'Hiệu ứng domino' từ căng thẳng Nga-Ukraine đối với thị trường dầu mỏ

Nguy cơ nguồn cung năng lượng bị xáo trộn trong cuộc xung đột tiềm tàng giữa Nga và Ukraine, sẽ ảnh hưởng tới nhiều khu vực, thậm chí trong kịch bản tồi tệ nhất có thể gây ra một đợt suy thoái mới.
'Hiệu ứng domino' từ căng thẳng Nga-Ukraine đối với thị trường dầu mỏ ảnh 1Các bể chứa dầu tại Carson, bang California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine đã đẩy giá dầu mỏ thế giới tăng mạnh tuần qua, bên cạnh nhu cầu tiêu thụ “vàng đen” toàn cầu đang phục hồi nhanh hơn dự kiến, trong khi nguồn cung gặp khó khăn để theo kịp.

Các nhà phân tích lưu ý rằng nếu nguồn cung năng lượng bị xáo trộn trong cuộc xung đột tiềm tàng giữa Nga và Ukraine, tác động từ sự gián đoạn nguồn cung dầu mỏ và khí đốt tự nhiên sẽ ảnh hưởng tới nhiều khu vực trên thế giới, thậm chí trong kịch bản tồi tệ nhất có thể gây ra một đợt suy thoái mới.

“Hiệu ứng domino”

Trong những phiên giao dịch gần đây, các nhà đầu tư đã đặt cược rất lớn vào khả năng giá dầu tiến tới ngưỡng 100 USD/thùng trên thị trường kỳ hạn.

Giới đầu cơ dầu mỏ thậm chí còn đẩy mạnh hoạt động mua vào, khiến các hợp đồng dầu tương lai có thời điểm vượt ngưỡng 95 USD/thùng, đánh dấu mức cao kỷ lục của 8 năm qua.

[Giá dầu trên thị trường thế giới tăng tuần thứ tám liên tiếp]

Nguyên nhân tức thì ảnh hưởng tới tâm lý của thị trường là nguy cơ xung đột leo thang giữa Moskva và Kiev, cho dù phía Nga luôn bác bỏ kế hoạch triển khai hành động quân sự.

Nga là một trong những siêu cường năng lượng và là nhà sản xuất dầu mỏ, khí đốt và than đá có vai trò quan trọng hàng đầu thế giới.

Đặc biệt, châu Âu phụ thuộc rất lớn vào nguồn khí đốt xuất khẩu của Nga, và do đó đây được coi là “quân bài” chiến lược nếu Nga muốn trả đũa bất kỳ lệnh trừng phạt nào của phương Tây trong cuộc khủng hoảng với Ukraine.

Căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine thực tế chính là “hiệu ứng domino” trên thị trường năng lượng, khi dầu mỏ đang bước vào chu kỳ tăng giá do nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu phục hồi.

Kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng trở lại giai đoạn hậu dịch COVID-19, hoạt động đi lại của người dân dần bình thường hóa và tất nhiên kéo theo nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ tăng.

Trong khi đó, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất dầu liên minh (còn gọi là nhóm OPEC+) hiện vẫn duy trì hạn ngạch sản xuất.

Bản thân Nga cũng đóng vai trò mang tính chủ chốt và có tiếng nói quan trọng trong nhóm OPEC+.

Liên minh này đang kiểm soát nguồn cung dầu mỏ một cách “thận trọng” bất chấp nhu cầu toàn cầu thay đổi và sức ép yêu cầu tăng sản lượng từ Mỹ.

Giữa bối cảnh đó, chuyên gia phân tích Rebecca Babin tại CIBC Private Wealth cho rằng thị trường lo ngại về khả năng Nga tấn công Ukraine suốt nhiều tuần qua, song hầu hết tin rằng nó sẽ không xảy ra hoặc ít nhất là sau Thế vận hội Olympic Mùa đông.

Điểm mấu chốt đối với giá dầu thô nằm ở việc Mỹ và các đồng minh có trừng phạt Nga hay không. Đó là điều cuối cùng sẽ xác định nguồn cung dầu thô bị ảnh hưởng như thế nào.

Vấn đề khó xác định giải pháp

Việc giá “vàng đen” tăng nhanh dựa trên những đồn đoán, cho thấy mức độ chặt chẽ của các nguyên tắc cơ bản trên thị trường dầu mỏ hiện tại.

Nhu cầu ngày càng tăng cùng với lượng hàng tồn kho thấp và nguồn cung mới hạn chế đang làm dấy lên tâm lý bất an trên thị trường.

Cũng có quan điểm cho rằng Mỹ và phương Tây đứng trước quyết định khó khăn nếu áp đặt trừng phạt Moskva.

Trong kịch bản Washington trừng phạt xuất khẩu dầu mỏ của Nga giống như cách đã làm với Iran thì đây sẽ là đòn giáng mạnh vào nguồn thu của Nga. Bởi lẽ xuất khẩu dầu chiếm tới 60% tổng kim ngạch xuất khẩu và 30% giá trị Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga.

Tuy nhiên, đây là con dao hai lưỡi khi giá dầu và khí đốt tự nhiên hiện đã quá cao ở Mỹ và châu Âu, nên khả năng trừng phạt xuất khẩu dầu của Nga rồi nguồn cung bị kiềm chế thêm sẽ khiến thị trường năng lượng càng trở nên mất kiểm soát.

Hệ quả xa hơn, người tiêu dùng sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho hóa đơn năng lượng và điện, đồng thời giá phân bón và giá lương thực cũng sẽ chạm tới các mức cao kỷ lục và làm gia tăng áp lực lạm phát.

'Hiệu ứng domino' từ căng thẳng Nga-Ukraine đối với thị trường dầu mỏ ảnh 2Các bể chứa khí đốt tại Grain, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tại châu Âu, mối đe dọa về nguy cơ leo thang quân sự ở Ukraine đang tác động lớn đối với thị trường khí đốt.

Khả năng Nga chủ ‎đích cắt giảm xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt sang châu Âu là không cao, bởi điều này cũng không có lợi trên phương diện tài chính đối với Moskva.

Nga hiện cung cấp cho châu Âu hơn 1/3 nhu cầu khí đốt tự nhiên hàng năm và xuất khẩu khoảng 2 triệu thùng/ngày (gồm cả dầu thô và chế phẩm dầu mỏ) sang các quốc gia châu Âu.

Ngoài ra, báo cáo của Ngân hàng đầu tư JPMorgan cho thấy, khoảng 70% khí đốt của Nga được vận chuyển tới châu Âu bằng đường ống và khu vực này phụ thuộc rất nhiều vào việc vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine.

Thậm chí, theo dự đoán của ông Natasha Kaneva, người phụ trách chiến lược hàng hóa toàn cầu của JPMorgan, giá dầu có thể dễ dàng tăng lên đến 120 USD/thùng, nếu hoạt động xuất khẩu dầu của Nga bị gián đoạn bởi tình hình căng thẳng với Ukraine, trong bối cảnh năng lực sản xuất dư thừa ở các khu vực khác đều đang ở mức thấp.

Tình hình Ukraine đã làm nổi bật sự phụ thuộc của “lục địa già” vào nguồn khí đốt tự nhiên của Nga, cũng như những nỗ lực của châu Âu trong vài tuần qua để đảm bảo các lựa chọn thay thế trong trường hợp bị cắt nguồn cung.

Dù đã cố gắng, song châu Âu cũng không thể tìm được nhà thay thế ngay lập tức. Nếu tất cả các dòng khí ngừng hoạt động, kho chứa khí đốt hiện có của châu Âu sẽ cạn kiệt sau 6 tuần. Vì vậy, bất kỳ sự gián đoạn tiềm tàng nào đối với các đường ống có thể dẫn đến sự hỗn loạn năng lượng ở châu Âu và lan ra thị trường khí đốt và điện năng toàn cầu.

Khó có thể biết chính xác thời điểm giá dầu đạt đỉnh nếu căng thẳng Nga-Ukraine không sớm “hạ nhiệt,” và cho đến lúc đó loại hàng hóa này vẫn tiềm ẩn sự biến động mạnh mẽ, giống như những đợt tăng giá đột biến vừa qua.

Bất chấp các nỗ lực chuyển đổi cán cân năng lượng, thế giới hiện vẫn phụ thuộc lớn vào nhiên liệu hóa thạch về trung hạn.

Trong bối cảnh nguồn cung dầu mỏ bị giới hạn, việc xử lý cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine mà không gây ra áp lực đối với các thị trường hàng hóa toàn cầu, đặc biệt là dầu thô và khí đốt, sẽ là thách thức lớn đối với Nga và phương Tây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục