Hà Nội đưa Luật Hòa giải, đối thoại vào thực tiễn cuộc sống

Sau khi Luật Hòa giải, đối thoại được thông qua, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã xác định việc triển khai Luật hòa giải, đối thoại là một trong các nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2021.
Hà Nội đưa Luật Hòa giải, đối thoại vào thực tiễn cuộc sống ảnh 1Ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao. (Ảnh: Thống Nhất/ TTXVN)

Chiều 22/3, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã tổ chức triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại 2 cấp Tòa án thành phố Hà Nội.

Ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, đã tới dự và chỉ đạo.

Chánh án Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Hữu Chính cho biết sau khi Luật Hòa giải, đối thoại được thông qua, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã xác định việc triển khai Luật hòa giải, đối thoại là một trong các nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2021.

Ngay từ tháng 5/2020, Tòa án nhân dân hai cấp thành phố Hà Nội đã tiến hành rà soát toàn bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị của từng đơn vị để kịp thời đề xuất đầu tư kinh phí để triển khai thi hành Luật.

[Mười một luật có hiệu lực thi hành bắt đầu từ ngày 1/1/2021]

Mặc dù hiện nay các Tòa án quận, huyện, thị xã chưa nhận được kinh phí hỗ trợ nhưng 27 trong số 31 đơn vị đã tích cực, chủ động bố trí cơ sở vật chất để triển khai thi hành Luật.

Riêng 4 đơn vị là: Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội, Tòa án các huyện, quận Gia Lâm, Thanh Trì và Bắc Từ Liêm đang trong thời gian xây dựng trụ sở mới, chưa bố trí được cơ sở vật chất nên việc triển khai Luật Hòa giải, đối thoại sẽ được thực hiện ở giai đoạn sau.

Để chuẩn bị, lựa chọn lực lượng hòa giải viên có trình độ, kinh nghiệm và kỹ năng hòa giải, từ đầu tháng 12/2020, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã thông báo về việc tuyển chọn hòa giải viên, đồng thời cử những người có đủ tiêu chuẩn tham gia bồi dưỡng để cấp chứng chỉ hòa giải viên.

Dự kiến, 27 trong số 30 đơn vị cấp huyện thuộc Tòa án nhân dân hai cấp thành phố Hà Nội sẽ chính thức triển khai công tác hòa giải, đối thoại kể từ ngày 1/4, riêng Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy (Hà Nội) sẽ triển khai ngay từ ngày 22/3.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, công tác triển khai Luật Hòa giải, đối thoại tại Hà Nội cũng gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất chật hẹp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế và quy định của luật; chưa có kinh phí đầu tư trang thiết bị như bàn ghế, máy tính… để triển khai thi hành Luật.

Các đơn vị buộc phải chủ động bố trí, sắp xếp, trưng dụng một số phòng làm việc, phòng chức năng để làm nơi làm việc của hòa giải viên.

Mặt khác, theo quy định, đối với những đơn vị có lượng án từ 300 vụ mỗi năm trở lên thì Tòa án được tuyển chọn và bổ nhiệm tối đa 15 hòa giải viên; đối với những đơn vị có lượng án từ 1.000 vụ mỗi năm trở lên thì cứ tăng thêm 100 vụ được bổ sung 1 hòa giải viên.

Căn cứ vào số lượng án phải giải quyết thì Tòa án nhân dân hai cấp thành phố Hà Nội sẽ được phân bổ tối đa là 495 hòa giải viên và dự kiến trước mắt sẽ bổ nhiệm 318 hòa giải viên.

Song đến nay, mới chỉ có 131 người có nguyện vọng đăng ký tuyển chọn hòa giải viên, trong đó mới chỉ có 108 người đã đầy đủ hồ sơ để được bổ nhiệm, còn 23 người thiếu chứng chỉ trong hồ sơ...

Như vậy, còn thiếu nhiều hòa giải viên so với yêu cầu đặt ra (mới chỉ có 108 trong tổng số 318), không đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra với số lượng án dân sự, hành chính rất lớn. Từ đó, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết đơn khởi kiện của công dân.

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc này, Tòa án nhân dân hai cấp thành phố Hà Nội đã kiến nghị các cấp có thẩm quyền đầu tư kinh phí cho việc sửa chữa trụ sở làm việc, mua sắm trang thiết bị. Tại những đơn vị thiếu hòa giải viên, việc phân công án được thực hiện từng bước, trước mắt sẽ phân công từng lĩnh vực cho hòa giải viên.

Phát biểu chỉ đạo, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã đánh giá cao kết quả thí điểm thực hiện công tác hòa giải, đối thoại mà Tòa án nhân dân hai cấp thành phố Hà Nội đã đạt được trong thời gian trước đó. Việc ra đời của Luật Hòa giải, đối thoại đã tạo nên một chương mới trong giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn, góp phần thực hiện khối đại đoàn kết toàn dân, hàn gắn mối rạn nứt trong xã hội.

Ông Nguyễn Hòa Bình yêu cầu Tòa án nhân dân hai cấp thành phố Hà Nội coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng như công tác xét xử, là một giải pháp thay thế việc xét xử. Đồng thời, các hòa giải viên cần nâng cao hiểu biết pháp luật, trau dồi kinh nghiệm, kỹ năng thuyết phục và đặc biệt phải có tấm lòng nhân ái, đánh thức được trái tim của các đương sự trong từng vụ việc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục