GMS: Lào đề xuất tăng cường hợp tác phòng dịch, phát triển kinh tế

Ngày 9/9 tại GMS lần thứ 7, Thủ tướng Lào cho rằng các nước Tiểu vùng sông Mekong cần tiếp tục tăng cường hợp tác trong phòng ngừa đại dịch COVID-19, hài hòa với việc phát triển kinh tế.
GMS: Lào đề xuất tăng cường hợp tác phòng dịch, phát triển kinh tế ảnh 1Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 7, ngày 9/9/2021, tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen, ngày 9/9, Thủ tướng Lào Phankham Viphavan đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 7 theo hình thức trực tuyến.

Theo phóng viên TTXVN tại Vientiane, phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phankham đánh giá cao kết quả hợp tác trong khuôn khổ GMS giai đoạn vừa qua, đặc biệt là tổ chức thực hiện hoạt động đầu tư trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng khu vực sông Mekong tại khu vực GMS giai đoạn 2018-2022.

Ông Phankham khẳng định, tại Lào, nhiều dự án đã được tổ chức triển khai theo đúng tiến độ, đem lại nhiều lợi ích thiết thực, góp phần quan trọng giúp nâng cao vai trò là trung tâm vận chuyển-kết nối khu vực và là mắt xích mạng lưới sản xuất của khu vực và quốc tế.

Thủ tướng Phankham cũng bày tỏ vui mừng khi nhận thấy việc tổ chức triển khai các dự án phát triển bền vững, thân thiện với môi trường trong các lĩnh vực như du lịch, nông nghiệp, vận tải, thương mại cũng từng bước đạt được hiệu quả tích cực, đem lại lợi ích thiết thực cho các quốc gia Tiểu vùng sông Mekong.

[GMS: Thúc đẩy đối phó với những thách thức trong thập niên mới]

Để đảm bảo việc tổ chức thực hiện Kế hoạch chiến lược GMS 2030 và giải quyết các tác động của đại dịch COVID-19, Thủ tướng Lào đã đưa ra các đề xuất.

Theo Thủ tướng Lào, các nước Tiểu vùng sông Mekong cần tiếp tục tăng cường hợp tác và phối hợp trong công tác phòng ngừa, kiểm soát đại dịch COVID-19, nhằm giảm số ca mắc COVID-19 tại khu vực, trong đó chú trọng tăng cường tiêm vaccine phòng COVID-19, đảm bảo mục tiêu miễn dịch cộng đồng; Tăng cường các biện pháp giảm thiểu tác động của dịch COVID-19 đối với kinh tế-xã hội thông qua việc tạo thu nhập cho các doanh nghiệp và người dân trong thời điểm dịch bệnh và sau khi dịch bệnh được kiểm soát, bằng việc tạo công ăn việc làm, duy trì hiệu quả hoạt động đầu tư kinh doanh phù hợp với tình hình mới.

Đối với vấn đề này, Thủ tướng Lào đề nghị các quốc gia GMS cần thực hiện các chính sách cân đối, hài hòa giữa công tác phòng chống COVID-19 với việc giảm thiểu tác động, đảm bảo phát triển kinh tế; tăng cường hợp tác, giúp đỡ nhóm người yếu thế, bao gồm số lao động phải chuyển dịch do tác động tiêu cực của dịch COVID-19, xây dựng cơ chế hợp tác để đảm bảo cho số lao động này có thể nhanh chóng tiếp cận được công việc mới; đảm bảo việc nhanh chóng mở cửa khẩu biên giới để có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, từng bước thúc đẩy hoạt động du lịch kiểu mới và tiến tới bình thưòng hóa hoạt động du lịch trong khu vực Tiểu vùng sông Mekong.

Thủ tướng Lào cũng đề nghị thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và phát triển (R&D) kinh tế vi mô và vĩ mô giữa các quốc gia thành viên Tiểu vùng sông Mekong, ADB và các đối tác phát triển khác nhằm khôi phục kinh tế trong ngắn, trung và dài hạn, trên nền tảng kế hoạch Chiến lược hợp tác trên lĩnh vực kinh tế Tiểu vùng sông Mekong 2030; Tiếp tục củng cố, hoàn chỉnh cơ chế, nâng cao hiệu quả tham gia của các đối tác phát triển và của các tổ chức tư nhân thông qua việc kết nối với các cơ chế hợp tác khu vực với nhau như: ASEAN, ACMECS, cơ chế hợp tác sông Mekong với các đối tác phát triển...; Củng cố năng lực và chuẩn bị sẵn sàng cho các nước thành viên trong việc ứng phó với các khó khăn, thách thức kinh tế-xã hội hiện nay cũng như trong thời gian tới, trong đó tạo điều kiện thuận lợi, cơ hội cho phát triển kinh tế số, hiện đại hóa, công nghệ hóa.

Trong phát biểu của mình, Thủ tướng Lào cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với Kế hoạch chiến lược GMS 2030, kế hoạch khôi phục và ứng phó với sự lây lan của dịch COVID-19 mà nước chủ trì Campuchia, các nước thành viên, ADB và các nước đối tác phát triển đã chuẩn bị, khẳng định đây sẽ là định hướng cho quan hệ hợp tác giữa các nước trong thời gian tới cũng như nâng cao hiệu quả ứng phó với đại dịch COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục