mỹ là 0% cộng với việc nhà điều hành Mỹ không muốn một đồng đô la mạnh, điều đó ít nhiều tao thuận lợi cho điều hành của NHNN trong việc ổn định tỷ giá, ổn định vĩ mô,” ông Thành nhấn mạnh.

Nhìn nhận về diễn biến tỷ giá thời gian tới, ông Thành cho rằng sau khi hạ lãi suất, nếu nhìn vào nguồn lực của NHNN và điều hành linh hoạt của NHNN trong việc bơm hút tiền đồng, mua vào bán ra ngoại tệ, có thể đảm bảo tỷ giá không tăng quá mức.

Ông Nghĩa cũng cho rằng việc giảm lãi suất điều hành không ảnh hưởng nhiều đến sự ổn định kinh tế vĩ mô. Bởi các yếu tố có thể tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô là lạm phát, tỷ giá có xu hướng hạ nhiệt. Đơn cử như với tỷ giá, việc Fed giảm lãi suất sẽ làm giảm độ hấp dẫn của đồng dô la Mỹ, khiến đồng tiền này giảm giá, qua đó làm dịu áp lực đến tỷ giá trong nước.

Còn về lạm phát, ông Nghĩa cũng cho biết hiện giá các loại vật liệu cơ bản, đặc biệt là xăng dầu trên thế giới giảm mạnh nên sức cầu đang rất yế. Vì vậy, tác động của các cú sốc từ phía cung sẽ giảm dần trong thời gian tới và lạm phát CPI so với cùng kỳ năm trước sẽ dần tiệm cận mức lạm phát cơ bản. Trong khi đó, áp lực cung tiền từ tăng trưởng tín dụng lại càng thấp. Đến đầu tháng 3, tín dụng mới tăng 0,1%, trong khi thanh khoản của các ngân hàng thương mại rất dồi dào... Chính vì thế, lạm phát không phải là điều đáng lo.

Mặc dù vậy, các chuyên gia cũng cho rằng các chính sách hạ một loạt lãi suất của NHNN như hiện nay là tốt, nhưng vấn đề của các doanh nghiệp bây giờ đang cần không phải chỉ là lãi suất, mà là thanh khoản. Mặt khác, vấn đề của nền kinh tế đang gặp phải không chỉ là sử dụng "chính sách tiền tệ" mà còn cả "chính sách tài khóa" để có thể giúp doanh nghiệp cầm cự qua giai đoạn khó khăn này./.

Ngày 16/3, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,0%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,0%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm. Ngoài ra, lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở được giảm từ 4,0%/năm xuống 3,5%/năm.

Cùng với đó, trần lãi suất huy động VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng loại không kỳ hạn giảm 0,3%/năm (từ 0,8%/năm xuống còn 0,5%/năm); loại có kỳ hạn từ 1 thàng - 6 tháng giảm 0,5%/năm (từ 5%/năm xuống còn 4,75%/năm); lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng Nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ 5,5%/năm xuống 5,25%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung-cầu vốn thị trường.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục