Hoạt động thương mại của châu Á đứng trước ngã rẽ quyết định

Viện Chính sách Asia Society nhấn mạnh trong lúc triển vọng TPP đang bấp bênh do sự rút lui của Mỹ trong khi các cuộc đàm phán RCEP chưa được hoàn tất, châu Á cần phải khẩn trương hành động.
Hoạt động thương mại của châu Á đứng trước ngã rẽ quyết định ảnh 1Các quan chức cấp cao từ 16 quốc gia châu Á-TBD tham dự vòng đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực tại Kobe, Nhật Bản ngày 27/2. (Nguồn: Kyodo/TTXVN)

Viện Chính sách Asia Society (APSI) có trụ sở tại New York (Mỹ) ngày 7/3 đã công bố một báo cáo mới, trong đó cảnh báo hoạt động thương mại của châu Á đang đứng trước ngã rẽ có tính quyết định.

Báo cáo nhấn mạnh rằng trong lúc triển vọng của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang đầy bấp bênh do sự rút lui của Mỹ, còn các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Khu vực Toàn diện (RCEP) chưa được hoàn tất, các quốc gia cần phải khẩn trương hành động.

Người phụ trách ủy ban soạn thảo báo cáo trên, bà Wendy Cutler, Phó Chủ tịch ASPI và nguyên là quyền Phó Đại diện Thương mại Mỹ cho biết: "Hoạt động thương mại đang gặp nguy hiểm. Trao đổi thương mại toàn cầu đang chậm lại trong khi làn sóng phản đối toàn cầu hóa ngày càng dâng cao. Tuy nhiên, thương mại có thể trở thành nhân tố đem lại lợi ích thông qua việc thúc đẩy những cuộc cải cách nội địa vô cùng cần thiết để hiện đại hóa và mở cửa các nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, làm tăng thu nhập, và giảm bớt đói nghèo".

Theo báo cáo trên, bất chấp những ý kiến hoài nghi xuất hiện ngày một nhiều, các hiệp định thương mại khu vực vẫn là con đường tốt nhất dẫn tới tự do hóa thương mại, nâng các tiêu chuẩn và thúc đẩy các cuộc cải cách rộng rãi tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Các hiệp định như vậy cho phép các quốc gia cùng một lúc khai thác một số thị trường và phát huy hết công suất của các công ty, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).

Trong bối cảnh tăng trưởng và hoạt động thương mại toàn cầu đang chậm lại, các thành viên của ủy ban đang hối thúc các nhà hoạch định chính sách khẩn trương hành động.

Cụ thể, các tác giả của báo cáo đưa ra 5 kiến nghị chủ chốt bao gồm:

Thứ nhất, tất cả các hiệp định, kể cả các thỏa thuận song phương, đều phải có tính toàn diện, bao gồm những tiêu chuẩn cao, phù hợp với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và đưa ra những điều khoản rõ ràng về việc kết nạp thành viên nhằm khuyến khích sự hòa nhập rộng hơn của khu vực.

Thứ hai, các nhà hoạch định chính sách tại châu Á nên tiếp tục thúc đẩy những tiêu chuẩn cao của TPP bằng cách hối thúc Mỹ xem xét lại việc rút lui; khuyến khích các quốc gia thực thi những tiêu chuẩn cao thông qua các cuộc cải cách đơn phương, bên cạnh việc khiến TPP có hiệu lực mà không cần sự tham gia của Mỹ.

Thứ ba, các nước thành viên cần nỗ lực hết sức để nâng các tiêu chuẩn của RCEP và tránh áp dụng cách tiếp cận có mẫu số chung thấp nhất.

Thứ tư, các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương nên theo đuổi những cơ hội thuận lợi cho sự tự do hóa thương mại, như trợ giúp các quốc gia đang phát triển nâng các tiêu chuẩn, hối thúc các tổ chức thương mại đa phương như Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) chú trọng đến các vấn đề thương mại đang nổi lên, và thăm dò một hiệp định dành riêng cho các SME.

Thứ năm, các nhà hoạch định chính sách phải tái gây dựng sự ủng hộ đối với thương mại bằng cách tuyên truyền về những lợi ích của hoạt động này, chủ động đề ra những chính sách nội địa thỏa đáng và tận dụng các tổ chức đa phương để phát triển những tập quán có lợi cho thương mại và tự do hóa.

Trên trang đầu tiên của báo cáo nêu trên, ông Kevin Rudd, Chủ tịch ASPI và nguyên Thủ tướng Australia, đã viết rằng những quốc gia "không tham gia tiến trình tự do hóa thương mại và theo đuổi các cuộc cải cách có thể bị gạt ra bên lề," và "nếu chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa cô lập thắng thế, khu vực châu Á-Thái Bình Dương có thể trở nên kém cởi mở và kém hòa nhập hơn, kéo theo hệ quả là cán cân an ninh và kinh tế của khu vực bị đảo lộn"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục