Ngày 8/6, Quốc hội Kuwait dự báo ngân sách nước này ước thâm hụt 21,6 tỷ USD trong tài khóa 2017-2018 (bắt đầu từ 1/4/2017), năm thâm hụt ngân sách thứ ba liên tiếp, do sự lao dốc của giá dầu.
Quốc gia thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) này dự kiến thu ngân sách trong tài khóa nói trên sẽ vào khoảng 43,6 tỷ USD, trong khi chi tiêu dự kiến lên đến 65,2 tỷ USD.
Với ước tính giá một thùng dầu là 45 USD, ngân sách thu từ dầu mỏ của Kuwait sẽ tăng 36% so với tài khóa trước lên 38,4 tỷ USD.
Ông Anas Al-Saleh, Bộ trưởng Tài chính đã trình bày trước Quốc hội rằng mức thâm hụt ngân sách của tài khóa 2016-2017 là 21,3 tỷ USD.
Trước giai đoạn khó khăn này, Chính phủ Kuwait đã được hưởng lợi từ thời kỳ thặng dư ngân sách kéo dài 16 năm liên tiếp. Mặc dù giá dầu thô sụt giảm, nhưng nguồn thu từ tài nguyên này vẫn chiếm đến 88% ngân sách của Kuwait.
[Qatar muốn Kuwait đứng ra làm trung gian hòa giải với các nước Arab]
Bộ trưởng Tài chính Kuwait khẳng định rằng đất nước này đã phải đối mặt với một trong những thách thức khó khăn nhất trong vòng ba năm gần đây. Để bù đắp thâm hụt ngân sách, Kuwait đã phải sử dụng đến nguồn dự trữ ngoại tệ, ước tính khoảng 600 tỷ USD và phát hành trái phiếu chính phủ.
Tuy nhiên, các nghị sỹ đã chỉ trích sự yếu kém của chính phủ trong việc đa dạng hoá nguồn thu ngân sách, khiến nước này phụ thuộc quá lớn vào dầu mỏ.
Giống như các nước Vùng Vịnh khác, Kuwait đang phải thực hiện các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" như tăng giá các mặt hàng xăng dầu, điện và nước./.