Kết thúc phiên 6/4, VN-Index tăng mức kỷ lục trong hơn 18 năm qua

Kết thúc phiên giao dịch ngày 6/4, VN-Index tăng tới 34,95 điểm (4,89%) lên 736,75 điểm, khối lượng giao dịch đạt gần 335 triệu đơn vị, tương ứng giá trị hơn 4.649,4 tỷ đồng.
Kết thúc phiên 6/4, VN-Index tăng mức kỷ lục trong hơn 18 năm qua ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Kết thúc phiên giao dịch ngày 6/4, hàng loạt cổ phiếu lớn tăng trần, đã giúp VN-Index tăng tới 4,89%, chỉ sau mức tăng 5,5% của phiên giao dịch ngày 10/8/2001.

Như vậy, đây là mức tăng kỷ lục trong hơn 18 năm qua.

Thời gian gần đây, VN-Index có rất nhiều phiên giảm mạnh tới hơn 5%, nhưng ở chiều ngược lại mức tăng 5% của VN-Index thì thật sự khiến giới đầu tư bất ngờ.

[Nhiều nhóm cổ phiếu lớn tăng mạnh khi mở cửa phiên đầu tuần]

Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 6/4, VN-Index tăng tới 34,95 điểm (4,89%) lên 736,75 điểm. Khối lượng giao dịch đạt gần 335 triệu đơn vị, tương ứng giá trị hơn 4.649,4 tỷ đồng.

Toàn sàn có tới 330 mã tăng giá; trong đó có tới 95 mã tăng trần. Trên sàn này chỉ còn 59 mã giảm giá và 42 mã đứng giá.

HNX-Index cũng tăng tới 5,42 điểm (5,54%) lên 103,26 điểm. Khối lượng giao địch đạt hơn 64,2 triệu đơn vị, tương ứng giá trị trên 620,7 tỷ đồng.

Toàn sàn có 127 mã tăng giá; trong đó có tới 48 mã tăng trần. Trên sàn này cũng chỉ còn 46 mã giảm giá và 38 mã đứng ở mức giá tham chiếu.

Trong rổ cổ phiếu VN30 (30 mã cổ phiếu có tác động lớn nhất lên chỉ số VN-Index) có tới 29 mã tăng giá; trong đó 17 mã tăng trần.

Bộ 3 cổ phiếu họ Vingroup là VIC, VHM, VRE đều tăng lên giá trần. Cổ phiếu đầu ngành bán lẻ là MWG và cổ phiếu đầu ngành vàng là PNJ cũng tăng trần. Bên cạnh đó, HPG, MSN, SBT, BVH, SSI... cũng đều tăng giá trần.

Sắc tím cũng xuất hiện nhiều tại nhóm cổ phiếu ngân hàng. STB, VPB, MBB, BID, TCB, SHB, CTG đều tăng giá trần. Thêm vào đó, ACB, EIB, VCB, HDB... cũng có mức tăng rất mạnh.

Nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn giữ vững sự tích cực từ phiên sáng. PVB, PVC, PVD, PVS đều tăng trần, trong khi GAS cũng tăng tới 6,4%.

Dù thị trường tăng kỷ lục, nhưng khối ngoại vẫn bán ròng tới gần 700 tỷ đồng trên toàn thị trường. Trên HoSE, khối ngoại tiếp tục bán ròng 669,26 tỷ đồng. Mã bị bán ròng mạnh nhất sàn này là VIC với hơn 212,7 tỷ đồng.

Trên HNX, khối ngoại cũng bán ròng 2,69 tỷ đồng. Các mã bị bán ròng mạnh là TIG (hơn 2,1 tỷ đồng), IDJ (hơn 1,6 tỷ đồng). Trên thị trường UPCoM, khối ngoại bán ròng 24,59 tỷ đồng. Các mã bị bán ròng mạnh là ACV (hơn 18 tỷ đồng), VEA (hơn 13,6 tỷ đồng).

Thị trường chứng khoán đang chịu ảnh hưởng từ diễn biến dịch COVID-19. Những thông tin về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam đang được kiểm soát tốt có thể đã giúp nhà đầu tư yên tâm hơn.

Theo bản tin phát lúc 6 giờ sáng 6/4 của Bộ Y tế, đây là buổi sáng thứ 2 liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới. Ngày hôm qua 5/4, Việt Nam chỉ ghi nhận duy nhất 1 ca mắc mới.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 vào sáng 6/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo, cho biết tính đến ngày 6/4, Việt Nam đã trải qua 1 tháng kể từ giai đoạn 2. Nếu kể từ ngày phát hiện ca nhiễm bệnh đầu tiên là đã qua 2,5 tháng. Thời điểm đó, Việt Nam là một trong số vài nước bị lây nhiễm.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, tới nay, khi dịch bệnh đã lan ra toàn thế giới thì Việt Nam có 241 người nhiễm bệnh, đứng thứ 96 trên thế giới về số ca nhiễm và là 1 trong 3 nước có trên 200 ca nhiễm bệnh mà chưa có người tử vong. Có thể khẳng định tới giờ phút này, Việt Nam đã và đang kiểm soát được dịch bệnh.

Tại các thị trường chứng khoán châu Á cũng tăng điểm phiên 6/4 khi một số nước đang có diễn biến dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất đã báo cáo số ca tử vong giảm, mang đến ít nhiều hy vọng trong cuộc chiến này.

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản chốt phiên tăng 4,2%, lên 18.576,3 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 2,2%, lên 23.749,12 điểm, mức cao nhất trong hơn ba tuần.

Thị trường Thượng Hải đóng cửa nghỉ lễ. Trong khi đó, chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 3,85%, lên 1.791,88 điểm, đánh dấu phiên thứ ba liên tiếp tăng điểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục