Ký kết quy chế phối hợp triển khai đường vành đai 3 TP.HCM

Giữa năm 2023 khởi công dự án, thời gian thực hiện thi công dự án 36 tháng; trong đó, dự án đặt mục tiêu thông xe toàn tuyến, hoàn thành cơ bản phần cao tốc vào tháng 10/2025.
Ký kết quy chế phối hợp triển khai đường vành đai 3 TP.HCM ảnh 1(Ảnh minh họa: Nhựt An/TTXVN)

Ngày 2/7, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch xây dựng đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh và công tác chuẩn bị dự án đường vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại hội nghị, lãnh đạo 4 địa phương Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An đã tiến hành ký kết quy chế, kế hoạch triển khai để thực hiện sự quyết tâm triển khai dự án vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh bảo đảm tiến độ. 

Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, dự án đường vành đai 3 sẽ được Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An tiến hành.

Dự kiến trong tháng 7, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết triển khai chủ trương đầu tư dự án, giao kế hoạch vốn trung hạn hoàn thành tháng 12, phê duyệt chính sách bồi thường - hỗ trợ - tái định cư.

Sau đó, bắt đầu bàn giao mặt bằng từ tháng 10/2022, đến hết năm 2023 bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng và tháng 3/2024 bàn giao toàn bộ mặt bằng.

[Thông qua Nghị quyết chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 3 TP.HCM]

Giữa năm 2023 khởi công dự án, thời gian thực hiện thi công dự án 36 tháng; trong đó, dự án đặt mục tiêu thông xe toàn tuyến, hoàn thành cơ bản phần cao tốc vào tháng 10/2025 và hoàn thành toàn bộ dự án năm 2026, quyết toán dự án hoàn thành năm 2027.

Để rút ngắn thời gian thực hiện các công việc liên quan của dự án, Thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị, trong giai đoạn chuẩn bị dự án cho phép triển khai đồng thời một số công việc liên quan tới bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xác định bãi đổ chất thải rắn xây dựng cùng một số thủ tục về khảo sát phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế…

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ, vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh là dự án lớn, thời gian thực hiện rất ngắn nên các địa phương cần nghiêm túc tập trung thực hiện.

Nếu muốn tổ chức triển khai song song các công việc thì cần xây dựng kế hoạch, củng cố tổ chức, phân giao công việc cụ thể để triển khai hiệu quả. Các ban quản lý phải làm việc với tư vấn, thiếu lực lượng thì cho phép điều tiết quân thêm.

Bên cạnh đó, ông Lê Đình Thọ cho rằng dự án cần có đầu mối rõ vì trong dự án có 8 dự án thành phần. 8 dự án này phải mang tính chất độc lập, tuân thủ quy định. Để làm được việc này, phải gắn trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, từng cán bộ.

Chẳng hạn Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố phải chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng, Sở Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm làm đường... Sau này, căn cứ vào kế hoạch để kiểm điểm tiến độ.

Đại diện các bộ, ngành tại cuộc họp cho biết, sẽ sát cánh cùng các địa phương triển khai dự án theo tiến độ đề ra.

Nghị quyết của Quốc hội cho phép các địa phương thực hiện chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật…

Một số bộ, ngành cũng lưu ý địa phương cân nhắc không thực hiện theo hình thức chỉ định thầu rút gọn để đảm bảo tính pháp lý.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết về các nội dung liên quan dự thảo nghị quyết Chính phủ về triển khai dự án này, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các sở ngành tỉnh khác, tiếp thu, giải trình các ý kiến đóng góp.

Theo ông Phan Văn Mãi, thành phố tiếp thu ý kiến tại hội nghị để hoàn thiện dự thảo nghị quyết trình Chính phủ. Các địa phương cũng sẽ chủ động triển khai song song các công việc đảm bảo tiến độ các mốc chính của dự án. 

Về dự án đường vành đai 4, ông Phan Văn Mãi cho biết Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thực hiện khẩn trương, xong hồ sơ vành đai 3 thì chuẩn bị vành đai 4. Trong tháng 7, thành phố sẽ làm việc với các tỉnh, bàn bạc về các vấn đề liên quan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục