Ngày 19/8, khi đề cập tới vấn đề nghiên cứu phát triển vắcxin phòng chống COVID-19 cũng như quyền tiếp cận các loại vắcxin này khi chúng được cấp phép lưu hành sau này, Giáo hoàng Francis đã đưa ra lời kêu gọi cần vì "lợi ích chung."
Theo đó, Giáo Hoàng cho rằng: Các quốc gia giàu có không nên tích trữ vắcxin phòng ngừa bệnh COVID-19 và chỉ nên hỗ trợ các công ty cam kết bảo vệ môi trường, trợ giúp những người khó khăn nhất và vì "lợi ích chung."
Giáo hoàng Francis nhấn mạnh: "Sẽ thật đáng buồn nếu những nước giàu có được ưu tiên vắcxin phòng COVID-19. Sẽ thật đáng buồn nếu vắcxin trở thành tài sản của quốc gia này hay quốc gia kia, nếu nó không được phổ cập tới tất cả mọi người."
[WHO kêu gọi chấm dứt tình trạng 'chủ nghĩa dân tộc vắcxin']
Giáo hoàng Francis cũng cho rằng sẽ là một vụ "bê bối" nếu các chính phủ chi tiền cứu trợ liên quan đến đại dịch cho một số ngành nhất định. Theo ông, tiêu chí để các công ty được nhận tiền cứu trợ là họ phải đóng góp cho công tác hỗ trợ những người dễ bị tổn thương và bên lề xã hội, giúp đỡ những người khó khăn nhất vì lợi ích chung và quan tâm đến bảo vệ môi trường.
Trước đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng việc một nước nào đó tích trữ vắcxin phòng COVID-19 mà bỏ qua các nước khác sẽ khiến đại dịch trở nên trầm trọng hơn.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, người cảnh báo về tình trạng "chủ nghĩa dân tộc vắcxin," đã kêu gọi các nước tham gia một hiệp ước toàn cầu trước ngày 31/8 tới nhằm chia sẻ các thành tựu phát triển vắcxin với các nước đang phát triển.
Hiện trên thế giới có hơn 150 loại vắcxin phòng COVID-19 đang được phát triển, trong đó khoảng 20 loại đang được thử nghiệm trên người và một số ít đang được thử nghiệm giai đoạn cuối./.