Hải Dương: Trên 34 tỷ đồng hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản

Việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giúp nâng cao lợi ích của các bên tham gia, đặc biệt đối với nông dân, hạn chế tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, tăng quy mô sản xuất hàng hóa.
Hải Dương: Trên 34 tỷ đồng hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản ảnh 1Ông Phạm Quang Hưng, Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách Hội đồng Nhân dân tỉnh Hải Dương phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN)

Năm 2020, tỉnh Hải Dương dự kiến sẽ dành trên 34 tỷ đồng để hỗ trợ liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.

Trong số đó, tỉnh dành 24 tỷ đồng hỗ trợ 30% kinh phí xây dựng hạ tầng phục vụ liên kết; 3 tỷ đồng hỗ trợ 40% tổng kinh phí thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ cao.

Số tiền còn lại tập trung hỗ trợ chi phí chứng nhận cơ sở sản xuất thực phẩm an toàn, cơ sở an toàn dịch bệnh, kinh phí đào tạo nghề, hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm thông qua các dịch vụ tập trung của Hợp tác xã nông nghiệp.

Chiều 27/11, Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương đã làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương về việc ban hành quy định chính sách hỗ trợ liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.

Tại buổi làm việc, ông Phạm Quang Hưng, Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách Hội đồng Nhân dân tỉnh Hải Dương cho biết Hải Dương là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp với nhiều vùng sản xuất lúa, rau màu tập trung, chuyên canh có giá trị kinh tế cao.

Việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp. Ngoài ra, việc liên kết giúp nâng cao lợi ích của các bên tham gia, đặc biệt đối với nông dân, hạn chế tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, tăng quy mô sản xuất hàng hóa.

Việc liên kết cho phép áp dụng các quy trình sản xuất phù hợp, hiện đại, đảm bảo chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, nâng cao năng lực quản lý, điều hành và tổ chức sản xuất theo hợp đồng nhằm tránh tình trạng "được mùa mất giá."

[Hải Dương thúc đẩy chế biến, tiêu thụ các mặt hàng nông sản]

Ngoài ra, liên kết còn giúp doanh nghiệp chủ động nguồn nguyên liệu, tạo điều kiện ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Ông Hưng cũng đề nghị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát lại mức hỗ trợ và kinh phí để khi thực hiện có thể thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản gắn với xây dựng thương hiệu hàng hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường.

Theo ông Vũ Việt Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, để thúc đẩy liên kết phát triển gắn với tập trung đất đai nhằm xây dựng cánh đồng mẫu lớn, Hải Dương đã có đề án "Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020."

Sau 3 năm triển khai, Hải Dương đã hỗ trợ trên 31 tỷ đồng, với quy mô 10.213ha. Trong số đó, tỉnh xây dựng được 214 vùng lúa hàng hóa tập trung với quy mô tối thiểu 30ha/vùng, tổng diện tích 7.353ha; 93 vùng sản xuất rau màu vụ đông, quy mô tối thiểu 5ha/vùng, tổng diện tích 1.170ha; 40 vùng sản xuất rau chuyên canh, quy mô tối thiểu 5ha/vùng, tổng diện tích 633ha; 37 vùng sản xuất trái cây, quy mô tối thiểu 10ha/vùng, tổng diện tích 491ha; 44 mô hình trái cây, rau màu sản xuất theo quy trình VietGap, quy mô tối thiểu 5ha/vùng, tổng diện tích 566ha.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Việt Anh, việc thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bộc lộ nhiều bất cập như các chính sách chỉ tập trung vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, trong đó chủ yếu là trồng trọt, chưa có quy định cụ thể khâu tham gia liên kết, đặc biệt là chế biến.

Điền kiện hỗ trợ cao, định mức hỗ trợ thấp, thủ tục rườm rà, khó tiếp cận nguồn vốn. Diện tích canh thác tham gia vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn thấp.

Số nông dân tham gia liên kết chưa cao; hợp đồng tiêu thụ giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân ký kết chưa chặt chẽ, còn tình trạng phá vỡ hợp đồng; tỷ lệ bao tiêu sản phẩm qua hợp đồng liên kết thấp.

Bên cạnh đó, hiện nay, việc thực hiện liên kết của các doanh nghiệp, hợp tác xã còn lúng túng nhất là trong khâu lập dự án. Vai trò cầu nối của hợp tác xã trong liên kết còn yếu.

Công tác quản lý, giám sát, đánh giá thực hiện dự án của các cơ quan quản lý nhà nước còn chưa chặt chẽ. Chế tài xử lý các tranh chấp hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chưa đủ mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục