Hải Phòng xử lý hơn 2.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại

Hơn 2.040 vụ buôn lậu, gian lận thương mại đã bị Cục Hải quan Hải Phòng phát hiện, xử lý trong hơn 3 tháng đầu năm nay, tăng 86% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hải Phòng xử lý hơn 2.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại ảnh 1Hải quan Hải Phòng sử dụng máy soi container để kiểm tra, phát hiện hàng lậu. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Hơn 2.040 vụ buôn lậu, gian lận thương mại đã bị Cục Hải quan Hải Phòng phát hiện, xử lý trong hơn 3 tháng đầu năm nay, tăng 86% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong số đó, chủ yếu là các vụ việc vi phạm hành chính về thủ tục hải quan (khai và nộp hồ sơ không đúng thời hạn, không có giấy phép, không đủ điều kiện…).

Điển hình là vụ phát hiện 1.840 bộ vành xe máy mang nhãn hiệu Honda và Yamaha, Trung Quốc sản xuất do Công ty Trách nhiệm hữu hạn phát triển và đầu tư Việt-Mỹ, địa chỉ khu đô thị mới Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội khai báo, làm thủ tục hải quan (tháng 1/2015).

Kết quả giám định của Cục Sở hữu trí tuệ, các sản phẩm trên là hàng giả nhãn hiệu của Công ty Honda, xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu của Công ty Yamaha Nhật Bản.

Cũng trong tháng Một năm nay, Hải quan Hải Phòng phát hiện hai container chứa bếp hỗn hợp từ và điện các loại, mới 100%, xuất xứ Trung Quốc do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Romal Việt Nam làm thủ tục hải quan nhưng trên sản phẩm có in "Made in Italya."

Lô hàng này có dấu hiệu giả mạo xuất xứ của các nước châu Âu nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Cục Cảnh sát kinh tế thuộc Bộ Công an đã có công văn đề nghị Cục Hải quan Hải Phòng phối hợp xử lý vụ việc.

Trước đó, hơn 1.732kg ngà voi giấu trong bao găng tay cao su chứa trong một container làm thủ tục hải quan theo loại hình tạm nhập tái xuất do Công ty cổ phần Huy Tuấn, phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh khai báo làm thủ tục cũng đã bị lực lượng hải quan phát hiện, xử lý theo quy định của pháp luật…

Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng Nguyễn Sỹ Tráng cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay trong phát hiện, xử lý vi phạm là địa bàn quản lý rộng, khối lượng công việc lớn, mỗi năm có hàng vạn lượt tầu ra vào, hàng chục triệu container hàng hóa được vận chuyển đến cảng từ nhiều quốc gia trên thế giới, đa dạng về chủng loại, phương thức kinh doanh, được đóng kín trong các container do nhiều hãng tàu, đại lý thực hiện, trong khi việc lợi dụng những bất cập, kẽ hở trong chính sách, chế độ ưu đãi để vi phạm vẫn phát sinh nhiều, thủ đoạn ngày một tinh vi nhằm trốn tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng.

Ông cho biết thêm, phương tiện, trang thiết bị chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ công tác điều tra chống buôn lậu. Lượng hàng hóa qua cảng Hải Phòng rất lớn nhưng Cục Hải quan chỉ được trang bị hai máy soi; phương tiện chống buôn lậu trên biển yếu kém và quá cũ.

Khó khăn nữa là thẩm quyền của cơ quan hải quan trong điều tra chống buôn lậu, gian lận thương mại còn hạn chế (cơ quan hải quan chỉ được khởi tố điều tra đối với tội danh quy định tại điều 153, 154 Bộ luật hình sự về buôn lậu trái phép).

Nhiều vụ việc không xác định được đối tượng vi phạm để xử lý do người gửi hàng ở nước ngoài, doanh nghiệp đứng tên nhận hàng từ chối nhận hàng do không giao dịch, ký kết hợp đồng, người vận tải theo điều 88 Luật hàng hải không chịu trách nhiệm về nội dung hàng hóa.

Việc xác định giá trị hàng hóa vi phạm để làm căn cứ xử lý vi phạm trong nhiều trường hợp rất khó khăn, nhất là đối với các hàng hóa thuộc Công ước Cites, dẫn đến kéo dài thời gian điều tra.

Ông Phạm Sỹ Tráng chia sẻ thêm, để ngăn chặn tình trạng lợi dụng sự thông thoáng của chính sách để thực hiện hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới gây thất thu ngân sách nhà nước, Cục Hải quan Hải Phòng đề nghị các bộ, ngành liên quan cần có cơ chế thường xuyên phân loại, đánh giá doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, chỉ cho phép các doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật hải quan, pháp luật về thuế mới được kinh doanh tạm nhập tái xuất.

Mặt khác, cơ quan có thẩm quyền thường xuyên rà soát, ban hành bổ sung Danh mục hàng cấm hoặc hạn chế kinh doanh tạm nhập tái xuất phù hợp với từng thời kỳ; giới hạn một số mặt hàng nhạy cảm, hàng có thuế suất cao, hàng có nguy cơ rủi ro về vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục