Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh hợp tác phát triển kinh tế-xã hội

Lãnh đạo 3 tỉnh thành khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác toàn diện hơn nữa, chặt chẽ hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trong tất cả các lĩnh vực để tạo ra chuỗi các đô thị lớn, hạ tầng giao thông thông suốt...
Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh hợp tác phát triển kinh tế-xã hội ảnh 1Lãnh đạo tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng ký kết hợp tác giai đoạn 2022-2025. (Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN)

Ngày 13/3, tại thành phố Chí Linh (Hải Dương), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương, Quảng Ninh và Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã tổ chức hội nghị hợp tác phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng hệ thống chính trị giữa 3 địa phương giai đoạn 2022-2025.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký và Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang đều khẳng định, 3 tỉnh, thành đều có những điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa và kinh tế-xã hội nên việc thúc đẩy hợp tác, liên kết vùng sẽ tạo được những đột phá thúc đẩy phát triển của mỗi tỉnh, thành nói riêng và cả khu vực nói chung.

Lãnh đạo 3 tỉnh, thành cũng nêu rõ, trong suốt 2 năm qua, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh đều phải chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 nhưng nhờ những nỗ lực trong điều hành của cấp ủy, chính quyền, sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp, các tỉnh, thành vẫn giữ vững được tốc độ tăng trưởng đứng trong tốp 10 của cả nước.

Trong thời gian tới, lãnh đạo 3 tỉnh khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác toàn diện hơn nữa, chặt chẽ hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trong tất cả các lĩnh vực để tạo ra chuỗi các đô thị lớn, hạ tầng giao thông thông suốt và đặc biệt là hợp tác đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Hồ sơ khoa học “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận di sản thế giới.”

Trước đó, lãnh đạo các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Quảng Ninh thống nhất đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam sửa đổi, bổ sung tên Hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương) là Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Côn Sơn, Kiếp Bạc cho phù hợp với vị trí địa lý, tên gọi theo địa danh của hồ sơ.

Khẳng định các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của nhà Trần và Phật giáo Trúc Lâm Tam Tổ để chứng minh các giá trị nổi bật, đặc sắc của địa phương tham gia đề cử đáp ứng các tiêu chí đề nghị UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Ba tỉnh, thành Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh tiếp tục phối hợp, trao đổi thông tin, hỗ trợ nâng cao năng lực xét nghiệm, điều trị phòng, chống dịch COVID-19. Các tỉnh cũng tiếp tục đẩy nhanh tốc độ phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết vùng và nội vùng.

Các tỉnh thống nhất báo cáo Bộ Giao thông Vận tải chuyển giao chức năng quản lý cảng, bến thủy nội địa hai bên sông về các địa phương để quản lý theo phân cấp; nạo vét các tuyến sông; quy hoạch chi tiết các cảng bến dọc hai bên sông đảm bảo đồng bộ, liên thông.

Các tỉnh, thành cũng kiến nghị với Trung ương sớm hoàn chỉnh sự án đường sắt Yên Viên-Phả Lại-Hạ Long-Cái Lân với tuyến duyên hải Quảng Ninh-Hải Phòng-Thái Bình-Ninh Bình; khôi phục tuyến đường sắt Kép-Hạ Long và đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng.

Về đường bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương thống nhất với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh hợp tác xây dựng 2 dự án gồm: tuyến kết nối quốc lộ 18 và đường ven sông Đông Triều-Quảng Yên (Quảng Ninh) với đường ôtô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng tại huyện Thanh Hà (Hải Dương) và dự án xây dựng đoạn nối quốc lộ 18 đến đường ven sông Đông Triều-Quảng Yên với tổng trị giá các dự án là hơn 4.500 tỷ đồng.

[Hải Dương thúc đẩy chuyển đổi số hiệu quả để tạo cơ hội phát triển]

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương cũng thống nhất với Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng xây dựng 3 dự án gồm: Xây dựng cầu vượt sông Phi Liệt và dường dẫn nối quốc lộ 17B, thị xã Kinh Môn (Hải Dương) với đường tỉnh 352, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng; Xây dựng tuyến nối quốc lộ 5, trục Đông Tây, huyện Kim Thành (Hải Dương) với quốc lộ 10 qua khu công nghiệp Trang Duệ mở rộng (Hải Phòng) và xây dựng đoạn tuyến nối từ quốc lộ 17B đến cầu Dinh với tổng kinh phí các dự án là trên 2.300 tỷ đồng.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh cũng thống nhất với Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng xây dựng các tuyến kết nối giữa 2 địa phương gồm: Dự án đầu tư xây dựng cầu Lại Xuân kết nối đường tỉnh 352 huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) với đường tỉnh 333, thị xã Đông Triều (Quảng Ninh); dự án cầu Bến Rừng kết nối huyện Thủy Nguyên và thị xã Quảng Yên; dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 10 từ nút giao quốc lộ 18 (Quảng Ninh) đến chân cầu vượt Quán Toan (Hải Phòng); dự án đường ven sông tốc độ cao kết nối từ cao tốc Hạ Long-Hải Phòng đến thị xã Đông Triều và dự án cầu kết nối thành phố Uông Bí với huyện Thủy Nguyên.

Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh hợp tác phát triển kinh tế-xã hội ảnh 2Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh tặng quà lưu niệm cho lãnh đạo tỉnh Hải Dương và Hải Phòng. (Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN)

Trong thời gian tới, 3 tỉnh, thành tiếp tục tăng cường liên kết ngành công thương. Phối hợp thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và liên kết thu hút phát triển công nghiệp; đẩy mạnh hợp tác giữa Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải và Khu kinh tế ven biển Quảng Yên; ủng hộ và phối hợp chặt chẽ với tỉnh Hải Dương để sớm thành lập Khu kinh tế chuyên biệt.

Các tỉnh, thành cũng tăng cường hợp tác, xúc tiến thương mại để quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm địa phương. Khai thác tối đa hạ tầng thương mại, dịch vụ; tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu qua các cửa khẩu quốc tế; tiếp tục hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy hợp tác đầu tư phát triển dịch vụ logistics; tạo liên kết chuỗi giữa các trung tâm Logictics.

Các tỉnh, thành còn phối hợp tổ chức các hội chợ triển lãm cấp tỉnh, cấp vùng; thiết lập sàn thương mại điện tử cho hàng nông sản; tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh, thương hiệu sản phẩm nông sản của địa phương.

Cả 3 tỉnh, thành cũng phối hợp phát triển liên kết sản xuất nông lâm sản, thủy sản theo chuỗi giá trị; xúc tiến để các doanh nghiệp chế biến nông sản, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Hải Phòng, Quảng Ninh đầu tư xây dựng nhà máy tại Hải Dương, thu mua nguyên liệu từ Hải Dương; phối hợp nâng cấp các tuyến đê đi qua Hải Dương, Hải Phòng thành những tuyến đường giao thông.

Các tỉnh, thành tiếp tục quản lý tốt về môi trường, thoát lũ... các dòng sông chung; tu bổ, quản lý, vận hành hệ thống An Kim Hải...; tiếp tục khai thác, phát triển các tuyến du lịch liên tỉnh; mở các tuyến tàu du lịch để phát triển sản phẩm du lịch theo tuyến đường sông; tăng cường liên kết quảng bá xúc tiến du lịch và hợp tác trong nghiên cứu, phát triển thị trường; liên kết đào tào nguồn nhân lực du lịch...

Trong thời gian tới, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh tiếp tục hợp tác thúc đẩy cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư và thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; hợp tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số; hợp toàn diện trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, đảm bảo an ninh, an toàn trật tự xã hội.

Thời gian qua, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh đã tích cực chỉ đạo, triển khai các nội dung về hợp tác và phát triển; thống nhất ban hành các chương trình, kế hoạch, quy chế phối hợp; chủ động, tích cực triển khai liên kết hợp tác trên các lĩnh vực, đã đạt được những kết quả có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh...

Đặc biệt, cả 3 địa phương đã hợp tác đầu tư, hoàn thành nhiều dự án, công trình hạ tầng giao thông như: Cầu Triều, cầu Mây và đường dẫn nối quốc lộ 18 (Quảng Ninh) với quốc lộ 5 (Hải Dương); tuyến kết nối mới từ quốc lộ 18 với quốc lộ 37 nối đường 184, thành phố Chí Linh (Hải Dương) và cầu Đông Mai đến quốc lộ 18, thị xã Đông Triều (Quảng Ninh); cầu Dinh (thay thế cho đò Dinh) và đường dẫn kết nối đường trục thị xã Kinh Môn (Hải Dương) với đường tỉnh 352, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng); cầu Quang Thanh và tuyến kết nối đường 390, huyện Thanh Hà (Hải Dương) vượt sông Thái Bình nối quốc lộ 10, huyện An Lão ( Hải Phòng).../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục