Kỷ nguyên mới từ chiến lược ''tuần hoàn kép'' của Trung Quốc

Thành công của chiến lược tuần hoàn kép phụ thuộc phần lớn vào khả năng của Trung Quốc trong việc thúc đẩy quá trình đổi mới trong nước và đạt được sự ngang bằng về công nghệ với các nước tiên tiến.
Quang cảnh cảng hàng hóa tại Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, ngày 19/2/2021. (Ảnh: THX/ TTXVN)
Quang cảnh cảng hàng hóa tại Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, ngày 19/2/2021. (Ảnh: THX/ TTXVN)

Theo trang mạng scmp.co, Trung Quốc đang tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “tuần hoàn kép,” lần đầu được công bố tại cuộc họp Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng Năm năm ngoái.

Chiến lược mô tả “một mô hình phát triển mới, trong đó thị trường trong và ngoài nước có thể thúc đẩy lẫn nhau, với thị trường trong nước là trụ cột.”

Tuần hoàn bên trong, hay còn được hiểu là vòng tuần hoàn sản xuất, phân phối và tiêu dùng trong nước, sẽ là động cơ chính thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế của Trung Quốc.

Vòng tuần hoàn này được kỳ vọng sẽ trở thành một quy trình độc lập và hoàn chỉnh. Tất nhiên, thương mại và đầu tư quốc tế (tuần hoàn bên ngoài) sẽ không biến mất. Tuy nhiên, nó sẽ đóng vai trò thứ cấp và hỗ trợ. Toàn bộ chiến lược sẽ dựa trên khả năng nâng cấp sức mạnh công nghệ cũng như đổi mới của Trung Quốc.

Khi các chính phủ và các công ty nước ngoài cố gắng hiểu đầy đủ ý nghĩa của chiến lược tuần hoàn kép và cân nhắc các phản ứng phù hợp, quan điểm lịch sử, quan điểm chính sách và quan điểm kinh doanh sẽ là các yếu tố cung cấp bối cảnh hữu ích.

Bước phát triển kinh tế mang tính lịch sử của Trung Quốc chủ yếu được thúc đẩy nhờ thương mại và đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI).

Để thành công, mô hình phát triển dựa vào xuất khẩu và FDI của Trung Quốc đòi hỏi một môi trường chính sách toàn cầu lành mạnh.

Trung Quốc cần có đủ phạm vi và tính linh hoạt trong chính sách để theo đuổi sự pha trộn độc đáo giữa chế độ độc đảng, chủ nghĩa tư bản định hướng nhà nước và các hoạt động thương mại theo chủ nghĩa lấy lợi nhuận làm trung tâm.

Trong 3-4 thập kỷ qua, nhìn chung Trung Quốc đã duy trì môi trường lành mạnh đó. Sự trỗi dậy của Trung Quốc đã được các đối tác hoan nghênh và tạo điều kiện.

Trung Quốc đã che đậy tất cả các câu hỏi về việc tuân thủ quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hoặc một số lo ngại về “những thách thức” vốn có trong hoạt động kinh doanh ở nước này.

Quá trình hội nhập toàn cầu của Trung Quốc được đông đảo dư luận thừa nhận là mang lại lợi ích chung, cả về kinh tế và chiến lược.

Nhiều đối tác của Trung Quốc hiện coi những giả định lạc quan trước đó là một sai lầm lớn trong tính toán chiến lược.

Mối quan hệ đôi bên cùng có lợi đã bắt đầu trở nên mất cân bằng. Hiện nay, Trung Quốc vẫn đang mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, các chính sách của nước này đang bị thách thức mạnh mẽ và hoạt động quản trị thương mại đang được xem xét lại để đối phó hiệu quả hơn với hệ thống của Trung Quốc.

Môi trường chính sách toàn cầu lành mạnh, vốn được duy trì ổn định trong nhiều thập kỷ, đã bắt đầu sụp đổ.

Các nhà lãnh đạo của Trung Quốc nhận ra sự thay đổi lịch sử này và giờ đây tin rằng sự phụ thuộc vào hệ thống toàn cầu là vô cùng rủi ro. Chiến lược tuần hoàn kép là một nỗ lực để phòng ngừa rủi ro đó.

Thời đại mà Trung Quốc được thế giới "cho qua" việc sử dụng các hành vi đáng ngờ nhằm theo đuổi quá trình phát triển đã kết thúc.

Trung Quốc phải đối mặt với một môi trường bất ổn hơn nhiều. Trung Quốc sẽ giảm thiểu việc tiếp xúc với các nguồn lực bên ngoài, đồng thời tăng cường các năng lực bên trong.

Từ góc độ chính sách, các cuộc chiến thương mại có thể sẽ ngày càng gay gắt. Thành công của chiến lược tuần hoàn kép sẽ phụ thuộc phần lớn vào khả năng của Trung Quốc trong việc thúc đẩy quá trình đổi mới trong nước và đạt được sự ngang bằng về công nghệ (nếu không muốn nói là vượt trội) với các nước tiên tiến nhất.

Trung Quốc sẽ sử dụng mọi công cụ của nước này để đạt được các mục tiêu về công nghệ, bao gồm các khoản trợ cấp lớn, những cuộc chuyển giao công nghệ cưỡng ép, cũng như các hoạt động phi thị trường của các doanh nghiệp nhà nước.

Về bản chất, Trung Quốc sẽ tăng cường các chính sách thương mại hiện có, vốn đã tạo ra nhiều xích mích chưa từng có với các nước đối tác phát triển trên thế giới.

Về phần mình, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia cùng chí hướng khác đang thể hiện mong muốn đối đầu mạnh mẽ hơn với Trung Quốc.

[Chiến lược tuần hoàn kép không phải chỉ là "tự lực cánh sinh"]

Mỹ đang triển khai một đợt tấn công thương mại, nhằm phát triển các công cụ pháp lý mới về thương mại để chống lại Trung Quốc một cách hiệu quả hơn.

Với thỏa thuận Mỹ-EU mới đây liên quan đến hai hãng máy bay Boeing và Airbus, hai bên đã cam kết hình thành một mặt trận đoàn kết chống lại các khoản trợ cấp của Trung Quốc, vốn đang làm lũng đoạn thị trường.

Kỷ nguyên mới từ chiến lược ''tuần hoàn kép'' của Trung Quốc ảnh 1Người dân mua hàng hoá trong siêu thị ở thành phố Hình Đài, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc ngày 11/5/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Các diễn biến hiện nay dẫn đến điều gì? Khi các đối tác áp đặt biện pháp trừng phạt thương mại đối với Trung Quốc trong các hoạt động công nghệ và công nghiệp, nước này thường trả đũa bằng các biện pháp thương mại.

Điều đó dẫn đến một cuộc chiến trừng phạt thương mại liên tục giữa hai bên. Khi chiến lược tuần hoàn kép mở ra, cuộc xung đột thương mại sẽ trở nên tồi tệ hơn.

Từ góc độ kinh doanh, Trung Quốc sẽ tiếp tục mong muốn và cần đến sự tham gia của các công ty nước ngoài. Các nhà hoạch định chính sách Bắc Kinh không hề ảo tưởng về khả năng tự cung tự cấp.

Các công ty nước ngoài ở Trung Quốc, được cho là có đóng góp trực tiếp vào thành công của chiến lược tuần hoàn kép, sẽ tìm thấy một môi trường kinh doanh thuận lợi và thường xuyên tạo ra lợi nhuận.

Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ đòi hỏi nhiều hơn trong các điều khoản cam kết. Do đó, đối với một số công ty nước ngoài ở Trung Quốc, việc duy trì hoạt động sẽ trở nên khó khăn hơn.

Điều này có ý nghĩa gì đối với các điều khoản thực tiễn? Nếu các công ty không thể kết nối hoạt động của họ ở Trung Quốc với các mục tiêu phát triển được đã được định rõ của nước này, họ sẽ phải đối mặt với rủi ro.

Nói một cách rõ ràng hơn, sẽ không có ai bị đẩy ra ngoài. Thay vào đó, các quy định pháp lý và các biện pháp kiểm soát thị trường, từ đơn giản đến phức tạp, sẽ được sử dụng để khiến các công ty ít được ưu ái hơn gặp nhiều khó khăn hơn khi kinh doanh tại Trung Quốc.

Sẽ có thêm một số công ty nước ngoài cảm thấy không đáng để đầu tư và từ bỏ thị trường này. Xét trên một mức độ cụ thể, những động lực này đã được các công ty nắm rõ và thực hiện.

Các doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc đã lùi lại phía sau trong nhiều năm nhằm thể hiện mối liên kết giữa họ với các mục tiêu phát triển của nước này.

Các chủ doanh nghiệp phải chuẩn bị những báo cáo khổng lồ, đồng thời trình bày về hoạt động nghiên cứu và phát triển của họ ở Trung Quốc, cũng như công nghệ mà họ chuyển giao cho các đối tác địa phương.

Áp lực buộc các công ty nước ngoài phải “chứng minh cho sự tồn tại của họ” ở Trung Quốc sẽ ngày càng gia tăng, khi người tiêu dùng tỏ ra ưa chuộng hơn đối với các sản phẩm nội địa.

Giới lãnh đạo Trung Quốc đã phán đoán chính xác sự thay đổi cơ bản trong môi trường chính sách đối ngoại và đang phản ứng bằng các chính sách hợp lý nhằm thúc đẩy lợi ích quốc gia.

Thông qua chiến lược tuần hoàn kép, họ tìm cách khiến Trung Quốc ít phụ thuộc hơn vào phần còn lại của thế giới, trong khi tối đa hóa đòn bẩy liên quan đến sự phụ thuộc của thế giới vào Trung Quốc.

Chính phủ và công ty các nước khác cần hiểu rõ những tác động của chiến lược tuần hoàn kép. Ngoài ra, họ sẽ cần phải sáng suốt và thực dụng trong việc phát triển các chiến lược để giải quyết tình trạng hiện nay, đồng thời bảo vệ lợi ích của họ. Một kỷ nguyên mới đã thực sự bắt đầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục