Kịch bản nào cho mối quan hệ thực dụng giữa Nga và Israel?

Mối quan hệ thực dụng Nga-Israel là một kịch bản mà cả Israel và Nga đều đã nỗ lực tìm cách tránh bằng mọi giá trong suốt 3 năm kể từ khi Nga chủ động can dự vào nội chiến Syria.
Kịch bản nào cho mối quan hệ thực dụng giữa Nga và Israel? ảnh 1Máy bay IL-20 của Nga. (Ảnh: The Drive/TTXVN)

Theo Tân hoa xã, đó là một kịch bản mà cả Israel và Nga đều đã nỗ lực tìm cách tránh bằng mọi giá trong suốt 3 năm kể từ khi Nga chủ động can dự vào nội chiến Syria đã diễn ra.

Đầu tuần này, một máy bay Nga đã bị bắn hạ bởi hệ thống phòng không Syria, hệ thống phòng thủ khai hỏa các tên lửa vốn nhằm vào máy bay Israel tiến hành các vụ không kích trên lãnh thổ Syria.

Máy bay của Nga bị bắn rơi trong lúc các máy bay chiến đấu của Israel đang nã vào các mục tiêu thuộc tỉnh Latakia.

Bộ Quốc phòng Nga quy trách nhiệm cho Israel vì đã chủ đích dùng máy bay Nga làm lá chắn, cố ý dùng một đường bay cụ thể để thu hút hỏa lực của phòng không Syria về phía lực lượng Nga. Mọi rắc rối trong khu vực lại bùng lên chỉ sau vài giây ngắn ngủi.

Toàn bộ 15 thành viên phi hành đoàn trên máy bay Nga thiệt mạng.

Chỉ huy trưởng Lực lượng Không quân Israel đã tới Moskva vào ngày 20/9 để chia sẻ thông tin về cuộc điều tra của Israel liên quan đến vụ việc sau khi các quan chức Bộ Quốc phòng Nga lên tiếng cáo buộc Tel Aviv.

Đây là động thái hiếm hoi sau khi quân đội Israel tuyên bố sẽ giữ kín mọi chi tiết họ nắm được về vụ việc, “kể cả các thông tin trước chiến dịch” như những gì được nhấn mạnh trong tuyên bố của Lực lượng Quốc phòng Israel (IDF).

[Nga: Máy bay trinh sát Il-20 bị bắn hạ do chủ ý của phía Israel]

Một ngày sau vụ việc, Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu với một giọng điệu khác trước, với thái độ mang tính hòa giải hơn, và chỉ nói rằng những gì xảy ra nằm trong “một chuỗi những tình huống bi kịch bất ngờ.”

Đây không phải là lần đầu tiên căng thẳng giữa hai nước nảy sinh do va chạm trên không phận Syria.

Những năm gần đây, Israel đã tiến hành hàng trăm vụ không kích tại lãnh thổ Syria để nhằm vào các mục tiêu và đoàn xe chở vũ khí được Iran hậu thuẫn. Israel chỉ thừa nhận đứng đằng sau một vài vụ không kích trong khi một số quan chức an ninh ẩn danh của nước này lên tiếng thừa nhận nhiều vụ tấn công là do lực lượng không quân tiến hành.

Sau vụ việc vừa qua, IDF đã nhanh chóng ra một tuyên bố “bày tỏ sự đau xót trước cái chết… của các thành viên phi hành đoàn Nga” sau khi “máy bay chiến đấu của IDF tấn công một cơ sở của Lực lượng Vũ trang Syria.”

Tuyên bố này còn nhấn mạnh máy bay của Israel chủ yếu nhằm vào “hỏa lực phòng không của Syria, những hệ thống dù lớn nhưng rất thiếu chính xác. Chính hỏa lực này đã nhắm trúng máy bay của Nga.”

Trong vài năm trở lại đây, Nga và Israel đã thiết lập các cơ chế giảm thiểu xung đột nhằm ngăn chặn những vụ việc tương tự xảy ra tại vùng không phận đầy phức tạp mà hai bên đều đang triển khai lực lượng. Nga thực tế không hài lòng với việc Israel can dự vào cuộc chiến ở Syria.

Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Putin đã gọi vụ việc vừa qua là “hành vi vi phạm chủ quyền của Syria."

Tuy nhiên, hai bên vẫn nỗ lực tránh mâu thuẫn và hạn chế các xung đột tương tự.

Tiến sỹ Dina Lisnyansky, hiện làm việc tại Khoa Nghiên cứu Chính trị của Đại học Bar Ilan, bình luận: “Nga nhiều khả năng sẽ không đẩy căng thẳng lên cao. Putn sẽ tìm cách tận dụng vụ việc này để giành thêm quyền kiểm soát không phận Syria… và thể hiện rằng ai mới thực sự là người kiểm soát Syria.”

Thực tế giữa Nga và Israel chưa ký bất kỳ thỏa thuận nào ngoại trừ hàng loạt cuộc gặp và điện đàm giữa lãnh đạo hai nước.

Vụ việc này cũng sẽ khiến Nga khó có thể trừng phạt Israel.

Năm 2015 khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga tại biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, Tổng thống Putin đã đáp trả bằng hàng loạt đòn trừng phạt kinh tế và đình chỉ các hợp đồng thuê máy bay giữa hai nước, gây thiệt hại đáng kể cho ngành du lịch Thổ Nhĩ Kỳ.

Điều khác biệt nhất trong vụ việc lần này là Israel không phải là “thủ phạm” bắn hạ máy bay của Nga.

Bà Dina Lisnyansky nói: “Nga sẽ tìm cách xoay chuyển tình hình. Còn về phía Israel, điều mà họ mong muốn nhất sẽ là không có nhiều thay đổi so với hiện tại và vẫn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Nga… Israel cần duy trì mối quan hệ này. Nga không phải là một cường quốc khu vực nhỏ bé.”

IDF cho rằng mục tiêu của cuộc không kích mới nhất là “mối đe dọa không thể tha thứ” và nhiều khả năng nước này sẽ tiếp tục các cuộc tấn công chừng nào họ vẫn xem đó là những mối đe dọa.

Hệ quả của vụ việc này có thể đồng nghĩa với việc Nga không thể “nhắm mắt làm ngơ” trước những gì Israel tiến hành tại Syria và Israel sẽ không còn có thể dễ dàng thực hiện các vụ tấn công do Nga yêu cầu thông báo trước về các kế hoạch liên quan.

Nếu Israel chấp nhận yêu cầu này, không chỉ Nga có thêm thời gian chuẩn bị mà Syria hoặc các tay súng được Isran hậu thuẫn cũng có thêm cơ hội tìm chỗ trú ẩn trước các cuộc không kích.

Đây có thể là điều mà Thủ tướng Netanyahu khó chấp nhận song vẫn buộc phải lựa chọn. Bà Dina Lisnyansky nói: “Các mối quan hệ luôn là thứ rất thực dụng. Không có lý do gì để họ không tiếp tục nó.”

Nhà bình luận quốc phòng Yossi Melman viết trên trang mạng NRG của Israel: “Israel có thể sẽ tìm cách tăng cường phối hợp với Nga để tránh tái diễn vụ việc này. Thực tế, đó đúng là phép màu khi mãi đến bây giờ một tai nạn như vậy mới xảy ra”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục