Hà Nội là thành viên mạng lưới thành phố sáng tạo: Định vị thương hiệu

Hà Nội vinh dự trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO về lĩnh vực thiết kế, tham gia quá trình thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố trong mạng lưới.
Hồ Hoàn Kiếm đẹp lung linh trong đêm. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)
Hồ Hoàn Kiếm đẹp lung linh trong đêm. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, ngày 30/10, Hà Nội đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNECSO) ghi danh vào Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO.

Hà Nội vinh dự trở thành thành viên của Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO về lĩnh vực thiết kế, tham gia quá trình thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố trong Mạng lưới với mục tiêu lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị bền vững.

Với tầm nhìn và thương hiệu của một thành phố sáng tạo về thiết kế, Hà Nội có thể xây dựng và thúc đẩy vị trí cạnh tranh trong thu hút đầu tư quy mô lớn, kích thích tái tạo đô thị, tập trung các chương trình phát triển giáo dục và các sự kiện văn hóa gắn liền với tầm nhìn phát triển bền vững.

Tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO là bước đi đầu tiên của Hà Nội nhưng có ý nghĩa quan trọng cho mục tiêu nâng cao vị thế và tạo dựng hình ảnh mới, hấp dẫn hơn cho Hà Nội.

[Hà Nội và tầm nhìn trở thành Thủ đô sáng tạo của Đông Nam Á]

Để thực hiện cam kết, Hà Nội sẽ cụ thể hóa bằng chương trình hành động dài hạn về tầm nhìn và kết nối các chính sách của thành phố nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa nói riêng và làm giàu nguồn lực văn hóa của Hà Nội nói chung; tạo tiền đề thúc đẩy các thành phố khác của Việt Nam tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của Mạng lưới, khẳng định vị trí và tầm vóc Thủ đô sáng tạo của Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á và thế giới.

Hà Nội là trung tâm chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố lịch sử, văn hóa với nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của quốc tế và quốc gia, với hàng trăm làng nghề truyền thống...

Hà Nội cũng là nơi tập trung nhân tài, trí tuệ của cả nước với hệ thống các trung tâm nghiên cứu, học viện, trường đại học, cao đẳng… rất thuận lợi cho việc tiếp nhận, phổ biến tri thức, công nghệ mới là những nhân tố quan trọng cho sự phát triển của công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo.

Tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là cơ hội thuận lợi cho Hà Nội trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trong tất cả các lĩnh vực sáng tạo văn hóa.

Có thế mạnh ở nhiều mảng sáng tạo song Hà Nội quyết định lựa chọn lĩnh vực thiết kế làm điều kiện ứng cử bởi đây là mảng có độ bao phủ rộng, liên quan mật thiết tới các lĩnh vực còn lại, thể hiện được đa dạng tiềm năng, thế mạnh của thành phố trong phát huy sức sáng tạo.

Cùng với đó, Hà Nội cũng bảo đảm các tiêu chuẩn cần có của một thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế như nền công nghiệp thiết kế phát triển vững vàng; nhiều cơ hội sáng tạo thiết kế từ nguyên vật liệu, điều kiện tự nhiên; có sự hiện diện của ngành công nghiệp sáng tạo thiết kế; có nhóm sáng tạo và thiết kế hoạt động thường xuyên.

Trong dịp này, 66 thành phố được ghi danh, trong đó có tám thành phố thuộc lĩnh vực sáng tạo thiết kế gồm Asahikawa (Japan), Baku (Azerbaijan), Bangkok (Thailand), Cebu City (Philippines), Hà Nội (Việt Nam), Muharraq (Bahrain), Querétaro (Mexico) và San José (Costa Rica).

Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO được thành lập năm 2004, với mục tiêu tăng cường hợp tác giữa các thành phố đã được công nhận sáng tạo, coi đây là một yếu tố chiến lược phục vụ phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường.

Như vậy, tính đến nay, Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO đã có 246 thành phố trên thế giới tham gia./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục