Iraq chính thức khởi động chiến dịch tranh cử quốc hội

Chiến dịch tranh cử quốc hội Iraq đã chính thức được khởi động, trong bối cảnh mâu thuẫn phe phái và bạo lực ngày càng leo thang.

Ngày 1/4, chiến dịch tranh cử quốc hội Iraq đã chính thức được khởi động, trong bối cảnh mâu thuẫn phe phái và bạo lực ngày càng leo thang.

Đây cuộc tổng tuyển cử đầu tiên ở Iraq kể từ khi lực lượng Mỹ rút khỏi nước này hơn hai năm trước. Các ứng cử viên thuộc các cộng đồng Shiite, Sunni và người Kurd tranh cử vào 328 ghế quốc hội.

Liên minh Nhà nước pháp quyền (SOL) của Thủ tướng Thủ tướng Nouri al-Maliki, lực lượng dẫn đầu trong cuộc bầu cử hội đồng địa phương năm 2013, được dự đoán sẽ giành nhiều ghế nhất trong cuộc tổng tuyển cử lần này, song liên minh này cần có nhiều sự ủng hộ hơn nữa từ các đảng của người Shiite và người Kurd để bảo đảm tiếp tục lãnh đạo nhiệm kỳ thứ hai.

Liên minh Iraqiya, được sự ủng hộ của người Hồi giáo Sunni, từng vượt lên SOL và giành được đa số ghế trong cuộc tổng tuyển cử hồi năm 2010, song cả Iraqiya và SOL đều không giành được đủ đa số tuyệt đối để thành lập chính phủ. Sau một thời gian khủng hoảng chính trị, liên minh Iraqiya buộc phải thỏa thuận tham gia chính phủ của Thủ tướng Maliki.

Trong khi đó, tình hình bạo lực và xung đột phe phái đang diễn ra gần như hàng ngày trên khắp Iraq. Người thiểu số Sunni bất bình vì cho rằng bị chính quyền do người Shiite lãnh đạo chèn ép và phân biệt đối xử. Bạo lực bùng nổ năm ngoái khi các tay súng Sunni mở nhiều cuộc tấn công nhằm vào lực lượng quân đội và cảnh sát chính phủ.

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 2/4, người đứng đầu Phái bộ Liên hợp quốc tại Iraq Nickolay Mladenov đã nhấn mạnh sự chia rẽ sâu sắc trước thềm cuộc tổng tuyển cử tại Iraq, đồng thời kêu gọi các đảng phái chính trị tăng cường đoàn kết và tìm kiếm một giải pháp toàn diện cho tình hình bạo lực ở nước này.

Theo số liệu thống kê của Phái bộ Liên hợp quốc, có tổng cộng 8.868 người, trong đó khoảng 7.818 dân thường và cảnh sát dân sự, đã thiệt mạng trong các vụ bạo lực ở Iraq năm 2013, cao nhất kể từ thời điểm xung đột đẫm máu năm 2007.

Chỉ tính riêng trong tháng Ba vừa qua, có 592 người đã thiệt mạng, còn tính từ đầu năm đến nay đã có 2.200 người chết vì bạo lực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục