Ký cam kết thúc đẩy phát triển ngành gỗ Việt Nam theo hướng bền vững

Tham gia ký cam kết có Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cùng với các hiệp hội gỗ Bình Định, Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Chi hội Gỗ dán và Chi hội Dăm gỗ.
Ký cam kết thúc đẩy phát triển ngành gỗ Việt Nam theo hướng bền vững ảnh 1Đại diện 8 hiệp hội gỗ trong cả nước ký cam kết thúc đẩy phát triển ngành gỗ Việt Nam theo hướng bền vững. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Ngày 9/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, các hiệp hội gỗ trong cả nước đã ký cam kết thúc đẩy phát triển ngành gỗ Việt Nam theo hướng bền vững,

Cam kết nhằm tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật của Việt Nam, thực hiện đầy đủ các cam kết Quốc tế mà Chính phủ Việt Nam đã ký liên quan đến phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học cũng như thể hiện trách nhiệm xã hội, môi trường trong các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết tham gia ký cam kết có Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cùng với các hiệp hội gỗ Bình Định, Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Chi hội Gỗ dán và Chi hội Dăm gỗ.

Các hiệp hội cùng cam kết tuân thủ đầy đủ Nghị định 102/2020/NĐ-CP (Nghị định VNTLAS) ngày 1/9/2020 của Chính phủ Quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp của Việt Nam (VNTLAS) để đảm bảo toàn bộ các hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu, khai thác, vận chuyển, mua bán, chế biến gỗ được thực thi hợp pháp.

Ngoài ra, các hiệp hội kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp tăng cường sử dụng gỗ rừng trồng trong nước, sản phẩm làm từ gỗ rừng trồng trong nước và gỗ nhập khẩu từ nguồn rủi ro thấp; ưu tiên nguồn gỗ nguyên liệu được khai thác từ các diện tích rừng được quản lý bền vững; thúc đẩy phát triển thị trường nội địa theo hướng sử dụng gỗ hợp pháp, đẩy mạnh thực hiện truy xuất nguồn gốc gỗ, kêu gọi chuyển đổi từ gỗ nguyên liệu đầu vào từ nguồn rủi ro nhập khẩu sang gỗ rừng trồng trong nước, sản phẩm gỗ từ rừng trồng, và từ gỗ nhập khẩu từ nguồn rủi ro thấp.

Các hiệp hội có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng phát hiện, ngăn chặn và loại bỏ các hành vi gian lận thương mại và đầu tư núp bóng trong ngành gỗ, kêu gọi các hoạt động thương mại và đầu tư minh bạch, có trách nhiệm, đem lại giá trị cao cho ngành.

[Doanh nghiệp ngành gỗ tìm cơ hội xuất khẩu trong khó khăn]

Các hiệp hội cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan chung tay xây dựng một nền lâm nghiệp bền vững, thúc đẩy các hoạt động bảo vệ rừng tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, khuyến khích mở rộng diện tích rừng có chứng chỉ bền vững, hỗ trợ phát triển sinh kế cho các cộng đồng sống dựa vào rừng. Mở rộng liên kết với các hộ trồng rừng theo hướng sản xuất và thương mại gỗ bền vững, hài hòa về lợi ích, tạo thêm giá trị gia tăng cho các hộ trồng rừng và các cơ sở sản xuất trong làng nghề gỗ.

Song song đó, cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ ủng hộ Chính phủ Việt Nam tăng cường kiểm tra, giám sát nguồn gỗ nhập khẩu, đặc biệt là gỗ nhiệt đới nhập khẩu từ các nguồn được xác định là rủi ro theo Nghị định VNTLAS; kiến nghị ban hành chính sách mua sắm công đồ gỗ theo hướng loại bỏ hoàn toàn các loại gỗ rủi ro cao ra khỏi các gói mua sắm công; ưu tiên các sản phẩm được làm từ gỗ rừng trồng…

Ký cam kết thúc đẩy phát triển ngành gỗ Việt Nam theo hướng bền vững ảnh 2Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam phát biểu tại lễ ký cam kết. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Theo ông Đỗ Xuân Lập, để triển khai các nội dung trong cam kết này, mỗi hiệp hội sẽ tiến hành xây dựng chương trình hành động theo lộ trình và bố trí đủ nguồn lực để thực hiện hiệu quả các hoạt động. Các chương trình hành động bao gồm việc hợp tác với các cơ quan quản lý nhằm đề xuất, phản biện và triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách liên quan tới sự phát triển bền vững của ngành gỗ.

Các hiệp hội cũng tích cực vận động, đào tạo và cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp thành viên, khuyến khích doanh nghiệp liên kết, bao gồm liên kết với các hộ trồng rừng và các doanh hộ làng nghề; xác định các hoạt động ưu tiên về bảo vệ rừng tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, hỗ trợ sinh kế cộng đồng và truyền thông nhằm quảng bá cho hình ảnh của ngành gỗ, góp phần thúc đẩy phát triển ngành gỗ Việt có trách nhiệm và bền vững.

Bên cạnh việc cam kết nói không với gỗ bất hợp pháp, các hiệp hội ngành gỗ cũng đang tích cực vận động để thành lập Quỹ Việt Nam Xanh với sứ mệnh thay đổi cách nhìn nhận của xã hội về ngành gỗ thông qua các hoạt động cụ thể.

Ông Nguyễn Chánh Phương, thành viên Ban vận động thành lập Quỹ Việt Nam Xanh, cho biết mục tiêu của Quỹ Việt Nam Xanh là thể hiện trách nhiệm và cam kết của cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, hoạt động sản xuất và thương mại hợp pháp, bền vững về mặt lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội.

Nguồn kinh phí của Quỹ Việt Nam Xanh được vận động từ đóng góp của trực tiếp các hiệp hội, doanh nghiệp trong ngành gỗ và các nhà tài trợ khác. Quỹ sẽ ưu tiên tài trợ cho các dự án trồng rừng, bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng nguồn tài nguyên sinh học; hỗ trợ các hoạt động phát triển sinh kế cho các tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia bảo vệ rừng.

Ngoài ra, Quỹ Việt Nam Xanh cũng chú trọng thúc đẩy liên kết giữa các hộ sản xuất đồ gỗ tại các làng nghề và các doanh nghiệp trong ngành nhằm mở rộng thị trường, đẩy nhanh việc chuyển đổi nguyên liệu từ các loại gỗ quý nhập khẩu sang các loại gỗ rừng trồng và gỗ nhập khẩu từ các nguồn rủi ro thấp. Thông qua đó truyền thông để thay đổi nhận thức và thói quen của cộng đồng về sử dụng gỗ hợp pháp và bền vững.

Quỹ Việt Nam Xanh hiện đang trong quá trình kêu gọi đóng góp và sẽ ra mắt chính thức vào ngày 1/12 trong sự kiện Lễ kỷ niệm 75 thành lập ngành Lâm nghiệp được tổ chức tại Nghệ An./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục