Hội nghị Đảng Cộng sản Trung Quốc thảo luận nhiều vấn đề quan trọng

Từ ngày 26-28/2, Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 3 khóa XIX diễn ra tại Bắc Kinh dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Tập Cận Bình.
Hội nghị Đảng Cộng sản Trung Quốc thảo luận nhiều vấn đề quan trọng ảnh 1Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại một buổi lễ ở Bắc Kinh. (Nguồn: THX/ TTXVN)

Từ ngày 26-28/2, Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 3 khóa XIX (Hội nghị Trung ương 3) diễn ra tại Bắc Kinh dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình.

Nội dung chương trình chính của Hội nghị Trung ương 3 lần này bao gồm thảo luận Báo cáo công tác của Bộ Chính trị; nghe Báo cáo tình hình trưng cầu ý kiến trong, ngoài Đảng về dự thảo “Quyết định của Trung ương Đảng về thúc đẩy cải cách trong cơ quan Đảng, Nhà nước;” thảo luận “Phương án thúc đẩy cải cách trong cơ quan Đảng, Nhà nước;” thảo luận dự kiến nhân sự lãnh đạo Nhà nước để trình lên Kỳ họp lần thứ nhất Quốc hội Khóa XIII và dự kiến nhân sự lãnh đạo Hội nghị Chính trị Hiệp thương nhân dân (Chính hiệp) toàn quốc để trình lên Kỳ họp lần thứ nhất Ủy ban Chính hiệp toàn quốc Khóa XIII.

Trước đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc “Kiến nghị về một số nội dung sửa đổi Hiến pháp,” trong đó có nội dung bãi bỏ quy định Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước chỉ được giữ hai nhiệm kỳ liên tiếp, nhằm xem xét thông qua sửa đổi Hiến pháp trong Kỳ họp lần thứ nhất Quốc hội Khóa XIII.

[Đảng Cộng sản Trung Quốc thảo luận về nhân sự chính phủ, cải tổ cơ cấu]

Sau khi công bố kiến nghị này, đại đa số cán bộ, người dân tại Trung Quốc đều bày tỏ ủng hộ “Kiến nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về một số nội dung sửa đổi Hiến pháp.”

Dư luận cho rằng việc sửa đổi Hiến pháp phù hợp với tình hình hiện nay, phù hợp thực tế của sự phát triển chủ nghĩa xã hội trong thời đại mới, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp của Đảng và nhân dân, vừa tuân theo quy luật phát triển của Hiến pháp, pháp luật.

Ông Vương Húc, Giáo sư Khoa Luật, Đại học Nhân dân Trung Quốc cho biết kể từ năm 1993 đến nay, tại Trung Quốc đã hình thành cơ chế “ba trong một” giữa các chức vụ Tổng Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Do vậy, kiến nghị sửa đổi Hiến pháp lần này của Trung ương cũng là nhằm phối hợp với cơ chế này.

Ông Lưu Triệu Giai, Phó Hội trưởng Hội nghiên cứu Hong Kong-Macau toàn quốc cho rằng kiến nghị sửa đổi Hiến pháp lần này nhằm thống nhất nhiệm kỳ của lãnh đạo Đảng, Chính quyền, Quân đội, qua đó có lợi cho Trung Quốc tiến hành Ngoại giao nguyên thủ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục