Hàng không rơi vào cảnh ''sớm nở tối tàn'' vì đại dịch COVID-19

Các hãng hàng không cần đến các chính sách, cơ chế ưu đãi, hỗ trợ về tài chính để bổ sung nguồn vốn thiếu, vốn mất đi trong quá trình dịch bệnh COVID-19 để sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Hàng không vừa le lói sau khi dịch bệnh COVID-19 kiểm soát lại tiếp tục vấp phải khó khăn trước mắt với làn sóng dịch lần 2. (Ảnh: Vietnam+)
Hàng không vừa le lói sau khi dịch bệnh COVID-19 kiểm soát lại tiếp tục vấp phải khó khăn trước mắt với làn sóng dịch lần 2. (Ảnh: Vietnam+)

Do dịch COVID-19 có chiều hướng diễn biến phức tạp, các hãng hàng không lại tiếp tục đối mặt với khó khăn khi nhiều người dân với tâm lý lo ngại đã hủy hoặc dời lịch bay sang những tháng sau khiến mùa cao điểm Hè nhanh chóng kết thúc sớm so với những năm trước đó.

Khách e ngại bay, cao điểm sớm kết thúc

Sau khi dịch bùng phát tại Đà Nẵng và có dấu hiệu lan ra một số tỉnh thành, kể từ thời điểm dừng các chuyến bay đi, đến tại Đà Nẵng từ ngày 28/7, cùng với việc giảm mạnh số chuyến bay khai thác trong ngày, lượng khách đi máy bay cũng giảm đột ngột đi các địa phương khác do e ngại sợ dịch.

Số liệu thống kê trong những ngày qua cho thấy, so với trước khi dịch bùng phát trở lại, số chuyến bay khai thác nói chung đã giảm khoảng 12%, lượng khách giảm khoảng hơn 30%.

Trên các chặng bay nội địa khác, đặc biệt là các chặng bay đến các điểm du lịch nổi tiếng như Nha Trang, Phú Quốc, Quy Nhơn… dù vẫn được khai thác bình thường và đang là mùa cao điểm nhưng vé còn rất nhiều, dù giá rất rẻ, chưa đến 2 triệu đồng cho một vé khứ hồi. Thậm chí nếu chấp nhận đi vào các khung giờ muộn trong ngày, giá vé còn thấp hơn nữa.

Đánh giá sau khi Việt Nam khống chế thành công giai đoạn dịch bệnh COVID-19 vào tháng Tư, theo ông Nguyễn Khắc Hải, Phó Tổng giám đốc Bamboo Airways, hãng đã nhanh chóng khôi phục 100% mạng đường bay nội địa, ghi nhận tỷ lệ lấp đầy ngang bằng, thậm chí ở một số đường có thời điểm trong tháng 6-7 còn cao hơn giai đoạn trước Tết Nguyên Đán, đạt mức trung bình trên 80% đối với các đường trục chính và trục lẻ.

[Thời kỳ khó khăn nhất trong lịch sử của ngành hàng không Việt]

“Không may, giai đoạn cuối tháng Bảy phát sinh diễn biến dịch bệnh phức tạp mới tại một số địa phương trọng điểm về du lịch như Đà Nẵng, Quảng Nam... Trước tình hình mới, Bộ Giao thông Vận tải đã ra chỉ thị ngừng toàn bộ chuyến bay đi/đến Đà Nẵng từ 28/7 tới giữa tháng Tám để phòng chống lây lan,” ông Hải cho hay.

Bên cạnh việc tập trung triển khai các giải pháp ứng phó với diễn biến phức tạp của làn sóng dịch bệnh lần thứ 2, Bamboo Airways cũng đang tiến hành thống kê, đánh giá ảnh hưởng tiềm tàng đối với hoạt động của hãng, từ đó chuẩn bị các kịch bản, phương án phục hồi khai thác ngay khi điều kiện cho phép.

Sau lệnh dừng bay, Bamboo Airways và các hãng hàng không đều ghi nhận và xử lý nhiều trường hợp có nhu cầu hoàn, huỷ vé, chưa tính vé đã được hành khách đặt mua và sắp bay trong tháng Tám.

Để đảm bảo tối qua quyền lợi cho hành khách, các hãng hàng không đang thực hiện chính sách hỗ trợ toàn diện với khách bay Đà Nẵng cũng như các đường bay nội địa khác như hoàn vé miễn phí với vé đến/đi Đà Nẵng, miễn phí thay đổi giờ bay/hành trình bay không giới hạn,…

Đại diện các hãng hàng không cho rằng, trước đây dự báo cao điểm Hè sẽ bắt đầu từ tháng Bảy, dự kiến kéo dài đến khoảng ngày 5/9 sau khi học sinh đi học trở lại. Tuy nhiên, dịch bùng phát tại Đà Nẵng và diễn biến rất nhanh, không chỉ khu vực miền Trung đã khiến khách hoãn, hủy vé, tour du lịch đồng nghĩa với cao điểm Hè đã kết thúc sớm hơn rất nhiều so với dự kiến.

Cần hỗ trợ, ưu đãi về tài chính

Hiện tại, trước làn sóng dịch bệnh lần thứ 2 diễn biến phức tạp, đột ngột và có nguy cơ ảnh hưởng mạnh đến kết quả kinh doanh của toàn ngành hàng không, Bamboo Airways đã có kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan đưa ra những giải pháp, cơ chế phù hợp, điều chỉnh về giá dịch vụ các hoạt động hàng không như dịch vụ cất, hạ cánh tàu bay, dịch vụ điều hành bay…

“Trong dài hạn, các doanh nghiệp tư nhân cần đến các chính sách, cơ chế ưu đãi, hỗ trợ về tài chính để bổ sung nguồn vốn thiếu, vốn mất đi trong quá trình dịch bệnh để đẩy nhanh tốc độ khôi phục sản xuất, kinh doanh,…” ông Hải nói.

Về vấn đề cơ sở hạ tầng, để tối đa hóa hiệu quả khai thác nội địa cũng như đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, vị Phó Tổng giám đốc Bamboo Airways mong muốn tiến độ sửa chữa, nâng cấp đường cất hạ cánh sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất; tiến độ triển khai dự án Sân bay Long Thành, dự án Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được đẩy nhanh.

[Doanh nghiệp vận tải kiến nghị giảm gánh nặng vì dịch COVID-19]

Về mặt truyền thông quảng bá, Bamboo Airways cũng kỳ vọng các hoạt động du lịch nội địa sẽ được tuyên truyền với nhấn mạnh vào vấn đề an toàn sức khỏe nhiều hơn nữa thông qua Chính phủ, các cơ quan chức năng, các tỉnh thành, để nhu cầu đi lại sớm hồi phục và được kích thích, mang lại nguồn thu từ nội địa - thị trường khách duy nhất hiện đang khai thác của ngành hàng không.

Lãnh đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã miễn, giảm giá nhiều dịch vụ hàng không cho tất cả các hãng đang sử dụng dịch vụ tại các Cảng hàng không của doanh nghiệp. Theo đó, có 7 loại dịch vụ thuộc thẩm quyền được ACV miễn, giảm giá từ 10-50%.

Hàng không rơi vào cảnh ''sớm nở tối tàn'' vì đại dịch COVID-19 ảnh 1Ngành hàng không kiến nghị Nhà nước điều chỉnh về giá dịch vụ các hoạt động hàng không như dịch vụ cất, hạ cánh, dịch vụ điều hành bay… để giảm khó khăn do dịch COVID-19. (Ảnh: Vietnam+)

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Cục Hàng không Việt Nam cũng đề xuất Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Chính phủ xem xét, có các biện pháp hỗ trợ về lãi suất vay vốn đối với các hãng hàng không Việt Nam.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Tổ trưởng tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng hàng không là ngành được Chính phủ tập trung xử lý hỗ trợ nhiều nhất khi mới đây Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 1/8-31/12/2020.

Trước đó, Bộ Tài chính cũng đã điều chỉnh giảm 10% mức thu, nộp phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không sân bay; giảm 20% mức phí đăng ký giao dịch bảo đảm đối với máy bay và phí thẩm định cấp chứng chỉ, giấy phép...

“Các chính sách hỗ trợ trên không thể giúp hàng không phát triển nhưng ít nhất cũng có thể tạo ra dòng tiền để đảm bảo tính thanh khoản trong các hoạt động tài chính của mình. Chính phủ đã có những kịch bản ứng phó với từng giai đoạn dịch bệnh, ngay cả trong tình huống xấu nhất xảy ra,” ông Kiên khẳng định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục